Chuyên gia góp ý xây dựng Chương trình giáo dục mầm non mới

GD&TĐ -  Nhóm chuyên gia của Ngân hàng thế giới (WB) đóng góp một số ý kiến xây dựng Chương trình giáo dục mầm non mới.

Cô trò Trường mầm non Ban Mai-Hà Đông, Hà Nội.
Cô trò Trường mầm non Ban Mai-Hà Đông, Hà Nội.

Những góp ý này được chia sẻ tại Hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế và quốc gia xây dựng chương trình giáo dục mầm non”, tổ chức ngày 17/10 tại Hà Nội.

Ủng hộ quan điểm và định hướng xây dựng Chương trình

Đối với quan điểm và định hướng xây dựng Chương trình giáo dục mầm non, nhóm nghiên cứu về giáo dục mầm non của Ngân hàng thế giới (WB) thể hiện đồng tình, ủng hộ với một số quan điểm như sau:

Thứ nhất là tính kế thừa và phát triển những ưu điểm của chương trình hiện hành; đồng thời, học hỏi vận dụng kinh nghiệm từ quốc tế.

Thứ 2: Mục tiêu đặt ra giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần, trí tuệ và thẩm mỹ.

Thứ 3: Chương trình được xây dựng theo tiếp cận năng lực. Cuối cùng là tính mở của chương trình; cho phép và hướng dẫn các địa phương, khu vực và từng cơ sở cơ sở giáo dục mầm non phát triển Chương trình phù hợp.

Theo Ban soạn thảo, Chương trình giáo dục mầm non mới sẽ được xây dựng với quan điểm chung là cần kế thừa và phát triển trên quan điểm chương trình hiện hành. Đồng thời,thể hiện rõ nét hơn quan điểm tiếp cận phát triển phẩm chất năng lực trẻ em mầm non phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi, hướng đến hình thành những giá trị cốt lõi của con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Chương trình cũng tiếp cận với các phương pháp giáo dục tiên tiến, hội nhập với giáo dục quốc tế và chú ý nhiều hơn đến các vấn đề giáo dục trẻ trở thành công dân toàn cầu trong hoàn cảnh cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4.

Ảnh minh họa/ITN.

Ảnh minh họa/ITN.

Có thí điểm, đánh giá trước khi triển khai diện rộng

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng chia sẻ một số góp ý với Ban soạn thảo khi xây dựng Chương trình.

Điều đầu tiên là Chương trình giáo dục mầm non cần xây dựng dựa trên dữ liệu, bằng chứng được thu thập được một cách thấu đáo, hệ thống từ thực tiễn nhà trường, lớp học mầm non ở những vùng miền khác nhau ở Việt Nam. Có thể bao gồm cả những tính toán về phân kỳ, thí điểm chương trình và đánh giá nghiên cứu liên tục trước khi tiến hành triển khai diện rộng toàn quốc.

Chương trình được xây dựng theo hướng tiếp cận năng lực, đây là điểm rất đáng khích lệ. Nhưng nhóm nghiên cứu cũng lưu ý, có những kỹ năng chỉ có thể học được, không thể dạy được, ví dụ như sáng tạo, năng lực giải quyết vấn đề, hay tính kiên trì, ý chí. Do vậy, có thể cân nhắc việc Chương trình cung cấp được những hướng dẫn thiết thực, cụ thể về học tập trải nghiệm, về học thông qua/dựa trên hoạt động vui chơi. Mục đích để trẻ và giáo viên có thể tránh được sự trừu tượng khi triển khai thực hiện chương trình mới.

Ngoài các năng lực đã đề cập, nhóm nghiên cứu cũng cho rằng, cần chú ý hơn đến các năng lực về tình cảm và xã hội. Ví dụ năng lực tự điều chỉnh tình cảm, hành vi, suy nghĩ của trẻ; niềm tin vào những năng lực của bản thân; sự bền bỉ, tính kiên cường, khả năng vượt qua thất bại.

Cùng với đó, Chương trình giáo dục mầm non cần có những hướng dẫn phù hợp để theo dõi và đánh giá sự phát triển của trẻ. Từ đó điều chỉnh thích hợp trong phương pháp sư phạm và đưa ra những quyết định phù hợp cho giai đoạn phát triển của trẻ tiếp theo. Song song xây dựng Chương trình giáo dục mầm non, cũng cần cập nhật chuẩn phát triển của trẻ.

Cuối cùng, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh, chất lượng thực sự của Chương trình giáo dục mầm non không nằm ở văn bản, mà nằm ở bản chất mối quan hệ giữa người chăm sóc trẻ, giáo viên với trẻ với bản thân trẻ. Mối quan hệ này được dựa trên tình thương và là yếu tố then chốt, quyết định chất lượng giáo dục mầm non. Bởi vậy, cuối cùng, Chương trình giáo dục mầm non phải song hành rất chặt chẽ với đào tạo, với bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên.

Ngày 17/10, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế và quốc gia xây dựng chương trình giáo dục mầm non”. Hội thảo nhằm tạo diễn đàn trao đổi và tiếp thu bài học kinh nghiệm quốc gia và quốc tế về xây dựng Chương trình giáo dục mầm non mới ở Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ