Xây dựng Bệnh viện Sản - Nhi giữa cụm công nghiệp nặng tại Vĩnh Phúc: Hậu quả nhãn tiền

GD&TĐ - Việc tỉnh Vĩnh Phúc đầu tư gần nghìn tỉ đồng xây dựng Bệnh viện Sản - Nhi ngay giữa khu sản xuất thép Hợp Thịnh, huyện Tam Dương đang gây bức xúc trong dư luận. Qua điều tra, xác minh cho thấy, các cấp, ngành liên quan tại tỉnh Vĩnh Phúc đã nhìn nhận được vấn đề, tiến hành kiểm tra môi trường và ghi nhận có ô nhiễm.

Bệnh viện Sản - Nhi Vĩnh Phúc đang được xây dựng
Bệnh viện Sản - Nhi Vĩnh Phúc đang được xây dựng

Nhiều chỉ tiêu về môi trường vượt phép

Đầu tháng 10/2018, khi Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đi kiểm tra tiến độ thi công dự án đã nhìn ra bất cập tại dự án Bệnh viện Sản - Nhi khi được đặt giữa cụm công nghiệp, phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm.

Sau đó, UBND tỉnh Vĩnh Phúc có văn bản yêu cầu kiểm tra, khắc phục, giải quyết ô nhiễm môi trường ở Hợp Thịnh và xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc gần khu vực dự án Bệnh viện Sản - Nhi.

Sở TN&MT tỉnh Vĩnh Phúc sau đó đã khảo sát, lấy mẫu và phân tích đánh giá tổng thể hiện trạng môi trường không khí xung quanh khu vực dự án.

Tại báo cáo kết quả khảo sát, đánh giá tổng thể hiện trạng môi trường, các chỉ tiêu ô nhiễm không khí xung quanh khu vực dự án Bệnh viện Sản - Nhi (Vĩnh Phúc) vừa được Sở TN&MT tỉnh Vĩnh Phúc hoàn thành cho thấy: Phía Bắc bệnh viện là đường quy hoạch (dự kiến mặt cắt 24 m) và gần đất của các doanh nghiệp. Cách dự án bệnh viện đang xây khoảng 50 m là các cơ sở sản xuất kinh doanh như: Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Nhất Hoàng Gia (hoạt động tái chế phế liệu); Doanh nghiệp tư nhân Hòa Thủy (sản xuất hàng nông sản).

Phía Đông Nam là đường quy hoạch (dự kiến mặt cắt 24 m); cách 30 m là các cơ sở sản xuất, tái chế sắt thép như: Công ty TNHH Thụ Ngọc Hằng, Công ty TNHH Việt Nga; Công ty CP Kinh doanh Thương mại và Tư vấn đầu tư Việt Anh. Phía Tây tiếp giáp với Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tiến Phát (hoạt động lĩnh vực sản xuất, gia công kết cấu thép). Cách khoảng 1 km là các cơ sở sản xuất, tái chế thép gồm: Công ty CP Công nghiệp Việt Nam; Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thép Việt Nga, Công ty CP Thép Trường Biện (thuộc địa phận xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc).

“Trên cơ sở rà soát tổng thể các cơ sở sản xuất kinh doanh đang hoạt động ở khu vực xung quanh, tỉnh đã xác định các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường không khí ảnh hưởng trực tiếp đến Bệnh viện Sản - Nhi chủ yếu từ các cơ sở sản xuất sắt thép, tái chế phế liệu” - Sở TN&MT tỉnh Vĩnh Phúc xác nhận.

Kết quả kiểm tra cho thấy, có 6/7 vị trí có thông số vượt giới hạn cho phép theo QCVN 05:2013/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh và QCVN 26:2010/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn.

Có 4/6 vị trí có hàm lượng bụi PM10 (các hạt bụi lơ lửng có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 10 micromet) vượt giới hạn cho phép từ 1,07 - 1,72 lần, gồm các vị trí KK1, KK5, KK6, KK7; vượt cao nhất tại vị trí KK5 hướng Đông Bắc dự án Bệnh viện Sản - Nhi, khu vực gần Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Nhất Hoàng Gia. Nguyên nhân được khẳng định là do gần các nguồn thải là các cơ sở tái chế phế liệu, các cơ sở sản xuất thép, đường và công trình xây dựng.

Hậu quả nhãn tiền

Kiểm tra về thông số môi trường nền đối với không khí của Sở TN&MT tỉnh Vĩnh Phúc tại khu vực Bệnh viện Sản - Nhi cho thấy có 2/6 vị trí có hàm lượng bụi TSP (bụi lơ lửng) vượt giới hạn cho phép theo QCVN 05:2013/BTNMT từ 1,54 - 2,63 lần, đặc biệt có vị trí mà kết quả quan trắc cả 2 lần đều vượt giới hạn cho phép. “Đặc biệt, thời điểm ban đêm khi các nhà máy sản xuất sắt thép hoạt động” - báo cáo của Sở TN&MT tỉnh Vĩnh Phúc nêu….

Trên cơ sở kết quả kiểm tra, Sở TN&MT tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định: Đánh giá hiện trạng môi trường nền đối với không khí xung quanh ở khu vực dự án Bệnh viện Sản - Nhi cho thấy chất lượng môi trường nền đang bị ô nhiễm, các thông số vượt quy chuẩn cho phép chủ yếu là bụi tổng (TSP), bụi mịn PM10 và tiếng ồn. Nồng độ các thông số ô nhiễm vào ban đêm (khi các nhà máy sản xuất sắt thép hoạt động) cao hơn ban ngày nhiều lần (khi các nhà máy sản xuất sắt thép ngừng hoạt động).

Sở TN&MT tỉnh Vĩnh Phúc cũng đánh giá là hầu hết các cơ sở sản xuất sắt thép tại xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương và xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc có công nghệ sản xuất tiêu thụ điện năng lớn. “Các cơ sở chủ yếu hoạt động vào ban đêm nên khi đồng loạt hoạt động thì yếu tố cộng hưởng các nguồn thải, đặc biệt là bụi rất lớn, ảnh hưởng đến sức khỏe con người” - Sở TN&MT tỉnh Vĩnh Phúc đánh giá.

Báo GD&TĐ số ra ngày 23/7 có đề cập việc xây dựng bệnh viện cần tuân thủ Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 4470:2012 về Bệnh viện đa khoa - Tiêu chuẩn thiết kế (General

hospital - Design standard) - Khu đất xây bệnh viện phải thông thoáng, yên tĩnh, tránh các khu đất có môi trường bị ô nhiễm.

Thông tư 18/2013/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về vị trí, thiết kế, điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật, thiết bị của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cũng nêu rõ: “Vị trí khu đất xây dựng bệnh viện phải có hệ thống giao thông thuận lợi, phải có khoảng cách an toàn về môi trường…”.

Đối chiếu với quy chuẩn, thông tư hướng dẫn như trên thì rõ ràng việc tỉnh Vĩnh Phúc đầu tư xây dựng Bệnh viện Sản - Nhi như đã nêu là tồn tại một loạt bất cập cần được tháo gỡ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Quên rút chìa khóa xe (!?)

GD&TĐ - Công an quận Hoàn Kiếm tạm giữ 10 thanh thiếu niên, tất cả đều trú tại Hà Nội, để điều tra về hành vi vi phạm các quy định về an toàn giao thông.