Giữa tứ bề nhà máy thép
Mong muốn có một cơ sở khám chữa bệnh được đầu tư đồng bộ, hiện đại, đa năng dành cho sản phụ và trẻ em, đầu tháng 3/2018, tỉnh Vĩnh Phúc long trọng tổ chức lễ khởi công Công trình khối nhà kỹ thuật nghiệp vụ và nội trú thuộc dự án Đầu tư xây dựng Bệnh viện Sản - Nhi Vĩnh Phúc.
Tổng mức đầu tư dự án là gần 640 tỉ đồng, mặt bằng xây dựng hơn 8.000 m2 ở địa bàn các xã Hợp Thịnh thuộc huyện Tam Dương và xã Đồng Văn của huyện Yên Lạc. Dự án bao gồm tòa nhà 10 tầng cho khối sản và tòa nhà 13 tầng cho khối nhi; công suất 500 giường bệnh (200 giường cho bệnh nhân sản và 300 giường cho bệnh nhân nhi)…
Đây là dự án trọng điểm của tỉnh Vĩnh Phúc trong việc chăm sóc sức khỏe người dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Bệnh viện Sản - Nhi Vĩnh Phúc khi hoàn thành được kỳ vọng là bệnh viện lớn, hiện đại khu vực Tây Bắc, giảm tải cho các bệnh viện tuyến Trung ương. Công trình dự kiến hoàn thành vào tháng 1/2020.
Trong những ngày giữa tháng 7/2019, Báo GD&TĐ có mặt tại công trường xây dựng dự án này ghi nhận hoạt động xây dựng ở đây đang diễn ra rầm rộ. Các khối nhà của dự án đã được chồng cao hàng chục tầng. Bên ngoài công trường xây dựng có tấm biển lớn ghi rõ các thông tin về dự án bệnh viện, nhà thầu thi công.
Tại hiện trường, công trình dự án Bệnh viện Sản - Nhi Vĩnh Phúc bị “nhét” giữa các nhà máy sản xuất thép. Hai bên hông của bệnh viện là 2 nhà máy sản xuất thép của các doanh nghiệp khác nhau thuộc cụm công nghiệp nặng Hợp Thịnh.
Trong bán kính khoảng 300 m xung quanh dự án Bệnh viện Sản - Nhi Vĩnh Phúc có hàng chục nhà máy sản xuất thép khác đang hoạt động. Đơn cử như: Công ty Thép Việt Nga, Công ty Thép Huyền Linh, Công ty Giấy Anh Đức, Doanh nghiệp tư nhân Thép Thành Đạt, Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Sản xuất Minh Phương... Do sản xuất công nghiệp nặng nên không khí ở khu vực này khá ngột ngạt.
|
Cần làm rõ trách nhiệm?
“Xây xong, để hoạt động được thì còn nhiều vấn đề phải làm” - là câu nói mà một cán bộ tại Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc (xin được giấu tên) thốt lên khi Báo GD&TĐ (ngày 18/7) đặt vấn đề vì sao lại xây bệnh viện dành cho phụ nữ và trẻ em ở trong cụm công nghiệp nặng.
Cũng theo vị cán bộ này, dự án do Ban Quản lý dự án (BQLDA) của tỉnh làm chủ đầu tư, Sở Y tế chỉ là đơn vị thụ hưởng. “Quá trình lấy ý kiến cho dự án, Sở Y tế chúng tôi cũng có tham gia ý kiến về vấn đề chưa phù hợp khi xây bệnh viện ở đó” - cán bộ Sở Y tế Vĩnh Phúc nói.
Trao đổi với Báo GD&TĐ, nhiều người dân tại Vĩnh Phúc cho rằng, khi Bệnh viện Sản - Nhi Vĩnh Phúc hoàn thành, muốn đưa vào sử dụng, khám chữa bệnh được thì tỉnh Vĩnh Phúc phải có phương án di dời các nhà máy ra khỏi cụm công nghiệp hoặc xây bệnh viện rồi để hoang lãng phí tiền của Nhà nước.
“Ở cụm công nghiệp Hợp Thịnh này, người dân chúng tôi đã nhiều lần phản ánh đến các cơ quan chức năng về hoạt động sản xuất công nghiệp nặng của các nhà máy và nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt là sản xuất phôi thép từ chế luyện sắt thép phế liệu của nhiều nhà máy gây mùi hết sức khó chịu. Người khỏe mạnh còn mệt huống chi người bệnh. Chúng tôi không hiểu cơ quan chính sách, cơ quan quy hoạch của tỉnh Vĩnh Phúc nghĩ gì khi họ quyết định xây bệnh viện dành cho sản phụ và trẻ sơ sinh giữa tứ bề nhà máy công nghiệp này. Cách giải thích duy nhất là sự tùy tiện, vô trách nhiệm của tổ chức, cán bộ có nhiệm vụ được giao”, nhiều người dân bức xúc nói.
Theo tìm hiểu, việc tỉnh Vĩnh Phúc quy hoạch, phê duyệt và đầu tư xây dựng Bệnh viện Sản - Nhi Vĩnh Phúc ở khu vực sản xuất công nghiệp, gần các nhà máy sản xuất công nghiệp nặng - sản xuất thép có dấu hiệu vi phạm các quy định về việc xây dựng công trình bệnh viện đã ban hành.
Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 4470:2012 về Bệnh viện đa khoa - Tiêu chuẩn thiết kế (General hospital - Design standard) quy định rất chặt chẽ về vị trí xây dựng bệnh viện, quy mô, thiết kế… Các công trình bệnh viện quy mô 500 giường bệnh trở lên phải tuân thủ tuyệt đối tiêu chuẩn quốc gia TCVN 4470:2012. Tại mục 5.1 của TCVN 4470:2012 chỉ rõ khu đất xây dựng bệnh viện phải phù hợp với quy hoạch được duyệt, giao thông thuận lợi và có tính đến nhu cầu phát triển trong tương lai. Khu đất thông thoáng, yên tĩnh, tránh nơi có môi trường bị ô nhiễm (trong khi dự án Bệnh viện Sản - Nhi Vĩnh Phúc xây dựng ngay trong cụm công nghiệp nặng, xung quanh là các nhà máy sản xuất thép).
Tháng 7/2013, Bộ Y tế có Thông tư 18/2013/TT-BYT quy định về vị trí, thiết kế, điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật, thiết bị của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cũng nêu rõ: “Vị trí khu đất xây dựng bệnh viện phải có hệ thống giao thông thuận lợi, phải có khoảng cách an toàn về môi trường...”.
Với việc xây dựng Bệnh viện Sản - Nhi ngay trong cụm công nghiệp mà hệ quả có thể phải tính đến việc di dời các nhà máy ở đây nếu muốn có môi trường tốt cho hoạt động khám chữa bệnh thì ai, đơn vị nào phải chịu trách nhiệm? Câu trả lời này xin dành cho lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc.