Ưu điểm nổi bật
Cô Trần Thị Thùy Dương - giáo viên Trung tâm GDTX-HN tỉnh Lai Châu (Lai Châu) - cho biết: Trước đây, với phương pháp dạy học định hướng nội dung (phương pháp dạy học truyền thống), hệ thống bài tập có ưu điểm truyền tải tới người học một hệ thống tri thức mang tính khoa học và tính hệ thống.
Tuy nhiên, ngày nay phương pháp dạy học định hướng nội dung không còn phù hợp. Hạn chế của hệ thống bài tập theo định hướng này là tiếp cận một chiều, ít thay đổi trong việc xây dựng bài tập, thường là những bài tập đóng. Thiếu tham chiếu về ứng dụng, chuyển giao nội dung đã học sang vấn đề chưa biết cũng như các tình huống trong thực tiễn cuộc sống.
Ngoài ra, việc kiểm tra đánh giá chủ yếu dựa trên việc kiểm tra khả năng tái hiện tri thức, ghi nhớ và hiểu ngắn hạn. Tính tích lũy của việc học không được lưu ý đến một cách đầy đủ.
Sử dụng bài tập theo phương pháp dạy học định hướng nội dung sẽ kéo theo xu hướng kiểm tra đánh giá chủ yếu dựa trên khả năng tái hiện tri thức mà không định hướng vào khả năng vận dụng tri thức trong tình huống thực tiễn, gây áp lực cho HS trong học tập và thi cử, chất lượng giáo dục không cao. Nội dung chương trình dạy học nhanh bị lạc hậu so với tri thức hiện đại. Đồng thời, hạn chế khả năng sáng tạo và năng động của HS.
Trong khi đó, hệ thống bài tập xây dựng theo phương pháp dạy học tiếp cận năng lực có ưu điểm: Xu hướng kiểm tra đánh giá dựa trên mục tiêu phát triển toàn diện các phẩm chất nhân cách, chú trọng năng lực vận dụng tri thức trong những tình huống thực tiễn; giảm áp lực cho HS trong học tập và thi cử. Trọng tâm kiến thức và kĩ năng là sự phối hợp trên cơ sở một vấn đề mới đối với người học; bài tập thường là bài tập mở. Nội dung bài tập năng lực mang tính tình huống, tính bối cảnh, tính thực tiễn.
Các bước xây dựng bài tập Hóa học theo định hướng phát triển năng lực
Cô Trần Thị Thùy Dương chia sẻ các bước xây dựng bài tập Hóa học theo định hướng phát triển năng lực cho HS theo 6 bước như sau:
Bước 1: Tìm hiểu về đặc điểm của bài tập định hướng năng lực. Cô Thùy Dương cho biết, đối với GV, bài tập là yếu tố điều khiển quá trình giáo dục. Đối với HS, bài tập là một nhiệm vụ cần thực hiện, là một phần nội dung học tập. Các bài tập có nhiều hình thức khác nhau, có thể là bài tập miệng, bài tập viết, bài tập ngắn hạn hay dài hạn, bài tập theo nhóm hay cá nhân, bài tập trắc nghiệm đóng hay tự luận mở. Bài tập có thể đưa ra dưới hình thức một nhiệm vụ, một đề nghị, một yêu cầu hay một câu hỏi.
Các thành tố quan trọng trong đánh giá việc đổi mới xây dựng bài tập là: Sự đa dạng của bài tập, chất lượng bài tập, sự lồng ghép bài tập vào giờ học và sự liên kết với nhau của các bài tập.
Bài tập định hướng năng lực có những đặc điểm sau: Yêu cầu bài tập có mức độ khó khác nhau, thường là bài tập mở, mô tả tri thức và kĩ năng yêu cầu, định hướng theo kết quả; hỗ trợ học tích lũy và hỗ trợ cá nhân hóa việc học tập; xây dựng bài tập trên cơ sở chuẩn và bao gồm cả những bài tập cho hợp tác và giao tiếp; tích cực hóa hoạt động nhận thức; có những con đường và giải pháp khác nhau; phân hóa nội tại (Con đường tiếp cận khác nhau, gắn với các tình huống và bối cảnh).
Bước 2: Xác định mục tiêu giáo dục, lựa chọn đơn vị kiến thức (chủ đề) để xây dựng bài tập theo định hướng năng lực. Mục tiêu giáo dục là định hướng phát triển năng lực toàn diện bao gồm: Kiến thức, kĩ năng, thái độ, tình cảm, quan điểm cá nhân…
Đơn vị kiến thức (chủ đề) được lựa chọn để xây dựng bài tập cần có ý nghĩa không chỉ đơn thuần về mặt Hóa học mà còn gắn liền với thực tiễn, với đời sống của cá nhân và cộng đồng, phát huy được năng lực khoa học, năng lực giải quyết vấn đề, năng lực vận dụng kiến thức Hóa học vào thực tiễn… của HS nhưng không quá khó, quá trừu tượng, làm mất đi bản chất hóa học.
Bước 3: Lập bảng mô tả các mức độ đánh giá theo định hướng năng lực. Trong bảng mô tả này, các mức độ đánh giá được sắp xếp theo nội dung kiến thức với các mức: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao.
Bước 4: Thiết kế hệ thống bài tập theo mục tiêu. Dựa trên mục tiêu và nội dung đơn vị kiến thức đã lựa chọn, giáo viên xây dựng các bài tập tương tự các bài tập đã có hoặc xây dựng bài tập hoàn toàn mới. Trong quá trình đó dù là xây dựng bài tập theo cách nào cũng phải đảm bảo đúng theo mục tiêu, nội dung đã lựa chọn và bám sát đặc điểm của bài tập định hướng năng lực.
Bước 5: Sử dụng hệ thống bài tập đã thiết kế - kiểm tra thử. Thử nghiệm áp dụng bài tập Hóa học đã thiết kế trên đối tượng HS để kiểm tra hệ thống bài tập về tính chính xác, khoa học, thực tế của kiến thức Hóa học, Toán học cũng như độ khó, độ phân biệt... cũng như tính khả thi, khả năng áp dụng của bài tập.
GV có thể áp dụng hệ thống bài tập đã thiết kế đối với nhiều dạng bài khác nhau tùy thuộc vào mục đích của GV, đối tượng học viên... Tuy nhiên, quá trình này cần thiết phải được thử nghiệm trước khi áp dụng.
Bước 6: Chỉnh sửa và hoàn thiện hệ thống bài tập, sau khi thử nghiệm, GV cần thay đổi, chỉnh sửa nội dung, số liệu, tình huống... trong bài tập sao cho hệ thống bài tập có tính chính xác, khoa học về mặt kiến thức, kĩ năng, có giá trị về mặt thực tế và phù hợp với đối tượng HS, với mục tiêu kiểm tra - đánh giá, mục tiêu giáo dục của môn Hóa học ở trường THPT. Sau khi đã chỉnh sửa, GV sắp xếp, hoàn thiện hệ thống bài tập một cách khoa học.
“Các bài tập trong Chương trình đánh giá HS quốc tế PISA là ví dụ điển hình cho xu hướng xây dựng các bài tập, các bài kiểm tra, đánh giá theo năng lực”.
Cô Trần Thị Thùy Dương