Trong những năm qua, xã hội hóa giáo dục đã đạt một số kết quả nhất định, thu hút được một nguồn lực đáng kể của xã hội đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân và đào tạo nguồn nhân lực; nâng cao chất lượng giáo dục; góp phần tạo nên sự đa dạng về các loại hình trường, lớp và các hình thức học tập; tạo môi trường học tập tốt, góp phần thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Tuy nhiên, vẫn còn khó khăn, vướng mắc do các chính sách ưu đãi chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư tham gia xã hội hóa giáo dục, đào tạo; khả năng chi trả cho các dịch vụ chất lượng cao của người dân còn hạn chế; về quỹ đất ở những thành phố lớn.
Bộ GD&ĐT cho biết, để tăng cường nguồn lực xã hội hóa trong giáo dục, Bộ GD&ĐT đã và đang triển khai nhiều giải pháp. Trong đó có việc trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 4/06/2019 về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục, đào tạo giai đoạn 2019 - 2025 để huy động các nguồn lực của xã hội, tạo bước chuyển biến rõ rệt, thực chất trong thu hút, sử dụng và quản lý các nguồn lực của các cá nhân, tổ chức ở trong và ngoài nước đầu tư cho phát triển giáo dục, đào tạo.
Mục tiêu cụ thể là thúc đẩy sự phát triển của các cơ sở giáo dục ngoài công lập đạt tỷ lệ 8,75% số cơ sở và 8,9% người học vào năm 2020 và lần lượt là 13,5% và 16% vào năm 2025.
Bộ GD&ĐT cũng phối hợp với Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định số 69/2008/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục để đề xuất sửa đổi, bổ sung các chính sách khuyến khích xã hội hóa tạo điều kiện hơn nữa thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực giáo dục.
Đồng thời, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư để thu hút nguồn lực đầu tư phát triển cho dự án thuộc lĩnh vực giáo dục, đào tạo mà ngân sách nhà nước chưa cân đối được.
Hiện nay, các địa phương, các cơ sở giáo dục vẫn tiếp tục kêu gọi các tổ chức, cá nhân tài trợ cho giáo dục để huy động tối đa nguồn lực của xã hội đầu tư vào giáo dục; phát huy tiềm năng trí tuệ và vật chất trong nhân dân, huy động toàn xã hội chăm lo sự nghiệp giáo dục; tạo điều kiện để toàn xã hội được thụ hưởng thành quả giáo dục ở mức độ ngày càng cao.