Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn quan tâm thúc đẩy hoạt động xã hội hóa nói chung và XHHGD nói riêng. Hành lang pháp lý về XHHGD cũng từng bước được hoàn thiện, nhằm tạo thuận lợi, ưu đãi, khuyến khích đầu tư phát triển giáo dục.
Thực tế triển khai chính sách XHH đã mang lại những kết quả đáng khích lệ. Theo đó, thu hút được một nguồn lực đáng kể của xã hội đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá góp phần nâng cao chất lượng và phát triển GD-ĐT.
Với những chủ trương đúng đắn về huy động nguồn lực, tạo điều kiện cho tư nhân đầu tư vào giáo dục đã góp phần đưa giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học ngoài công lập trong những năm qua đạt được những kết quả nhất định.
Tỷ lệ huy động trẻ, học sinh trong độ tuổi ra lớp được nâng lên, phổ cập giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển loại hình trường, lớp, chương trình chất lượng cao đáp ứng nhu cầu học tập của người dân, giảm gánh nặng cho ngân sách…
Tuy nhiên, ở nhiều nơi, nhận thức về XHHGD chưa đầy đủ và đúng ý nghĩa của các chính sách, chưa thực sự thống nhất, đồng thuận trong các cấp quản lý và các tầng lớp nhân dân. Vẫn còn tư duy bao cấp và tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào ngân sách Nhà nước nên rụt rè, lưỡng lự trong hành động kêu gọi đầu tư; chưa quyết liệt triển khai công tác xúc tiến đầu tư, hoặc thiếu sự chuẩn bị một cách kỹ lưỡng danh mục kêu gọi đầu tư.
Các bộ, ngành, cơ sở giáo dục chưa có ý thức về việc vận động, huy động nguồn lực để phát triển giáo dục. Cách làm và thực hiện chính sách chưa làm cho nhà đầu tư tin tưởng vào việc sử dụng hiệu quả nguồn lực huy động từ công tác XHH.
Người dân chưa hiểu rõ quy trình, trình tự thủ tục huy động XHH, các cơ quan quản lý Nhà nước chưa triển khai, hướng dẫn và giám sát việc thực thi các chính sách. Còn thiếu các chính sách ưu đãi chuyên biệt dành cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực GD-ĐT...
Để các chính sách đi vào cuộc sống trong điều kiện khả năng đáp ứng của ngân sách Nhà nước cho giáo dục còn nhiều khó khăn, quá trình đổi mới đất nước đã và đang đặt ra nhiều thách thức cho việc đổi mới GD-ĐT, điều đó đòi hỏi cần phải có kinh phí bổ sung để đổi mới chương trình, phương pháp giảng dạy, trang bị thêm phương tiện, thiết bị, công nghệ dạy học mới.
Vì vậy, để thúc đẩy hoạt động XHHGD, huy động tối đa nguồn lực của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, đầu tư phát triển GD-ĐT, chúng ta cần thực hiện có hiệu quả hệ thống những chủ trương, đường lối đã được Đảng và Nhà nước triển khai trong thời gian qua.
Đồng thời, điều chỉnh những chính sách phù hợp, hoàn thiện các văn bản, chính sách, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, thuận lợi để khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo.
Trách nhiệm của các cơ quan quản lý từ Trung ương đến địa phương cần phổ biến và tuyên truyền giải thích rộng rãi, vận động cho nhân dân, toàn xã hội hiểu đúng về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về XHHGD.