Xã hội cần chung tay chăm sóc, can thiệp và giáo dục trẻ khuyết tật

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Trong bối cảnh hiện nay, các lực lượng của xã hội cần chung tay để chăm sóc, can thiệp và giáo dục trẻ có nhu cầu đặc biệt, trẻ khuyết tật.

Ông Đặng Văn Thanh - Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam phát biểu tại hội thảo.
Ông Đặng Văn Thanh - Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Diễn ra trong các ngày 16 và 17/12 tại Trường ĐH Vinh (tỉnh Nghệ An), Hội thảo Phát triển mạng lưới liên kết các cơ sở chăm sóc, can thiệp và giáo dục trẻ có nhu cầu đặc biệt được Mạng lưới liên kết giáo dục đặc biệt Việt Nam, trực thuộc Liên hiệp hội về Người khuyết tật Việt Nam tổ chức.

Trong những năm qua, các cơ sở chăm sóc, giáo dục cho nhóm trẻ có nhu cầu đặc biệt được dần mở rộng để đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng. Hội thảo lần này là diễn đàn trao đổi, chia sẻ những mô hình về tổ chức và hoạt động của các cơ sở chăm sóc, can thiệp, trị liệu và giáo dục cho trẻ có nhu cầu đặc biệt.

TS Nguyễn Ngọc Hiền - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Vinh cùng đông đảo khách mời tham dự hội thảo.

TS Nguyễn Ngọc Hiền - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Vinh cùng đông đảo khách mời tham dự hội thảo.

Trên cơ sở đó, bàn luận về việc xây dựng, phát triển mô hình của các cơ sở chăm sóc và can thiệp cho trẻ có nhu cầu đặc biệt tại Việt Nam, hướng đến mục tiêu nhằm tạo ra một diễn đàn cùng trao đổi, cập nhật thông tin, chia sẻ những mô hình và các phương pháp đánh giá, can thiệp liên ngành có bằng chứng, đảm bảo đạo đức nghề dành cho người có rối loạn phát triển.

TS Nguyễn Ngọc Hiền - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Vinh cho biết, dù chưa đào tạo chuyên ngành giáo dục học sinh khuyết tật nhưng hiện nhiều khoa (Giáo dục Mầm non, Giáo dục Tiểu học, Công tác xã hội) có các học phần đào tạo liên quan đến hỗ trợ và giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật. Nhà trường luôn sẵn sàng hợp tác với các cơ quan, tổ chức trong công tác đào tạo, hỗ trợ người khuyết tật.

Ông Đặng Văn Thanh - Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam cho hay, ngày 24/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 427/QĐ-TTg về Quy hoạch hệ thống các cơ sở giáo dục chuyên biệt và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thực hiện Quyết định này, tất cả các tỉnh/thành phố trên cả nước đều phải có quy hoạch hệ thống các cơ sở can thiệp, chăm sóc và giáo dục cho người khuyết tật. Do đó, việc phát triển Mạng lưới liên kết các cơ sở này là một điều tất yếu.

TS Nguyễn Văn Hưng - Trưởng phòng giáo dục người rối loạn phát triển, Trung tâm Giáo dục đặc biệt quốc gia báo cáo thực trạng mạng lưới các cơ sở chăm sóc, can thiệp và giáo dục cho trẻ có nhu cầu đặc biệt tại Việt Nam.
TS Nguyễn Văn Hưng - Trưởng phòng giáo dục người rối loạn phát triển, Trung tâm Giáo dục đặc biệt quốc gia báo cáo thực trạng mạng lưới các cơ sở chăm sóc, can thiệp và giáo dục cho trẻ có nhu cầu đặc biệt tại Việt Nam.

Hội thảo đã được nghe 13 báo cáo và thảo luận, tập trung về cơ sở lý luận và thực tiễn về tổ chức và hoạt động của các cơ sở chăm sóc, can thiệp và giáo dục cho trẻ có nhu cầu đặc biệt; nguồn nhân lực, tiêu chuẩn và quy tắc vận hành của các mô hình can thiệp sớm, giáo dục cho trẻ có nhu cầu đặc biệt tại Việt Nam. Hội thảo cũng nghe báo cáo chuyên đề về Cơ sở lý luận và thực tiễn về tổ chức, hoạt động của các cơ sở chăm sóc, can thiệp, trị liệu và giáo dục cho trẻ có nhu cầu đặc biệt; Vận dụng các phương pháp có bằng chứng khoa học trong chăm sóc, can thiệp và giáo dục cho trẻ có nhu cầu đặc biệt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gần một nửa học sinh Trường Tiểu học 2 xã Viên An đến trường bằng đò.

Lên đò theo đuổi sự học

GD&TĐ - Trường Tiểu học 2 xã Viên An, huyện Ngọc Hiển nằm cách TP Cà Mau hơn 100 km là một trong những ngôi trường khó khăn nhất tỉnh Cà Mau.