Lấy yêu thương bù đắp trẻ khuyết tật

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Đến với ngành giáo dục đặc biệt như 'duyên phận', các thầy cô lấy tình yêu thương, sự đồng cảm để chăm lo và giáo dục trẻ khuyết tật.

Cô Khánh chia sẻ niềm vui cùng trò. Ảnh: TG
Cô Khánh chia sẻ niềm vui cùng trò. Ảnh: TG

Đến với ngành giáo dục đặc biệt như “duyên phận”, nhiều thầy cô lấy tình yêu thương, sự đồng cảm để chăm lo và giáo dục trẻ khuyết tật/có nhu cầu đặc biệt. Dù con đường ấy muôn phần vất vả nhưng họ sẵn sàng hy sinh để đổi lấy niềm vui cho học trò.

Thắp sáng “thế giới” lặng im

Tiết học tiếng Việt bắt đầu, thầy giáo khiếm thính Đỗ Thanh Sơn bước lên bục giảng, hướng về học sinh và dùng ngôn ngữ ký hiệu. Phía đối diện, các em đưa tay lên đáp lời. Thầy Sơn năm nay 48 tuổi, giảng dạy tại Trường PTCS Dân lập dạy trẻ câm điếc Hà Nội.

Thầy Sơn kể, 9 tháng tuổi mắc bệnh viêm não, được gia đình đưa đến bệnh viện thăm khám nhưng sau khi tiêm kháng sinh, đôi tai của bé Sơn yếu dần rồi không thể nghe được. Đến tuổi đi học, Sơn gặp không ít khó khăn khi là học sinh khiếm thính duy nhất.

Ngồi trong lớp, nhìn về bục giảng nơi thầy cô dạy học, cậu bé cảm thấy lạc lõng. Nhờ sự động viên của gia đình, giúp đỡ của bạn bè, Sơn dần hòa nhập, tự học và hoàn thành lớp 12. Sau khi tốt nghiệp THPT, anh học ngành Nghiên cứu Văn hóa Điếc, Trường Cao đẳng Đồng Nai (nay là Trung Tâm Nghiên cứu và Thúc đẩy Văn hóa Điếc, Trường Đại học Đồng Nai).

“Giáo dục trẻ câm điếc còn nhiều thách thức nhưng bằng tình yêu nghề, yêu trò, thấu hiểu những khó khăn các em gặp phải, tôi tin rằng mỗi giáo viên giáo dục đặc biệt sẽ vững tâm vượt qua và mang lại bài học ý nghĩa cho trò”.

Thầy Đỗ Thanh Sơn,

giáo viên Trường PTCS Dân lập

dạy trẻ câm điếc Hà Nội

Trong môi trường giáo dục đặc biệt, Sơn biết được, ngôn ngữ ký hiệu mà mình sử dụng là “ngôn ngữ mẹ đẻ” của người câm điếc. Vì thế, anh khao khát trở thành giáo viên để đem ngôn ngữ này đến với nhiều người đồng cảnh ngộ, giúp họ có thể giao tiếp.

Nhận bằng tốt nghiệp, anh theo dạy ngôn ngữ ký hiệu tại Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Chúc Sơn – Hà Nội, Trung tâm Đào tạo ngôn ngữ ký hiệu Hà Nội. Ngoài ra, anh còn dạy cho sinh viên khoa Giáo dục đặc biệt (các trường có khoa Giáo dục đặc biệt), cán bộ, giáo viên, phụ huynh có con khiếm thính.

Sau một thời gian, thầy Sơn biết đến dự án IDEO giáo dục trẻ trước tuổi đến trường (dạy ngôn ngữ ký hiệu cho trẻ mầm non và lớp 1) nên đăng ký tham gia và được phân công dạy tại Trường PTCS Dân lập dạy trẻ em câm điếc Hà Nội. Kết thúc dự án, lưu luyến ngôi trường đã gắn bó 3 năm, thầy quyết định ở lại làm giáo viên chính thức. Đến nay, thầy Sơn gắn bó với trường được 6 năm.

Theo cô Mạc Chung Thủy - quyền Hiệu trưởng Trường PTCS Dân lập dạy trẻ câm điếc Hà Nội, thầy Sơn nhiệt tình, trách nhiệm nên được học sinh và phụ huynh yêu mến. Thời gian đầu, thầy Sơn dạy ngôn ngữ ký hiệu nhưng dần dần có sự động viên, hỗ trợ của đồng nghiệp đã đảm nhận dạy môn Toán và Tiếng Việt. Hiện, ngoài dạy ngôn ngữ ký hiệu cho học sinh toàn trường, thầy dạy Tiếng Việt lớp 3 và Toán lớp 5, làm giáo viên chủ nhiệm lớp 3.

Chứng kiến hành trình phát triển của đồng nghiệp, cô Thủy cho hay, thầy Sơn luôn nỗ lực nghiên cứu, tìm tòi, trau dồi kiến thức và phương pháp truyền đạt. Thầy cũng tích cực ứng dụng công nghệ thông tin như PowerPoint, hình ảnh... vào giảng dạy để tăng khả năng truyền đạt, tạo hứng thú cho học trò.

Thầy Đỗ Thanh Sơn (giữa) đón Trung thu cùng học sinh Trường PTCS Dân lập dạy trẻ câm điếc Hà Nội. Ảnh: TG

Thầy Đỗ Thanh Sơn (giữa) đón Trung thu cùng học sinh Trường PTCS Dân lập dạy trẻ câm điếc Hà Nội. Ảnh: TG

Yêu nghề nên thấu hiểu trò

Gắn bó với công việc, thầy Sơn càng trăn trở làm sao giúp học sinh câm điếc thành thạo song ngữ tiếng Việt và ký hiệu. Bởi lẽ, hai ngôn ngữ này có nhiều điểm khác biệt về ngữ pháp, từ, câu... nên các em khó có thể thành thạo cùng lúc. Tuy nhiên, việc sử dụng song ngữ có lợi cho người câm điếc vì chúng bổ trợ và giúp giao tiếp hiệu quả hơn.

“Ngôn ngữ ký hiệu đang trong quá trình phát triển, thường xuyên bổ sung từ mới. Vì thế, tôi phải chủ động học hỏi để cập nhật kiến thức cho trò. Khi có ký hiệu mới, tôi sẽ giải thích ý nghĩa, sau đó lấy ví dụ minh họa, lồng ghép từ trong nhiều tình huống giao tiếp. Điều này giúp học sinh hiểu và có thể sử dụng linh hoạt vào những hội thoại”, thầy Sơn chia sẻ về phương pháp dạy ngôn ngữ ký hiệu.

Học sinh câm điếc nhỏ tuổi thường dễ mất tập trung, hay trêu đùa trong giờ học nhưng lớp của thầy Sơn lại duy trì trật tự rất tốt. Để giảng dạy đạt hiệu quả cao, thầy Sơn chia sẻ: Khi bước vào lớp, thầy luôn giữ trạng thái làm việc nghiêm túc, kỷ luật nhưng không hà khắc.

Học sinh mắc lỗi sẽ giải thích nhiều lần đến khi các em nhận ra hành vi chưa đúng. Ngoài ra, thầy còn thường xuyên trao đổi, giữ liên lạc với phụ huynh để cập nhật tình hình học tập, sinh hoạt của học sinh. Qua tin nhắn, hai bên hiểu và phối hợp giáo dục hiệu quả hơn.

Nhiều năm gắn bó với giáo dục đặc biệt, thầy Sơn cho rằng điều quan trọng nhất với giáo viên dạy trẻ câm điếc là tình yêu thương và sự thấu hiểu, đồng cảm với hoàn cảnh học trò.

Mặt khác, giáo viên phải kiên trì, nhẫn nại. Nếu dạy một lần chưa hiệu quả, phải dạy nhiều lần, thậm chí dài ngày đến khi các em hiểu hết mới thôi. Thầy cô đặc biệt chú ý duy trì bầu không khí tích cực thông qua khuyến khích, động viên trẻ học tập.

Thầy Sơn chỉ ra: “Nhiều học sinh câm điếc đã lớn tuổi mới nhập học, nền tảng học tập yếu nên tính kỷ luật không cao, khả năng tiếp thu kiến thức hạn chế. Vì vậy, tôi luôn động viên, khuyến khích các em cố gắng vươn lên. Nếu gặp bài khó, tôi gợi ý nên hỏi bạn bè, bố mẹ thay vì bỏ cuộc”.

Nói về đồng nghiệp, cô giáo Linh Thị Sơn - Trường PTCS Dân lập dạy trẻ câm điếc Hà Nội, cho hay: “Thầy Sơn luôn tận tâm, thể hiện qua việc xây dựng bài giảng chỉn chu, cẩn thận. Ngoài dạy học, thầy tích cực tham gia các hoạt động phong trào của nhà trường”.

Theo cô Sơn, khi thầy Sơn bước vào lớp, học sinh luôn chăm chú lắng nghe và phối hợp nhiệt tình. Lớp học có thể ổn định là do thầy trò cùng sử dụng ngôn ngữ ký hiệu, hoàn cảnh giống nhau nên học sinh thấy gần gũi với thầy, tiếp thu bài học nhanh hơn. Thầy cũng thường xuyên trao đổi về tình hình của trò với phụ huynh nên nhận được sự tin tưởng, đồng hành khá lớn.

Thầy Sơn (ngoài cùng bên phải) trò chuyện với học trò bằng ngôn ngữ ký hiệu. Ảnh: TG

Thầy Sơn (ngoài cùng bên phải) trò chuyện với học trò bằng ngôn ngữ ký hiệu. Ảnh: TG

Hạnh phúc khi trò tiến bộ

Giống như thầy Sơn, trên khắp mọi miền đất nước, nhiều thầy cô đang dùng tình yêu thương, sự kiên nhẫn để chăm sóc, giáo dục trẻ “đặc biệt”. Xuất thân từ gia đình có cha mẹ làm giáo viên, từ nhỏ, cô Lê Hoàng Ngọc Khánh đã yêu nghề giáo và chọn dạy trẻ khuyết tật như duyên nghiệp.

Thời điểm cô Khánh tốt nghiệp THPT, Trường Dạy trẻ khuyết tật Cần Thơ thiếu giáo viên. Để bồi dưỡng nguồn nhân lực, trường tổ chức cho những người đăng ký dạy tham gia chương trình đào tạo 3 năm sư phạm và giáo dục đặc biệt tại Lái Thiêu, Bình Dương. Sau khóa đào tạo, cô Khánh được trao bằng cao đẳng sư phạm tiểu học và giảng dạy tại Trường Dạy trẻ khuyết tật Cần Thơ.

21 năm cống hiến cho giáo dục trẻ đặc biệt, cô Khánh có không ít kỷ niệm đáng nhớ. Một trong số đó là cô can thiệp thành công và giáo dục cho một học trò khiếm thính từ khi 3 tuổi. Hiện em dạy Tin học tại một trường THPT.

“Gia đình chồng từng khuyên tôi nên thay đổi nghề nghiệp nhưng vì đam mê tôi quyết tâm theo đuổi. Sau thời gian dài công tác, gia đình có cái nhìn khác và tôn trọng quyết định của tôi. Được người thân hiểu và ủng hộ, tôi càng có thêm động lực để gắn bó nghề, Nếu được lựa chọn lại, tôi vẫn theo con đường mình đang đi”, cô Khánh chia sẻ.

Giờ đây, cùng với giảng dạy trẻ câm điếc, cô Khánh còn dạy can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật trí tuệ, Down… miễn phí ngoài giờ lên lớp. Theo kinh nghiệm, khi bắt đầu tiếp xúc với trẻ tự kỷ, cô thường đưa ra bài kiểm tra để đánh giá sự phát triển qua các khía cạnh như ngôn ngữ, nhận thức, giao tiếp, vận động tinh, thô… Qua kết quả thu được, cô xác định mức độ phát triển của trẻ ở độ tuổi nào, từ đó xây dựng kế hoạch giáo dục dựa trên đặc điểm để tối ưu hóa sự tiến bộ.

“Mỗi trẻ là một cá thể độc lập nên giáo viên phải thiết lập kế hoạch giáo dục cá nhân hóa theo nhu cầu, đặc điểm từng em. Ví dụ, ở trẻ 4 tuổi, giáo viên thông qua can thiệp kịp thời và phối hợp chặt chẽ cùng phụ huynh giúp con phát triển thế mạnh riêng. Sau khoảng 1 - 2 năm, trẻ có thể theo lớp học bình thường. Tuổi trí tuệ của bé có thể tương đương với một đứa trẻ 6 tuổi vào lớp 1”, cô Khánh phân tích.

Vượt thách thức vì đam mê

“Lúc mới đi làm, tôi không hình dung dạy trẻ khuyết tật thế nào. Sau 21 năm gắn bó với nghề, không chỉ yêu thích công việc mà bản thân còn đồng cảm với khó khăn, hạn chế của trẻ; chia sẻ, cảm thông với phụ huynh. Mong muốn lớn nhất của tôi là đem kiến thức, kinh nghiệm để giúp trẻ khuyết tật, sát cánh cùng gia đình các em trên hành trình học tập, phát triển”.

Cô Lê Hoàng Ngọc Khánh - giáo viên Trường Dạy trẻ khuyết tật Cần Thơ

Nói thêm về giáo dục đặc biệt, cô Khánh cho rằng, công việc có không ít áp lực. Nhiều khi cô chạnh lòng, thấy nghề quá vất vả, nhất là quản lý khối lớp 1, 2. Đây là thời điểm trẻ bắt đầu đi học, thiếu kỹ năng cá nhân như tự đi vệ sinh, phục vụ... nên đòi hỏi sự chăm sóc đặc biệt của nhà giáo.

Giáo viên không chỉ giảng dạy còn kiêm nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ trong trạng thái đặc biệt. Thế nhưng, khi thấy học sinh tiến bộ từng ngày với những điều nhỏ nhặt nhất giúp tan biến vất vả, giáo viên có thêm động lực làm việc.

Cô Khánh nhìn nhận, thực tế giáo dục trẻ đặc biệt phải đối mặt với nhiều rào cản. Đầu tiên là cộng đồng. Nhiều trường không tiếp nhận hoặc chưa đủ điều kiện chuyên môn để giảng dạy trẻ khuyết tật.

Cùng đó, phụ huynh chưa đủ kỹ năng, kiên nhẫn để hỗ trợ trẻ. Nhiều phụ huynh có xu hướng trông cậy vào giáo viên, nhà trường, trong khi thực tế, giáo viên chỉ là người hỗ trợ, cha mẹ là người thực hiện những công việc quan trọng này.

“Đôi lúc thấy cha mẹ thiếu chăm lo trẻ, tôi “dọa” nếu gia đình không hợp tác, cô sẽ không nhận dạy. Thế nhưng, thâm tâm tôi không thể làm vậy, bởi nếu bị bỏ rơi các em sẽ đi về đâu? Tôi chỉ mong gia đình và bản thân nỗ lực hết sức để giáo dục trẻ đặc biệt tốt hơn.

Nhiều cha mẹ chưa hợp tác chặt chẽ trong giáo dục đặc biệt nên sự tiến bộ của trẻ chậm hơn kế hoạch đề ra. Nhưng điều đó không làm tôi ngại, từ chuyên môn, kinh nghiệm, tôi luôn hỗ trợ theo cách tốt nhất, tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy sự phát triển cho các em”, cô Khánh bộc bạch.

Cũng như biết bao đồng nghiệp giáo dục đặc biệt khác, cô Khánh nhận thấy, giáo viên dạy trẻ khuyết tật, trước hết phải yêu nghề, mến trẻ. Công việc này cũng đòi hỏi sự quyết tâm, lòng kiên nhẫn, tình thương đặc biệt đối với những hạn chế, từ đó thầy cô có thêm quyết tâm đồng hành và giúp trẻ phát triển mỗi ngày.

“Kiến thức chuyên môn là yếu tố đóng vai trò quan trọng. Song giữa lý thuyết và thực tế dạy trẻ khuyết tật khác nhau, đòi hỏi người thầy tự học hỏi và rút ra kinh nghiệm riêng trong công việc…”, cô Khánh tâm niệm.

Cũng theo cô Khánh, công việc của mình và đồng nghiệp ngày càng nhiều áp lực, khó khăn mới xuất hiện khi xã hội có xu hướng gia tăng các dạng tật và hạn chế của trẻ.

Điều này càng đặt ra thách thức lớn cho giáo viên, đòi hỏi mỗi người phải không ngừng nâng cao kiến thức chuyên môn, đầu tư công sức và thời gian vào quá trình giảng dạy. Đặc biệt, giáo viên cần liên tục cập nhật và nâng cao kỹ năng để đáp ứng sự đa dạng, phức tạp của học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Một số trẻ gặp khó khăn trong việc định hướng các mối quan hệ ở trường.

Học sinh Anh nghỉ học tăng nhanh

GD&TĐ - Tiền phạt, nhu cầu sức khỏe và môi trường học tập kém là những nguyên nhân khiến số trẻ em tại Anh nghỉ học ngày càng tăng.
Trường Tiểu học Ngô Quyền lúc tan học. Ảnh: Trúc Hân

Mô hình hiệu quả về an toàn giao thông

GD&TĐ - Mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” được các trường trên địa bàn tỉnh Kon Tum triển khai những năm qua đã nâng cao ý thức cho cả HS và phụ huynh.