Rối loạn tâm thần ở trẻ vị thành niên: Thủ phạm hàng đầu gây khuyết tật

GD&TĐ - Các nỗ lực cải thiện sức khỏe tâm thần vị thành niên ở Việt Nam gặp khó khăn do thiếu bằng chứng về tỷ lệ mắc.

1/5 vị thành niên (21,7%) báo cáo có vấn đề về sức khỏe tâm thần trong 12 tháng trước thời điểm điều tra. Ảnh minh họa
1/5 vị thành niên (21,7%) báo cáo có vấn đề về sức khỏe tâm thần trong 12 tháng trước thời điểm điều tra. Ảnh minh họa

1/5 vị thành niên mắc vấn đề sức khỏe tâm thần

Ngày 28/11, để tăng cường sức khỏe tâm thần, UNICEF Việt Nam đã tổ chức lễ kỷ niệm Ngày trẻ em thế giới 2023. “Sức khỏe tâm thần là điều bình thường và cũng quan trọng như sức khỏe thể chất của chúng ta. Điều quan trọng là vấn đề này cần được Chính phủ giải quyết ở tất cả các cấp - ở nhà, trường, tại cộng đồng để đảm bảo rằng, Chiến lược sức khỏe tâm thần quốc gia mà Chính phủ Việt Nam đang xây dựng đặt trọng tâm cụ thể vào trẻ em và thanh thiếu niên”, bà Rana Flowers - Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam, cho biết.

Chia sẻ về thực trạng sức khỏe tâm thần vị thành niên, TS Nguyễn Đức Vinh - Viện trưởng Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, rối loạn tâm thần là nguyên nhân hàng đầu gây ra khuyết tật ở vị thành niên trên toàn cầu.

Đồng thời, có thể gây ra những hậu quả xã hội và sức khỏe ngắn cũng như dài hạn. Vị thành niên chiếm khoảng 14,5% dân số Việt Nam, với gần 14 triệu người từ 10 - 19 tuổi. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có chính sách riêng về sức khỏe tâm thần mà chỉ được đề cập như một trong các vấn đề sức khỏe trong một số luật, chính sách chung.

“Các nỗ lực cải thiện sức khỏe tâm thần vị thành niên ở Việt Nam gặp khó khăn do thiếu bằng chứng về tỷ lệ mắc các chứng rối loạn tâm thần vị thành niên. Các nghiên cứu hiện có về sức khỏe tâm thần vị thành niên ở Việt Nam bị giới hạn bởi phạm vi địa lý, cỡ mẫu nhỏ, độ tuổi hạn chế và thường sử dụng biện pháp triệu chứng thay vì công cụ chẩn đoán”, TS Vinh nêu.

Trong nghiên cứu, việc thu thập dữ liệu được tiến hành từ tháng 9 - 12/2021. Có 5.996 vị thành niên và cha mẹ được hoàn thành phỏng vấn. Kết quả cho thấy, 1/5 vị thành niên (21,7%) báo cáo có vấn đề về sức khỏe tâm thần trong 12 tháng trước thời điểm điều tra.

Con số này tương ứng với gần 2,5 triệu vị thành niên 10 - 17 tuổi. Ngoài ra, không có sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ hiện mắc giữa nam và nữ, hoặc giữa nhóm vị thành niên trẻ hơn (10 - 13 tuổi) và lớn hơn (14 - 17 tuổi).

Chú trọng phát triển dịch vụ tư vấn tâm lý

Qua nghiên cứu, TS Nguyễn Đức Vinh nhận xét, vấn đề sức khỏe tâm thần khá phổ biến trong vị thành niên Việt Nam. Trong đó, lo âu là vấn đề sức khỏe tâm thần phổ biến nhất. Ngoài ra, tỷ lệ vị thành niên rối loạn tâm thần không quá cao, nhưng cũng đáng kể.

Trong khi đó, nhận thức của cha mẹ cũng như vị thành niên về sức khỏe tâm thần còn hạn chế. Tỷ lệ vị thành niên sử dụng dịch vụ hỗ trợ hoặc tư vấn cho các vấn đề về cảm xúc và hành vi còn rất thấp.

Do đó, theo TS Nguyễn Đức Vinh, sức khỏe tâm thần là một vấn đề sức khỏe cộng đồng cần được các nhà lập kế hoạch và hoạch định chính sách quan tâm. Chuyên gia nhấn mạnh, trước hết, cần tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức, kiến thức về sức khỏe tâm thần đến vị thành niên, cha mẹ, giáo viên.

Ngoài ra, do triệu chứng lo âu chiếm tỷ lệ cao nhất trong các vấn đề sức khỏe tâm thần ở vị thành niên, nên các chiến dịch, chương trình sức khỏe nên tập trung vào việc nâng cao hiểu biết về bệnh lý lo âu, xác định triệu chứng và cung cấp dịch vụ, trợ giúp có thể.

“Hầu hết vị thành niên đang đi học, nên việc thực hiện các chiến lược sàng lọc và quản lý, lồng ghép với hoạt động nâng cao sức khỏe tâm thần trong môi trường học đường là cần thiết để giảm tỷ lệ mắc và tác động tiềm tàng của triệu chứng này đối với sự phát triển toàn diện của vị thành niên Việt Nam”, TS Vinh cho biết.

Ngoài ra, chuyên gia này cũng cho rằng, cần chú trọng phát triển và cung cấp dịch vụ tư vấn tâm lý, sức khỏe tâm thần chuyên nghiệp, thân thiện và dễ tiếp cận. Đồng thời, cần có một khung chính sách quốc gia toàn diện để giải quyết các nhu cầu về sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên.

Trong khi đó, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em cho biết, hiện nay mạng lưới chăm sóc sức khỏe tâm thần, bao gồm điều trị cho trẻ em tự kỷ, là một thách thức. Trong đó, một vấn đề là không ít chuyên gia làm ở lĩnh vực khác, nhưng nghĩ mình có thể điều trị được cho trẻ. Bên cạnh đó, cũng có những người cố tình tạo ra dịch vụ không tin tưởng để thu tiền từ phụ huynh.

“Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được giao giữ vai trò điều phối, đôn đốc việc thực hiện quyền trẻ em. Khoảng trống về chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em khá lớn. Sắp tới, có thể sẽ có đề án về chăm sóc sức khỏe tâm thần của trẻ em được chấp nhận”, ông Đặng Hoa Nam nhấn mạnh.

Về giải pháp, theo Cục trưởng Cục Trẻ em, cần nâng cao nhận thức, truyền thông giáo dục về kiến thức cho cha mẹ, giáo viên. Qua đó, giúp phụ huynh phát hiện sớm các vấn đề của trẻ, cũng như phối hợp với nhà trường để giúp con.

Ngoài ra, các dịch vụ hỗ trợ phải luôn sẵn sàng, chuyên nghiệp, cũng như có thể chuyển tuyến, phối hợp với nhau. Trong đó, có 3 dịch vụ quan trọng: Chăm sóc sức khỏe tâm thần trong trường học (tâm lý học đường); chăm sóc sức khỏe tâm thần trong công tác xã hội; chăm sóc sức khỏe tâm thần trong hệ thống dịch vụ y tế.

Về giải pháp cải thiện sức khỏe tâm thần cho trẻ và thanh thiếu niên, ông Đặng Hoa Nam cho rằng, cần tiếp cận ở 2 chiều cạnh. Trước hết là đưa vấn đề về khuyết tật, tâm thần vào chính sách xã hội. Sau đó, cần tăng cường tạo dựng môi trường sống an toàn, phòng chống xâm hại và bạo lực với trẻ em.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.