Điểm tựa vững chắc
Từ khi còn là sinh viên khoa Giáo dục Tiểu học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, cô Diệp đã làm gia sư dạy kèm cho một trẻ tự kỉ. Rồi như một cơ duyên, ra trường, cô lại được nhận dạy một trẻ tự kỉ khác tại Hà Nội. Về công tác tại Trường Tiểu học Tân Mai, ngoài công việc giảng dạy, hết giờ ở trường, cô vẫn miệt mài dạy hai em mắc chứng tự kỉ nặng là Phan Đức và Trương Thăng.
Gắn bó với các em, cô thấy được chông gai trên con đường mình lựa chọn. Có những lần, cô bật khóc cảm thấy bất lực vì dạy cả năm trời, học trò vẫn không biết làm một động tác đơn giản đối với người bình thường là… nắm tay. Nhưng rồi, sự đam mê với nghề cùng lòng yêu trẻ đã giúp cô có thêm động lực vượt qua khó khăn, mệt mỏi để giúp các em hòa nhập được với cuộc sống. Từ thực tế giảng dạy trong trường cũng như tiếp xúc ngoài xã hội, cô Diệp nhận thấy, xung quanh mình ngày càng có nhiều trẻ tự kỉ nhưng không được can thiệp sớm dẫn đến tình trạng nặng thêm, điều đó đã thôi thúc cô quyết định phải có những giải pháp hỗ trợ, giúp các em có cơ hội được can thiệp sớm.
Từ ý tưởng đến thực hiện là quá trình dài và lắm gian nan. Năm 2004, cô tham gia Câu lạc bộ Hội cha mẹ có con tự kỉ tại Hà Nội với 200 thành viên. Cùng với đó, ngoài thời gian giảng dạy tại trường, cô đến trung tâm hỗ trợ trẻ tự kỉ của các tổ chức phi chính phủ, tham gia khóa học về trẻ tự kỉ của Mỹ, Úc và Trung Quốc tập huấn tại Việt Nam để có thêm kinh nghiệm giảng dạy trẻ đặc biệt.
Cậu học trò Trương Thăng mắc chứng tự kỉ nặng chính là minh chứng rõ nét nhất cho thành công của cô Diệp. Em cũng là người để lại nhiều ấn tượng nhất với cô trong suốt gần 20 năm dạy trẻ tự kỉ. Từ bé, Thăng đã ít nói, âm điệu không rõ ràng. Đến trường, đôi mắt em lúc nào cũng mơ màng, vô cảm, không học, không chơi mà cứ ngồi thơ thẩn. Cô Diệp tìm mọi cách để giao tiếp, trò chuyện và dành thời gian ở bên Thăng, hướng dẫn cho em cách phát âm, cùng chơi trò chơi, luyện tập để em cảm nhận được tình cảm, sự thân thiết của cô. Dần dần, cô đã trở thành điểm tựa vững chắc để em có thể nắm tay bước dần ra thế giới bên ngoài.
Sau những giờ dạy trên lớp, cô lại cần mẫn qua nhà để dạy riêng cho em những kĩ năng cơ bản của một trẻ bình thường. Không phụ công cô, từ HS tự kỉ nặng, Trương Thăng đã thay đổi rõ rệt. Sau 5 năm tiểu học, em đã biết đọc, viết, biết tính các bài toán cơ bản. Thậm chí, bài toán với phân số, số thập phân em đều làm thành thạo. Em biết làm văn, viết câu và thể hiện cảm xúc chân thực của mình. Những dòng chữ em viết ra là kì tích đối với cô giáo và mẹ của em. Sau nhiều năm, nhờ sự dạy dỗ của cô Diệp, cùng với cố gắng của mình, giờ đây Thăng đã là một thanh niên 19 tuổi. Em đã được nhận vào làm việc tại một công ty nội thất của Hà Nội.
Không để học sinh nào bị bỏ rơi
Theo cô Diệp, số lượng HS mắc bệnh tự kỉ, phổ tự kỉ hay tăng động giảm tập trung ngày càng nhiều. Có HS ở những dạng nặng, dù đã rất lớn, nhưng vẫn vô thức trong việc đi vệ sinh. Lại có HS khi được bố mẹ đưa đến lớp vẫn chưa biết cầm nắm bất cứ vật gì, không có những cử động mắt, giao tiếp bằng mắt với người khác. Khi được hỏi, chỉ im lặng, không chút phản xạ.
Không chỉ có những biểu hiện về mặt nhận thức, hành vi, mà các em còn rất nhạy cảm với thời tiết. Có em khi chuyển mùa là khó ăn, khó ngủ, khóc lóc, bứt rứt khó chịu, liên tục đập đầu vào tường ảnh hưởng đến các bạn trong lớp. Những lúc như thế, cô giáo phải ôm ấp, xoa lưng, vỗ về để các em bớt căng thẳng. Bên cạnh đó, điều làm cô Diệp luôn trăn trở là phụ huynh không yên tâm khi có những bạn tăng động như vậy học trong lớp của con mình.
Thực tế ấy đã thôi thúc cô bằng mọi giá phải giúp HS khuyết tật hòa nhập được với các bạn. Vì vậy, ngoài việc hỗ trợ riêng cho HS khuyết tật, cô thường xuyên dạy HS trong lớp phải yêu thương, giúp đỡ các bạn thiệt thòi hơn mình. Cô luôn tìm cách để HS khá giúp các bạn khuyết tật đồng thời chụp lại những bức ảnh các em giúp đỡ nhau để giờ sinh hoạt lớp tuyên dương việc làm đó. Chính tình cảm yêu mến, sự giúp đỡ của các bạn trong lớp đối với HS khuyết tật đã tác động đến phụ huynh, giúp phụ huynh không cảm thấy bất an khi trong lớp của con mình có trẻ học hòa nhập.
Từ thành công khi dạy HS đặc biệt qua các năm học, cô Diệp đã tổng hợp kinh nghiệm để viết phần mềm Ispring suite 9.7 kết hợp với PowerPoint hỗ trợ trẻ khuyết tật (Trẻ tự kỉ, phổ tự kỉ, tăng động giảm tập trung) ở môn Toán, Tự nhiên xã hội giai đoạn 1 (lớp 1, 2, 3). Qua phần mềm, cô khéo léo nhờ phụ huynh hỗ trợ để giúp con hoàn thành nhiệm vụ trên lớp. Phần mềm có hướng dẫn cụ thể từng bước, không cần Internet, HS vẫn có thể sử dụng được.