Vượt qua trầm cảm sau sinh nhờ thiền và chạy bộ

GD&TĐ - Thực tế đáng buồn là cứ 7 phụ nữ thì có 1 người mắc chứng trầm cảm sau sinh. Theo các chuyên gia, có thai dẫn đến sự gia tăng mức hormone trong cơ thể, tuy nhiên ngay sau khi sinh mức này sụt giảm thì sự thay đổi bất ngờ này có thể đưa đến tình trạng trầm cảm ở những sản phụ. 

Anupriya Kapur và con trai
Anupriya Kapur và con trai

Anupriya Kapur, người mắc chứng bệnh thầm lặng này hơn 5 năm sau khi sinh con nhưng chị không hề biết về nó để chia sẻ và nhờ giúp đỡ. Là một nhân viên với công việc không ràng buộc giờ giấc, chị quyết định ở nhà làm việc sau khi sinh con.

Anupriya nhớ lại tình trạng tâm thần của chị trong suốt giai đoạn này trong đời sống và kéo dài hơn nửa thập niên, đó là sự giận dữ và buồn bã luôn tái diễn, cùng với sự nản lòng, nản chí không lý do. Chị nói: “Có nhiều đêm khi thức giấc, tôi nghĩ về cách để trở lại như bình thường. Một đứa bé không đáng để bị những cơn giận dữ của người mẹ chi phối. Tôi sợ hãi khi nghĩ về khoảnh khắc mà tôi giơ bàn tay của mình lên nó. Tôi rất thất vọng… Tôi có thể đánh nó và sau đó tự đánh mình vì đã làm điều tệ hại này”.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tường trình rằng, phụ nữ dễ trầm cảm và lo lắng hơn nam giới. Người ta ước tính rằng gần 73 triệu phụ nữ trên thế giới bị một đợt trầm cảm nặng mỗi năm.

Những sự rối loạn tâm thần như trầm cảm sau sinh, ảnh hưởng đến 13% phụ nữ trong năm đầu sau sinh. Hơn nữa, ở những quốc gia thu nhập thấp, chỉ có 14% phụ nữ nhận được sự điều trị cho những rối loạn tâm thần. Đây có thể chỉ là số liệu thống kê, nhưng nhìn sâu hơn vào xã hội còn rất nhiều bà mẹ mới sinh đang phải chịu đựng trầm cảm sau khi sinh.

Các triệu chứng của chứng trầm cảm sau sinh rất nhiều và đa dạng, như: 

- Khích động, bối rối

- Buồn 

- Chán nản 

- Xáo trộn tâm trạng 

- Thiếu ngủ 

- Thay đổi bất thường về thèm ăn 

- Lo lắng 

- Khóc không nguyên nhân

- Cảm giác vô vọng 

- Cảm giác vô dụng

Anupriya nhận ra rằng, chị đã đạt đến điểm bùng phát của mình khi quanh quẩn với dự định tự tử. Chị nói: “Tôi đứng ở ban công và nhìn xuống với ý định nhảy… Nhưng đó cũng là lúc tôi tự nói với mình rằng tôi còn có trách nhiệm phải làm”.

Không may là trong xã hội của chúng ta, những chủ đề như trầm cảm và sức khỏe tâm thần không được đánh giá đầy đủ. Những người mắc bệnh phải chịu đau khổ nhiều hơn do sự thiếu nhận thức và thấu cảm từ cộng đồng.

Khi Anupriya bắt đầu tìm kiếm sự giúp đỡ, chị thường gặp những cái nhìn đầy ngạc nhiên. “Làm sao chị có thể chán nản? Mọi thứ đều tốt đẹp cho chị mà, tại sao chị lại cảm thấy như vậy?”… là một số câu hỏi, thậm chí từ những người gần gũi với chị.

Một thực tế là chị phải tự mình chiến đấu với tình trạng này mà không có sự hỗ trợ nào của y học. “Tôi đã từng quan sát những gì mà thuốc men tác động đến cơ thể và tôi cảm thấy đó không phải là con đường mà tôi theo để giải quyết vấn đề của mình”, chị nói.

Theo Anupriya, thiền và chạy bộ là hai yếu tố đã cứu giúp chị. Chị bắt đầu thiền 20 phút mỗi ngày và áp dụng liệu pháp pranic (chữa trị bằng năng lượng vũ trụ). “Tôi thường nghĩ thiền là một thị hiếu chỉ dành cho người giàu. Tôi không nghĩ tôi đã làm điều gì sai trong cuộc sống của mình”, chị nói.

Trong khi thiền giúp chị ổn định tinh thần, thì chạy bộ giúp Anupriya tiếp nhận năng lượng thể chất. Ban đầu chị chạy mỗi ngày một giờ nhưng những gì mang lại cho tâm trạng đã khiến chị bắt đầu thực hiện đều hơn.

Hơn 6 năm qua, chị đã tham gia 2 đợt chạy marathon đầy đủ, nhiều lần chạy bán marathon và 10km. “Chạy như chất gây nghiện. Các endorphin được phóng thích khi chạy thật tuyệt vời. Chúng ta cần theo đuổi một sở thích, đó là một điều mà bạn cần làm cho mình và được thực hiện trong nhiều năm. Một người không thể sống chỉ với con cái mình, điều này ngay cả gây hại đối với chúng”.

Năm 2015, Anupriya cũng bắt đầu viết blog, đây là một phương tiện giúp chị có thể chia sẻ với những người phụ nữ khác đang phải vật lộn với chứng trầm cảm sau sinh.

Chị cho rằng, những bà mẹ ngày nay cần phải hiểu rằng họ không thể kiểm soát chứng trầm cảm sau sinh. Cũng như các bệnh khác cần được chú ý và điều trị, trầm cảm sau sinh cũng cần có những sự can thiệp. 

Bước đầu tiên là nhận biết rằng bạn cần giúp đỡ. Sự trợ giúp có thể ở nhiều hình thức, trong đó có thể bao gồm cả thuốc men.

Điều quan trọng không kém là xã hội cần hiểu trầm cảm sau khi sinh là một vấn đề thực sự nghiêm trọng, tương tự như các bệnh về thể chất như cao huyết áp hoặc tiểu đường, và có thể điều trị bằng thuốc và liệu pháp. Mặc dù trầm cảm sau khi sinh giống như nhiều bệnh về sức khoẻ tâm thần khác, nhưng nó không dễ dàng định lượng được và sự nguy hiểm không hề kém so với những căn bệnh về thể chất khác.

Theo Thebetterindia

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ