Đừng bỏ rơi người mẹ

GD&TĐ - Trầm cảm sau sinh là rối loạn tâm thần phổ biến, ảnh hưởng đến những người phụ nữ mới làm mẹ hoặc đã sinh nở vài lần và thậm chí cả với người nhận con nuôi. 

Phụ nữ sau sinh phải đối mặt với bệnh trầm cảm
Phụ nữ sau sinh phải đối mặt với bệnh trầm cảm

Theo các bác sĩ, trầm cảm sau sinh nếu không được can thiệp kịp thời sẽ làm giảm chức năng làm mẹ và khả năng chăm sóc con của phụ nữ. Nhiều trường hợp còn dẫn tới loạn thần, làm hại bản thân hoặc chính con mình. Vì vậy, việc phổ biến kiến thức về vấn đề này cho các chị em gái, người thân đang bước vào tuổi sinh nở… cần được đẩy mạnh.

Nỗi lo trầm cảm sau sinh

Thực tế cho thấy, những phụ nữ mắc trầm cảm sau sinh có thể nhẹ, vừa hoặc nặng, có thể thoáng qua hoặc kéo dài và theo nhiều kiểu biểu hiện khác nhau.

Chị Hà – một phụ nữ sinh con đã 2 tuổi nhớ lại: Lúc mới sinh xong tôi rơi vào cảm giác chán ghét mọi thứ, mọi người xung quanh và ngay với con mình tôi cũng thấy thờ ơ. Dù gia đình bên chồng xúm vào giúp đỡ, quan tâm chăm sóc hai mẹ con nhưng chị vẫn có cảm giác cô độc.

Mọi người đối xử tốt với chị chẳng qua vì đứa con. Chị vẫn cảm giác mình bị đẩy vào một mình một phía, thậm chí ghen ngược khi con được nhiều người vỗ về, cưng nựng. Chị như chìm vào thế giới riêng và nhìn mọi việc đầy tiêu cực. 6 tháng được nghỉ chế độ thai sản chị như giam mình trong không gian của căn phòng với sự trầm uất.

Bạn bè thân thiết đến chơi cũng chỉ giúp chị vui vẻ được lúc đó, khi khách về chị lại ủ dột. Nhiều lần chị còn khóc lóc vô cớ. Ý nghĩ tìm đến cái chết cũng đã lờ mờ xuất hiện trong đầu chị… Những biểu hiện của chị đã được chồng phát hiện và hỏi bác sĩ. Sau một thời gian điều trị tích cực thì chị Hà mới thoát khỏi trầm cảm sau sinh.

Với chị Mai lại khác, sau sinh con đầu lòng vì quá cầu toàn áp dụng đủ phương pháp chăm con đến khi không được như mong muốn chị như rơi vào lo lắng, tự trách bản thân. Chỉ cần một bữa ăn hôm đó con chị từ chối không ăn sữa, hoặc bị nôn trớ thức ăn ra ngoài ngay lập tức chị rơi vào căng thẳng. Chị sẵn sàng mắng quát mọi người xung quanh nếu giúp không đúng ý hoặc hỏi han điều gì…

Sau những lúc quát nạt mọi người thì chị rơi vào trạng thái không chia sẻ ngay cả với chồng về những nỗi lo lắng khi nuôi con. Chồng chị lần đầu làm cha nên cũng lúng túng không biết hỗ trợ vợ cả về tinh thần lẫn trách nhiệm ra sao. Ngoài giờ đi làm về, anh tách ở phòng riêng, bế ẵm con một chút thời gian…

Chị đầu tắt mặt tối, anh lại gần như không bị ảnh hưởng đến múi giờ sinh hoạt thông thường. Chị tất bật trong tã lót, bỉm sữa, chăm sóc con, anh vẫn tinh tươm đi làm. Chị cảm thấy bất công và không nhận được sự chia sẻ. Còn chồng chị đôi lúc lại co mình lại vì biểu hiện của vợ quá thất thường, đôi lúc anh nghĩ chị bị dở hơi do quá stress.

Cũng liên quan tới trầm cảm sau sinh, những ngày qua, vụ bé 33 ngày tuổi tại xã huyện Thạch Thất, TP Hà Nội tử vong trong chậu nước và nghi phạm chính là mẹ của bé khiến dư luận xôn xao. Người mẹ 19 tuổi mắc chứng trầm cảm khai rằng thấy đau đầu, cảm giác như có ai nhập vào người khiến mất kiểm soát và thực hiện hành vi giết con đẻ của mình. Không chỉ có vụ việc này tại Hà Nội, thời gian qua đã có nhiều trường hợp trẻ bị mẹ đẻ sát hại, xuất phát từ chứng trầm cảm sau sinh.

Không thể thờ ơ

Có rất nhiều nguyên nhân đã được các bác sĩ chỉ ra để dẫn tới bệnh trầm cảm sau sinh. Người phụ nữ sau sinh thường có sự thay đổi về nội tiết, việc giảm đột ngột estrogen và progestrogen góp phần gây nên. Hormones tuyến giáp giảm nhanh chóng gây ra cảm giác mệt mỏi và trầm cảm. Mặt khác, sự thay đổi về thể tích máu, huyết áp, hệ miễn dịch và chuyển hóa cũng dẫn đến tình trạng mệt mỏi và dễ thay đổi cảm xúc.

Ngoài ra còn là các nguyên nhân từ phía bên ngoài như sự mâu thuẫn gia đình, vấn đề tài chính, thiếu sự giúp đỡ của người thân. Sự khó khăn trong chăm sóc bé cũng khiến nhiều bà mẹ cảm thấy căng thẳng, mất ngủ, lo lắng về khả năng chăm sóc bé. Từ đó cảm thấy mất hứng thú sống và mất kiểm soát cuộc sống bản thân. Và đặc biệt, cũng không thể loại trừ trường hợp yếu tố di truyền khi trong gia đình có người bị trầm cảm (mẹ, chị, cha) thì nguy cơ bệnh cao.

Người dễ mắc bệnh trầm cảm sau sinh là người có tiền sử bị bệnh trầm cảm sau sinh, nguy cơ lặp lại 50%. Hoặc gặp những việc gây căng thẳng như bệnh tật, hiếm muộn, thất nghiệp, trong khi thiếu sự giúp đỡ, đồng cảm chia sẻ của người thân, đặc biệt là người chồng. Người phụ nữ bị suy nhược cơ thể, lo lắng, hoảng hốt, cảm giác bị ám ảnh, mất tập trung, rối loạn giấc ngủ cũng có thể dẫn tới bệnh...

Người bị trầm cảm thường dẫn tới hành động dại dột, thiếu kiếm soát, thay đổi về tính cách, xử sự trong cả lời ăn tiếng nói một cách khó ngờ. Đây thực sự là một căn bệnh đáng nghi ngại cần được người thân, gia đình quan tâm tìm hiểu và có nhận thức đầy đủ để giúp đỡ phụ nữ sau sinh.

Và theo lời khuyên từ các bác sĩ sản khoa cách trống trầm cảm sau sinh cho phụ nữ đó là, trước khi có con, các cặp vợ chồng cần được hướng dẫn về tình trạng sức khỏe và nhu cầu tâm lý của người mẹ trong giai đoạn thai kỳ và hậu sản, cách chăm sóc em bé để người chồng có thể hỗ trợ vợ một cách tốt nhất. Người mẹ nên đi khám thai định kỳ và cần được theo dõi cả trong thời kỳ hậu sản. Sự phối hợp của người nhà với phụ nữ sau sinh cũng quan trọng để góp phần loại bỏ nguyên nhân gây thất vọng, buồn rầu... cho phụ nữ sau sinh. Giúp các bà mẹ sau sinh có lối sống cởi mở, động viên tinh thần, suy nghĩ tích cực… để loại trừ trầm cảm.

Bất cứ ai mang thai, sau khi sinh đều đối mặt với nguy cơ TCSS. Cách phòng bệnh hiệu quả nhất là giữ tâm trạng thoải mái, vui vẻ. Phía gia đình, người thân phải chia sẻ, động viên để người phụ nữ không cảm thấy lo lắng hoặc bị tổn thương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nam Định FC thua đáng tiếc Thể Công Viettel trên sân Hàng Đẫy.

Nam Định thua sốc Thể Công Viettel

GD&TĐ - Xuất sắc đánh bại Nam Định trên sân nhà, Thể Công Viettel cải thiện đáng kể vị trí trên bảng xếp hạng sau vòng đấu thứ 19.