Trầm cảm sau sinh: Đáng thương hơn đáng trách

Đối với những người mẹ đã làm thương tổn con mình sau khi trải qua một đợt trầm cảm nặng, chúng ta cần những góc nhìn khoan hồng hơn chỉ là lời oán trách: "Ngụy biện!"

Trầm cảm sau sinh: Đáng thương hơn đáng trách

Liên tục trong những ngày gần đây là các tin tức xung quanh sự việc một bà mẹ trẻ (chỉ mới 19 tuổi) đã làm hại đứa con chỉ vừa hơn một tháng tuổi của mình khiến cháu bé tử vong. Vốn dĩ, dư luận đã quá nhạy cảm với những vụ sát hại trẻ em trong thời gian gần, nên sự việc này nhanh chóng thu hút sự quan tâm đặc biệt của xã hội.

Đến khi người mẹ trẻ thừa nhận mình là người đã gây ra cái chết của con, sự phẫn nộ đó đã tăng lên cao gấp bội. "Hổ dữ không ăn thịt con, huống gì là con người" là phán xét liên tục được lặp đi, lặp lại.

Trong những đoạn tin bài mô tả cách thức gây án, điều tra từ công an hay lời than khóc của người thân, lóe lên một chi tiết mà nhiều người không quan tâm, hay cố tình bỏ qua: Người mẹ trẻ này có dấu hiệu trầm cảm nặng trong giai đoạn trước đó.

Đến lúc này, nếu những ai đã từng trải qua hoặc có hiểu biết về chứng "trầm cảm sau sinh", sẽ bắt đầu thấy thương cô gái hơn là căm phẫn...

Trầm cảm sau sinh không chừa người mẹ nào

Trầm cảm là trạng thái luôn cảm thấy buồn bã, chán nản, không còn động lực trong cuộc sống, không thể ngủ ngon, ăn gì cũng nhạt miệng, lúc nào cũng cảm thấy thua kém hay thậm chí đã từng nghĩ đến hay thực hiện việc tự chấm dứt cuộc sống của mình...

Trầm cảm sau sinh là một loại trầm cảm đặc biệt, xuất hiện nhiều nhất ở những người làm mẹ lần đầu. Lúc này, nồng độ hormon trong máu thay đổi, sự suy giảm về lượng của estrogen và progesterone cũng như nồng độ hormon tuyến giáp thyroid giảm dễ dẫn đến mệt mỏi.

Cùng với đó thay đổi về huyết áp, chức năng của hệ miễn dịch và những biến đổi về chuyển hoá là một phần trong những nguyên căn gây ra trầm cảm cho bà mẹ sau sinh. Đó là chưa kể các thay đổi của cơ thể khi vừa kết thúc 9 tháng mang nặng đẻ đau hay ê ẩm sau khi sinh mổ kéo dài vài tuần...

Về mặt tâm lý, sự tự ti khi cơ thể chưa kịp phục hồi phom dáng, trở nên ngại ngùng với bạn đời hay luôn xuất hiện trong trang phục "xập xệp", những thay đổi về lối sống vốn đã quen thuộc để chăm sóc con hay nghĩ quá nhiều về trách nhiệm làm mẹ cũng dễ khiến họ rơi vào tình trạng trầm cảm.Trầm cảm sau sinh: Đáng thương hơn đáng trách ảnh 1

Ngoài ra, môi trường xung quanh không khỏi vắng mặt trong danh sách nguyên căn: vợ chồng mâu thuẫn, bất đồng quan điểm chăm sóc con, áp lực từ ông bà nội ngoại... Khi có suy nghĩ tiêu cực trong người nhưng không thể chia sẻ cùng ai, "quả bom" nổ chậm để lâu sẽ có sức "sát thương" rất cao khi phát nổ. Như trong trường hợp người mẹ trẻ ở đầu bài, cha ruột của cô có tiền sử bệnh thần kinh, cũng là một nguyên nhân cần suy xét tới.

Chuyện gì xảy ra khi bị trầm cảm sau sinh?

Có rất, rất nhiều việc xảy ra khi người mẹ bị trầm cảm. Ngoài những điều "bình thường" như biếng ăn, ngại tiếp xúc với bên ngoài, mất ngủ..., ta có thể kể đến một vài chuyện "kinh khủng" hơn như: không còn cảm thấy thương yêu gì con mình, nhiều lúc dẫn tới căm ghét đứa trẻ thậm tệ; lúc nào cũng nghĩ sẽ có người hãm hại mình; thậm chí chỉ muốn tự sát cho xong chuyện.

Có cô gái chỉ trong vòng 5 tháng sụt từ 56kg xuống còn 24kg do không thể ăn, ngủ; hay cô khác lại ẵm con cùng nhảy xuống giếng tự tử... Không khó để tìm trên mạng những câu chuyện đầy thương tâm về những người mẹ "sát hại" con chỉ vì trầm cảm, đa số tuổi đời đều rất trẻ và lần đầu thực hiện thiên chức. Chúng tôi dùng từ "sát hại" trong ngoặc kép, bởi nghĩa gốc không đúng với bản chất thật của sự việc này, và chúng tôi tin, đó là quá nặng đối với họ.Trầm cảm sau sinh: Đáng thương hơn đáng trách ảnh 2

Đặc biệt, nếu gia đình không đủ tinh tế để chú ý nhận ra và cho rằng đó chỉ là những chuyện bình thường, trầm cảm sau sinh sẽ bùng phát rất nhanh. Người mẹ có khi tự tìm đến những phương pháp chữa bệnh, chủ yếu là bằng thuốc tây, điều trị chẳng có phương pháp lại càng gây nguy hiểm đến bản thân và nguồn sữa.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà chống lại trầm cảm sau sinh đã trở thành một trong những nhiệm vụ sống còn mà các tổ chức y tế trên thế giới phải cam kết thực hiện, vì hậu quả để lại sẽ vô cùng to lớn. Người ngoài cuộc, chủ yếu là nam giới, hoặc chưa từng trải qua, lúc nào cũng sẽ cho rằng: "Tất cả chỉ là ngụy biện, mình tàn nhẫn lại đổ thừa cho trầm cảm", thế nhưng, suy cho cùng, thật sự chẳng người mẹ nào lại đang tâm từ bỏ giọt máu đào của chính mình, các bạn ạ.

Theo thegioitre

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ