Không để trầm cảm sau sinh thành nỗi lo

GD&TĐ - Làm mẹ là thiên chức thiêng liêng cao cả của người phụ nữ. Tuy nhiên, đi liền với thiên chức đó người phụ nữ sau sinh phải đối diện và hoàn toàn có thể mắc phải những bệnh lý thời kỳ sinh đẻ. Một trong những bệnh lý đó là trầm cảm sau sinh. 

Gia đình cần chia sẻ và đồng hành với phụ nữ sau sinh
Gia đình cần chia sẻ và đồng hành với phụ nữ sau sinh

Để trầm cảm sau sinh không trở thành nỗi lo và phòng tránh căn bệnh này đòi hỏi sự quan tâm rất nhiều của gia đình, người thân với phụ nữ sau sinh.

Không thể thiếu sẻ chia

Rất nhiều ông bố trẻ khi được hỏi về chăm sóc vợ sau khi sinh thản nhiên nói: Vợ về ông bà ngoại trước và sau sinh nhiều tháng. Mọi việc đã có ông bà, anh chị em hai bên nội ngoại luân phiên lo giúp. Nên họ gần như không phải lo lắng gì nhiều trong việc chăm sóc, chia sẻ trách nhiệm chăm sóc con sau sinh.

Cũng chính vì như vậy nên họ không biết đến chứng bệnh trầm cảm sau sinh hoặc nghĩ ai mắc chứ vợ họ thì không thể bởi vợ không phải lo lắng gì, sinh con song đã có người chăm và người giúp việc hỗ trợ làm giúp.

Anh H. Hùng – một nhân viên kĩ thuật đang công tác tại Hà Nội chia sẻ: Vợ về quê sinh đẻ. Công việc của anh ở Hà Nội khá bận rộn và không thể về nhà thường xuyên nên mỗi tối muộn được nghỉ anh chỉ kịp gọi điện về nhà hỏi thăm vợ con một chút rồi rơi vào giấc ngủ.

Có những ngày anh quá bận bịu không kịp cả gọi điện về nhà, hoặc có gọi nhỡ của vợ cũng quên đi mà không gọi lại ngay được. Đến một ngày, vợ anh gọi điện khóc và trách móc: Anh vô tâm, thiếu sự quan tâm với vợ chỉ biết công việc. Vì quá bực bội và thiếu kiểm chế nên đôi khi chị không kiềm chế được đã phát vào mông con. Khi con khóc ré lên cũng là giây phút chị như bừng tỉnh. Con khóc, mẹ khóc vì xót con vì ân hận.

Trên diễn đàn mạng, có ông bố trẻ còn chia sẻ: Vợ chồng cách xa khi sinh con. Để có sự hỗ trợ vợ anh cứ tháng này bên ông bà ngoại tháng sau về ông bà nội. Gia đình hai bên đều ở mức kinh tế trung bình. Vợ anh thường xuyên gọi điện than phiền về những khó khăn trong đời sống sinh hoạt.

Từ việc suốt ngày phải nhốt mình trong bốn bức tường, đến việc trời nóng cũng không có điều hòa, ăn uống không vừa ý vì phải kiêng khem theo ý của ông bà, rồi việc bị tắc tia sữa đau đớn đến phát sốt mà vẫn mất sữa… Thậm chí không biết nói đùa hay dọa chồng mà vợ anh còn có ý định tự tử mỗi khi gọi điện cả ngày không được.

Chị cứ tưởng tượng mình thân hình sau sinh xấu xí, đầu óc quần áo toàn mùi bỉm sữa… sẽ khiến anh chán và thời gian này dễ nảy sinh trăng hoa với ai đó… cho dù thực tế anh chỉ bận làm việc hoặc bận họp chưa kịp gọi điện về thăm. Anh cảm thấy hối tiếc đã không biết đến căn bệnh trầm cảm sau sinh từ sớm để cùng vợ chia sẻ hoặc có những giải pháp thích hợp hơn trong ăn ở sinh hoạt để vợ anh yên tâm và không rơi vào trầm cảm.

Anh Xuân Chính – Nam Định chia sẻ: Tôi biết đến hội chứng trầm cảm sau sinh qua lời kể của nhiều đồng nghiệp, bạn bè. Đặc biệt trường hợp của một chị trong phòng bình thường rất nhanh nhẹn, linh hoạt và tươi vui. Nhưng sau khi sinh con xong lại kể là có những lúc suy nghĩ thấy bi quan tiêu cực, chán nản cuộc sống và muốn đánh ai đó khi không hài lòng…Được nghe và chứng kiến nhiều những câu chuyện trầm cảm sau sinh nên đến khi vợ sinh con đầu lòng anh phải vô cũng để ý đến vợ và cẩn trọng hơn trong việc chăm sóc tinh thần cho vợ.

Trầm cảm sau sinh – Chăm sóc đúng cách

Một số biểu hiện của trầm cảm sau sinh mà gia đình, người thân, chồng của các bà mẹ sau sinh cần sớm nắm được để có thể nhờ bác sĩ điều trị từ sớm. Đó là tâm trạng phụ nữ sau sinh thường buồn bã. Không có nhu cầu hoặc giảm hứng thú hoạt động.

Cùng đó nhiều chị em luôn cảm thấy bản thân mình vô dụng hay tội lỗi họ rất khó tập trung hoặc không quyết đoán trước một vấn đề nào đó. Nhiều người thậm chí còn thường nghĩ đến cái chết và tự tử hoặc nhẹ hơn thì thay đổi khẩu vị và tăng hoặc giảm cân, có người lại mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều và suy nghĩ, hành động, phản ứng chậm, mệt mỏi, thiếu sinh lực…

Khi một người người mẹ rơi vào căn bệnh trầm cảm sau sinh thì gia đình nên đưa đến bác sĩ càng sớm càng tốt, nếu không thể được thì mời bác sĩ đến nhà.

Cố gắng báo với bác sĩ về tất cả các triệu chứng gây khó chịu, điều này sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác về bệnh hơn. Nhiều phụ nữ nhận thấy rằng thuốc an thần không hiệu quả và quay trở lại bác sĩ yêu cầu đổi thuốc. Với thuốc chống trầm cảm thì người bệnh có cảm giác khô miệng và buồn ngủ.

Nếu dùng thuốc làm người bệnh cảm thấy khó chịu hơn thì nên đến bác sĩ đổi thuốc, nếu dùng thuốc trong vài tuần mà không hiệu quả thì cũng nên đến bác sĩ thay đổi thuốc khác mạnh hơn hoặc tăng liều. Bên cạnh việc dùng thuốc thì điều quan trọng là phải duy trì chế độ dinh dưỡng tốt, vitamin B6 hoặc vitamin tổng hợp nên được dùng.

Nếu thuốc thích hợp thì đừng nên rút ngắn thời gian điều trị bởi vì trầm cảm cần thời gian điều trị kéo dài để được phục hồi hoàn toàn. Nếu sau khi ngưng thuốc mà các triệu chứng tái phát thì đừng nên thất vọng mà nên đến bác sĩ tư vấn thêm. Thông thường bác sĩ tiếp tục điều trị với thuốc trước đó. Sau đó nếu có hiệu quả thì giảm liều dần, và điều này dự phòng được việc tái phát.

Khoảng 85% các bà mẹ có những cảm giác buồn thoáng qua, còn gọi là “baby blues” với những biểu hiện như có tâm trạng buồn và chán, khó khăn trong giấc ngủ, dễ bị kích thích, sự ngon miệng thay đổi, có vấn đề về sự tập trung chú ý. Nếu những biểu hiện này kéo dài hơn hai tuần, thì có nghĩa người phụ nữ đó đã mắc một căn bệnh đó là trầm cảm sau sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ