Vượt qua trầm cảm học đường: Hàng triệu trẻ em cần chăm sóc sức khỏe tâm thần

GD&TĐ - Bà Nguyễn Thị Thanh An, chuyên gia về các chính sách xã hội và quản trị của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết, trên 3 triệu trẻ cần chăm sóc sức khỏe tinh thần.

Bác sỹ tư vấn về tâm lý cho trẻ. Ảnh minh họa
Bác sỹ tư vấn về tâm lý cho trẻ. Ảnh minh họa

Những tổn thương tâm lý từ ngoại cảnh

Trong một nghiên cứu về sức khoẻ tinh thần đối với trẻ em đang được UNICEF thực hiện, bà Nguyễn Thị Thanh An cho biết, nhóm đối tượng từ 10-19 tuổi đang có nhiều vấn đề về sức khoẻ tinh thần rất đáng quan tâm. Trong số này, tình trạng trẻ tự hại, tự tử là một trong những nguyên nhân chiếm tỉ lệ cao dẫn tới tử vong ở lứa tuổi trẻ vị thành niên. Theo khảo sát của UNICEF trong phạm vi nghiên cứu này, có 330 trẻ ở vùng Tây Bắc có ý định tự sát, trong đó 70 trẻ đã tử vong.

Ông Khuất Văn Quý, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch, cung cấp một con số khác rất đáng suy nghĩ là có 5,14 - 5,66% số trẻ em ở 63 tỉnh, thành bị bạo lực. Thống kê từ năm 2017 đến nay, tình trạng này chưa có những thay đổi tích cực rõ rệt.

Ông Quý cũng chia sẻ một con số nghiên cứu, có đến 60% trong số trẻ em được khảo sát gặp khó khăn, áp lực học tập. Khoảng 42% không có kỹ năng tiếp cận Internet an toàn. Khoảng 48% cho rằng mình bị áp lực do giãn cách xã hội vì dịch bệnh. Trong số này nhiều em cho biết đã bị bạo lực tinh thần, khoảng 32% nói không được gia đình quan tâm…

Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết thêm, có đến 14% số trẻ ở quãng 10-19 tuổi có dấu hiệu rối loạn tâm lý. Trong đó tình trạng tự tử ở trẻ em đứng thứ 4 trong số những nguyên nhân dẫn tới tử vong.

Ông Khoa cho rằng, sức khỏe tâm thần trẻ em giải quyết phải tiếp cận theo 3 hướng. Trong đó, phòng ngừa là ưu tiên số 1. Tiếp theo là phát hiện rồi mới đến là can thiệp sớm. Những người phát hiện sớm, can thiệp sớm nhất không ai khác chính là giáo viên và cha mẹ.

Ông Khoa đề xuất cần có kế hoạch tổng thể, phân công nhiệm vụ đơn vị quản lý Nhà nước, phối hợp tham gia của nhiều cơ quan khác nhau, với sự hỗ trợ tổ chức quốc tế, phi chính phủ vì mỗi can thiệp đi từ phòng ngừa, phát hiện sớm, can thiệp sớm mới mang lại hiệu quả cao và mang tính bền vững.

Nhiều chuyên gia cho rằng, áp lực học tập và kỷ luật khắc nghiệt của gia đình là những nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tình trạng tổn thương tâm lý trẻ em. Ngoài ra, những tác động tiêu cực từ xã hội, từ mạng Internet, sự thờ ơ không quan tâm, thiếu kỹ năng làm cha mẹ cũng là những nguyên nhân liên quan đến tình trạng tổn thương tinh thần của trẻ.

Hướng trẻ vào mục tiêu, mục đích sống

Tại tọa đàm “Trầm cảm học đường, cách nào vượt qua”, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chia sẻ: “Tôi thấy rằng rõ ràng chuyện trầm cảm ở học trò hiện nay khá phổ biến. Thống kê cho thấy tỉ lệ 10% trẻ vị thành niên bị trầm cảm và 10% trẻ tự tử vì trầm cảm. Những vụ việc học sinh tự sát liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây như giọt nước làm tràn ly làm xã hội băn khoăn, lo lắng.

Dân gian có câu “Nhân tri sơ tính bản thiện”, vai trò của gia đình với tuổi học đường quan trọng lắm. Tôi có hai con đều thành đạt. Mới đây khi đọc facebook của con trai lớn tôi mới biết khi còn nhỏ cháu rất ham đá bóng. Còn con gái thì có 2 bạn thân từ nhỏ và chơi với nhau tới bây giờ. Tôi không nghĩ tuổi thơ của các con được phát triển như thế nên giáo dục trẻ từ gia đình rất quan trọng. Cha mẹ đừng nên tạo áp lực cho con trẻ để các em được phát triển vui tươi. Tôi nghĩ triệu chứng trầm cảm dễ nhận thấy. Nếu bố mẹ nhạy cảm sẽ nhận ra con mình có bị trầm cảm hay không để tìm cách uốn nắn”.

GS Nguyễn Lân Dũng cũng cho biết, ông đặt tên 2 con mình là Hiếu và Thảo, không phải chỉ mong muốn con hiếu thảo với bố mẹ mà mong muốn các con hiểu thảo với xã hội, muốn con cái trở thành người tử tế. Mà muốn được như vậy bố mẹ cũng phải tử tế. Nền giáo dục của gia đình cần được quan tâm. Đó là không chỉ quan tâm ăn mặc mà quan tâm tới trí tuệ, đạo đức của con. Thầy cô cũng vậy, không phải chỉ dạy chữ mà tấm lòng người thầy thương yêu học sinh, hình thành cho trẻ sự tử tế. Vì vậy, quan trọng là thái độ bố mẹ, thầy cô, dành tình cảm yêu thương con cái, học trò.

Theo GS Nguyễn Lân Dũng, mỗi người có 1 quãng thời gian như nhau trong ngày nhưng điều quan trọng là đứa trẻ ham mê điều gì. Nếu trẻ ham học tập, nghiên cứu thì không có thời gian quá nhiều cho mạng xã hội.

Nền giáo dục của chúng ta là nền giáo dục đang phát triển, mọi người dân đều có cơ hội học tập, cơ hội phát triển lành mạnh, để mỗi ngày đến trường vui vẻ. Về mặt khoa học, trẻ phải có đường ruột lành mạnh, khoẻ khoắn trong cơ thể, mới mong khoẻ về tâm hồn, cuộc sống. Vì vậy, bố mẹ cần quan tâm sức khoẻ của trẻ em bao gồm cả sức khoẻ tinh thần và thể chất.

“Tôi cho rằng, không nên cấm đoán trẻ vì chúng lớn lên không phải lúc nào bố mẹ cũng luôn ở cạnh. Một đứa trẻ trưởng thành có quyền tự do cá nhân. Nên việc cần làm là hướng chúng vào mục tiêu, mục đích sống. Mà để làm được điều đó bố mẹ phải làm gương để các con theo. Theo tôi, bố mẹ, thầy cô là những tấm gương từ đó soi vào tâm hồn đứa trẻ. Tâm trạng của trẻ phải theo dõi, trầm cảm phải có triệu chứng nên người lớn phải biết để phát hiện, chăm sóc, và khắc phục. Nếu bố mẹ chỉ lo kiếm tiền lơ là việc chăm sóc con thì các con sẽ học theo những điều không lành mạnh. Tôi mong rằng cả xã hội nêu những tấm gương tốt giúp xã hội lành mạnh, trẻ em phát triển lành mạnh”, GS Nguyễn Lân Dũng nhấn mạnh.

_______________________________________

(Bài tiếp: Hãy để trẻ hiểu người thân và xã hội quan tâm chúng như thế nào)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.