Vượt khó triển khai Chương trình GDPT mới ở Lai Châu

GD&TĐ - Sau 3 năm triển khai Chương trình GDPT mới, nhiều trường học vùng cao Lai Châu đã đạt được kết quả quan trọng trong phát triển giáo dục toàn diện.

Chất lượng giáo dục của các trường vùng cao Lai Châu có nhiều chuyển biến sau 3 năm triển khai Chương trình GDPT mới.
Chất lượng giáo dục của các trường vùng cao Lai Châu có nhiều chuyển biến sau 3 năm triển khai Chương trình GDPT mới.

Lấy học sinh làm trung tâm

Sau gần 3 năm học thực hiện Chương trình GDPT năm 2018, ngành GD&ĐT huyện Tam Đường (Lai Châu) đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đội ngũ nhà giáo nhận thức đúng quan điểm đổi mới GDPT 2018 về nội dung, chương trình, phương pháp, kiểm tra, đánh giá. Cùng với đó, học sinh có hứng thú hơn trong việc học tập, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của địa phương.

Năm học 2022 - 2023, trường THCS Nà Tăm, huyện Tam Đường có 10 lớp với 362 học sinh. Thầy Bùi Quang Thắng – Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Để thực hiện Chương trình GDPT 2018 hiệu quả, chúng tôi đặc biệt quan tâm tới công tác bồi dưỡng chuyên môn, sắp xếp, bố trí phân công đội ngũ giáo viên có năng lực, nhiệt tình, năng động, có khả năng ứng dụng tốt công nghệ thông tin (CNTT) giảng dạy các khối lớp 6, 7”.

Cùng với việc chuẩn bị nhân lực, nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch mua sắm, đề nghị cấp bổ sung thiết bị dạy học phục vụ triển khai Chương trình lớp 6, 7 với phương châm tiết kiệm, tận dụng những thiết bị còn sử dụng được. Đồng thời, sửa chữa, khắc phục những bộ thiết bị hỏng một phần để phục vụ Chương trình.

“Nhà trường đã chỉ đạo tổ, nhóm chuyên môn tăng cường khai thác tranh, ảnh, video, phần mềm tin học... tự làm đồ dùng dạy học và tích cực ứng dụng CNTT trong dạy học, tổ chức các hoạt động giáo dục” – thầy Bùi Quang Thắng chia sẻ.

Em Lò Văn Hải Dương, học sinh trường THCS Nà Tăm chia sẻ: “Chương trình mới với bộ sách mới rất hay và bổ ích. Chúng em vừa được học kiến thức vừa cảm thấy hứng thú với những tiết học”.

Theo thầy Bùi Quang Thắng, nhà trường căn cứ khung chương trình quy định, điều kiện đội ngũ và học sinh để xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp mục tiêu cần đạt của từng môn học, hoạt động giáo dục. Trong quá trình triển khai, nhà trường đã tập trung chỉ đạo, tư vấn, hướng dẫn cho đội ngũ về phương pháp, cách thức dạy học theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh.

Học sinh trường Tiểu học Nà Tăm tham gia các hoạt động hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

Học sinh trường Tiểu học Nà Tăm tham gia các hoạt động hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

Trường tiểu học Nà Tăm, huyện Tam Đường có 19 lớp, 429 học sinh. Thực hiện chương trình GDPT mới, nhà trường đã bố trí đội ngũ giáo viên dạy các lớp khối 1, 2, 3 đảm bảo 1 giáo viên/1 lớp. Nhà trường cũng thường xuyên chỉ đạo giáo viên thực hiện phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất và có nội dung vận dụng kết nối sau bài học.

Cùng với đó, tổ chức các hoạt động sau giờ học với 3 Câu lạc bộ: Mĩ thuật, âm nhạc và thêu. Đối với học sinh khối 4 và 5 đang thực hiện Chương trình GDPT 2006, nhà trường đã tiếp cận phương pháp, hình thức tổ chức dạy học Chương trình GDPT 2018 để tổ chức các hoạt động giáo dục.

Cô giáo Bùi Thị Nương – giáo viên chủ nhiệm lớp 3A1, trường Tiểu học Nà Tăm cho biết: “Chương trình GDPT mới đã chú trọng triệt để việc thực hiện phương pháp dạy học tích cực. Từ đó, học sinh được hoạt động để tự mình tìm tòi kiến thức, phát triển kỹ năng và vận dụng vào đời sống. Trong việc thực hiện chương trình, giáo viên được quyền chủ động phân bố thời gian dạy học, lựa chọn phương pháp dạy học phù hợp với mỗi nội dung, đối tượng và hoàn cảnh cụ thể”.

Việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh trong việc chuyển từ giáo dục truyền thụ kiến thức sang giáo dục phát triển cả về phẩm chất và năng lực. Qua đó, phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh”.– cô Nguyễn Thị Luyên, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Trường phổ thông DTBT THCS Hồng Thu tận dụng bếp ăn để làm lớp học.

Trường phổ thông DTBT THCS Hồng Thu tận dụng bếp ăn để làm lớp học.

Khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất

Năm học này, trường phổ thông DTBT THCS xã Hồng Thu, huyện Sìn Hồ có 433 học sinh. Nhà trường hiện có 10 lớp nhưng chỉ có 6 phòng học.

Thầy Trịnh Hoàng Sơn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Cơ sở vật chất ở đây còn thiếu đặc biệt là các phòng học bộ môn theo quy định. Diện tích các phòng học chật hẹp trong khi số học sinh trung bình là hơn 40 em/lớp nên khó khăn cho khâu tổ chức các hoạt động học tập”.

Để khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất, trường phổ thông DTBT THCS xã Hồng Thu đã chia ra 2 ca học. Trong khoảng thời gian chạy chương trình để chuẩn bị kết thúc năm học, nhà trường tận dụng bếp ăn để giảng dạy các bộ môn như: Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục công dân…

Cũng theo thầy Trịnh Hoàng Sơn, triển khai Chương trình GDPT mới, nhà trường còn thiếu các phòng học chức năng như: Tin học, Ngoại ngữ, Âm nhạc… Trong năm học 2022 – 2023, trường được Học viện Hành chính quốc gia hỗ trợ phòng Tin học với 15 máy.

Học sinh trường phổ thông DTBT THCS Hồng Thu thích thú khi được thực hành trên máy tính.

Học sinh trường phổ thông DTBT THCS Hồng Thu thích thú khi được thực hành trên máy tính.

“Do số học sinh của các lớp đông, trong khi chỉ có 15 máy nên nhà trường đã chia theo ca hoặc 2 – 3 em ngồi chung 1 máy để các em được thực hành. Việc được học tập tại phòng máy đã giúp các em hứng thú hơn với môn Tin học. Thời gian tới, nhà trường cũng đề xuất đầu tư thêm các bộ máy tính để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh” – thầy Sơn chia sẻ.

Còn tại trường phổ thông DTBT Tiểu học Hồng Thu hiện có 550 học sinh. Tại điểm trường trung tâm hiện có 415 học sinh, trong đó có 215 em ở bán trú.

Thầy Doãn Khắc Triều, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Bên cạnh khó khăn về việc mua sắm sách giáo khoa và vở viết, tại đây cũng thiếu đến 5 phòng học. Điểm trung tâm có 16 lớp nhưng chỉ với 11 phòng học. Hiện tại, nhà trường đang tập trung các phòng học cho những lớp triển khai Chương trình GDPT mới để có thể sắp xếp học 2 buổi mỗi ngày”.

Học sinh bán trú của trường phổ thông DTBT Tiểu học Hồng Thu.

Học sinh bán trú của trường phổ thông DTBT Tiểu học Hồng Thu.

Cùng với đó, học sinh bán trú của trường phải ở trong những phòng ngủ chật chội. Trường có 215 học sinh bán trú nhưng chỉ có 9 phòng ở với không gian 15m2 mỗi phòng. Hệ thống máy chiếu vẫn chưa đáp ứng nhu cầu dạy và học.

Mặc dù cơ sở vật chất đều còn nhiều khó khăn nhưng theo đánh giá của Hiệu trưởng trường phổ thông DTBT Tiểu học Hồng Thu, chất lượng giáo dục của nhà trường đã được cải thiện.

“Học sinh mạnh dạn hơn trong giao tiếp và tham gia các hoạt động giáo dục của nhà trường. Đó là kết quả quan trọng trong việc giáo dục lấy học sinh làm trung tâm” – thầy Doãn Khắc Triều cho biết.

Thầy Trịnh Hoàng Sơn chia sẻ: “Nhà trường đã tổ chức hoạt động bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn cho đội ngũ giáo viên. Thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học kịp thời giải quyết những khó khăn trong quá trình thực hiện. Chỉ đạo xây dựng chuyên đề bồi dưỡng tập trung vào việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, dạy học phát triển năng lực, phẩm chất. Qua đó, chất lượng giáo dục của nhà trường từng bước được cải thiện”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.