Nhiều kết quả nổi bật
Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ (PCGD-XMC) là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Đồng thời, đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.
Việc duy trì và nâng cao chất lượng PCGD-XMC nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, giúp nhân dân có cơ hội tiếp cận thông tin, tiến bộ khoa học kỹ thuật và đặc biệt là nâng cao chất lượng giáo dục.
Thời gian qua, Sở GD&ĐT Quảng Trị với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo PCGD-XMC đã phối hợp với các ban, ngành, địa phương tham mưu Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh ban hành nhiều chủ trương, chính sách, kế hoạch nhằm triển khai có hiệu quả công tác PCGD-XMC và đã đạt được kết quả quan trọng, góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.
HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ cho người dạy, người học. Nhiều địa phương đã mở được các lớp xóa mù chữ nên tỉ lệ người dân biết chữ đạt ở mức cao.
Các địa phương đã quan tâm đến công tác PCGD-XMC. |
Các chính sách về phát triển phổ cập giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số đã được triển khai thực hiện nghiêm túc, đạt hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển GD&ĐT, được nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Những năm qua, tỉnh Quảng Trị đã tập trung nhiều giải pháp quyết liệt để đẩy mạnh công tác PCGD - XMC nên đã đạt được những kết quả quan trọng. Cụ thể, năm 1996, tỉnh Quảng Trị được công nhận đạt chuẩn Quốc gia về PCGDTH - Chống mù chữ, về đích sớm 4 năm so với kế hoạch chung của toàn quốc. Năm 2005, được công nhận đạt chuẩn quốc gia về PCGDTHCS. Năm 2013, được công nhận đạt chuẩn quốc gia về PCGD mầm non cho trẻ em 5 tuổi.
Phát huy kết quả đã đạt được, Ban Chỉ đạo PCGD - XMC tỉnh đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục tiếp tục duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng PCGD từ Mầm non, Tiểu học, THCS và đang thực hiện Kế hoạch phổ cập bậc trung học từ năm 2012 theo Đề án phổ cập bậc trung học tỉnh Quảng Trị.
Phong trào xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, “trường học thân thiện - học sinh tích cực”,… tiếp tục được đẩy mạnh đã tạo nên nhiều chuyển biến trong hoạt động dạy - học; tình trạng học sinh bỏ học ở mức rất thấp đối với những trường có nhiều khó khăn trong việc huy động trẻ đến trường góp phần duy trì các đơn vị đạt chuẩn phổ cập giáo dục Tiểu học, xóa mù chữ vững chắc.
Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ đã từng bước được xã hội hoá, chính quyền các cấp, đến các đoàn thể tham gia tích cực, đồng bộ để làm tốt công tác huy động trẻ em đến trường đúng độ tuổi quy định.
Về kết quả xóa mù chữ, tất cả các thôn, bản, khu phố đều có giáo viên phụ trách PCGD-XMC, đủ về cơ sở vật chất và các điều kiện để tổ chức XMC.
Đến nay, tổng số người trong độ tuổi từ 15 – 25 biết chữ mức độ 1 đạt tỉ lệ 99,8%; biết chữ mức độ 2 đạt tỉ lệ 99,7%. Tổng số người trong độ tuổi từ 15-35 biết chữ mức độ 1 đạt 99,6%, mức độ 2 đạt gần 99,5%. Số người trong độ tuổi từ 15-60 biết chữ mức độ 1 đạt 99,3%, biết chữ mức độ 2 đạt 98,4%.
Toàn tỉnh có 125 xã đạt mức độ 2. Tỉnh Quảng Trị đạt xóa mù chữ mức độ 2.
Nâng cao chất lượng xóa mù chữ
Để đạt được những kết quả nói trên, tỉnh Quảng Trị đã xây dựng các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền về giáo dục, nâng cao nhận thức toàn xã hội, biểu dương những tập thể, cá nhân làm tốt công tác PCGD - XMC.
Ban chỉ đạo PCGD-XMC tiếp tục tham mưu cấp ủy Đảng, chính quyền về công tác PCGD-XMC. Các Sở, ngành, đoàn thể, địa phương có biện pháp khuyến khích người đồng bào DTTS tham gia học XMC.
Tăng cường công tác điều tra, vận động đối tượng trong diện XMC nhằm nâng cao chất lượng và chống tình trạng tái mù chữ. Đối với các xã khu vực biên giới, phối hợp BĐBP, các đoàn thể mở các lớp XMC.
Những lớp học giúp bà con đồng bào Vân Kiều biết chữ. |
Đổi mới công tác quản lý, xác định PCGD-XMC là công việc thường xuyên. Tăng cường đầu tư xây dựng CSVC trường học đáp ứng yêu cầu PCGD-XMC.
Việc XMC không chỉ dừng lại ở kỹ năng đọc, viết,... các trung tâm học tập cộng đồng cần chú trọng việc cung cấp thông tin, kiến thức khoa học và công nghệ và các lĩnh vực khác, để người dân, nhất là đồng bào dân tộc có cơ hội hòa nhập, tiếp cận tri thức, góp phần phát triển kinh tế-xã hội.
Nâng cao nhận thức trong cộng đồng người DTTS và miền núi về phòng chống mù chữ, chống tái mù chữ. Ban hành các chính sách hỗ trợ đặc biệt cho các địa bàn khó khăn, vùng đồng bào dân tộc, thu hẹp khoảng cách chênh lệch chất lượng giáo dục.
Tỉnh Quảng Trị đặt mục tiêu đến 2030, duy trì vững chắc kết quả phổ cập Giáo dục Mầm non cho trẻ em 5 tuổi, Phổ cập Giáo dục Tiểu học mức độ 3, xóa mù chữ mức độ 2; phấn đấu đạt chuẩn Phổ cập giáo dục THCS mức độ 3, và từng bước nâng cao chất lượng phổ cập bậc trung học.