Chương trình xóa mù chữ phù hợp với từng người học
Xã Hiếu nằm cách trung tâm huyện Kon Plông (Kon Tum) khoảng 20km, tổng diện tích tự nhiên 20.505 ha với 9 thôn nằm rải rác, dân cư sống không tập trung. Tổng dân số trên địa bàn xã 3.320 người, trong đó dân tộc thiểu số 3.115 người, chiếm tỷ lệ 93,83%, chủ yếu là dân tộc Mơ Nâm.
Thầy Vũ Ngọc Thành - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học xã Hiếu (huyện Kon Plông, Kon Tum) cho biết, địa phương là một trong những xã còn nhiều khó khăn với tỷ lệ người DTTS thiểu số cao.
Nhằm đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021-2025, từ tháng 11/2022, Trường PTDTBT Tiểu học xã Hiếu tham mưu UBND xã mở 1 lớp XMC giai đoạn 1 với 36 học viên. Trong đó 100% là người DTTS có độ tuổi từ 15 đến 60 tuổi tại thôn Đăk Xô - xã Hiếu.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho học viên vừa lao động sản xuất và tham gia học tập, nhà trường đã sắp xếp thời gian học của lớp XMC vào ban đêm, từ 18-20h, thứ 2 đến thứ 5 hàng tuần. Trường đã phân công giáo viên giảng dạy và có nội dung chương trình phù hợp với từng người học. Ngoài ra nhà trường mua sắm Sách giáo khoa, vở, dụng cụ học tập cho mỗi học viên từ nguồn chi thường xuyên và xã hội hóa giáo dục.
Qua một thời gian triển khai, lớp XMC đã hoàn thành học kỳ I chương trình giai đoạn 1, duy trì từ 85% đến 90% tỉ lệ chuyên cần các buổi học. Bên cạnh đó, 50% tỉ lệ học viên đã biết đánh vần, viết được chữ cái, tính toán đạt (còn 50% học viên đánh vần, viết và tính toán chậm). Chương trình học kỳ II cũng được bắt đầu từ ngày 5/9/2023 đối với 36 học viên.
Theo thầy Thành, Chương trình mục tiêu Quốc gia của Chính phủ được triển khai đã thúc đẩy kinh tế-xã hội của địa phương phát triển. Bên cạnh đó cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được đầu tư nâng cấp, đời sống người dân từng bước đi vào ổn định tạo điều kiện cho nhu cầu học tập của mọi người.
Phòng GD&ĐT cũng chỉ đạo sát sao về chuyên môn nghiệp vụ nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Đồng thời luôn giám sát việc thực hiện các mục tiêu phổ cập giáo dục trên địa bàn xã. Nhà trường và các Ban ngành, đoàn thể, chi hội của xã, thôn đã có sự phối hợp làm công tác giáo dục, như: tuyên truyền vai trò, tầm quan trọng của công tác giáo dục đến với người dân, vận động học viên ra lớp.
Khó khăn khi dạy xóa mù chữ
Học viên chụp hình kỉ niệm cùng giáo viên. |
Thầy Thành cho hay, bên cạnh những thuận lợi, công tác XMC còn gặp những khó khăn. Cụ thể, với địa hình phức tạp, dân cư sống rải rác, khí hậu khắc nghiệt, giao thông đi lại rất khó khăn đặc biệt về mùa mưa. Vì vậy rất ảnh hưởng đến việc đi học chuyên cần của bà con, từ đó chất lượng học viên cũng ảnh hưởng không nhỏ nhất là vào vụ mùa.
Đối với người DTTS, đời sống còn gặp nhiều khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo cao. Kinh tế thuần nông phương thức canh tác lạc hậu, nguồn vốn đầu tư phát triển còn thấp. Sản xuất còn mang tính tự cung tự cấp, chưa tiếp cận được với thị trường tiêu thụ nên kinh tế chưa phát triển, trình độ dân trí còn thấp nên công tác tuyên truyền, xã hội hoá giáo dục hiệu quả còn thấp. Học viên ra lớp còn rụt rè, vốn tiếng Việt còn hạn chế đã ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.
Theo Trường PTDTBT Tiểu học xã Hiếu thực hiện Nghị quyết số 58/2022/NQ-HĐND, ngày 29/8/2022 về quy định, nội dung mức chi thực hiện đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” và hỗ trợ người dân tham gia học XMC trên địa bàn tỉnh Kon Tum thì giáo viên trực tiếp giảng dạy không có chế độ. Chính vì vậy, ít nhiều ảnh hưởng đến công tác vận động giáo viên tham gia giảng dạy.
Theo thầy Thành, thời gian tới đơn vị tiếp tục chỉ đạo giáo viên phối hợp với các ban ngành đoàn thể tại thôn vận động học viên ra lớp thông qua nhiều hình thức. Từ đó giúp họ hiểu được lợi ích của việc học, việc đọc chữ, biết chữ trong đời sống.
Đối với giáo viên, nhà trường vận động, phân công thầy, cô giảng dạy chính khóa tại thôn mình phụ trách, kiêm dạy lớp XMC mở tại điểm thôn đó. Đồng thời động viên, khen thưởng kịp thời đối với giáo viên giảng dạy vào cuối năm học.