“Vùng trũng” thời 4.0

GD&TĐ - SEA Games 31 là sự kiện thể thao được mong chờ nhất của cả khu vực Đông Nam Á trong năm 2022, và Việt Nam, trong vai trò chủ nhà đã cam kết không cắt giảm bất cứ nội dung nào của các môn trong hệ thống Olympic;

Đoàn Thể thao Việt Nam diễu hành tại Lễ khai mạc SEA Games 30 năm 2019.
Đoàn Thể thao Việt Nam diễu hành tại Lễ khai mạc SEA Games 30 năm 2019.

Cùng với đó, Việt Nam cũng cam kết không đưa các nội dung “chuyên biệt” vào chương trình thi đấu chỉ để giành thật nhiều huy chương.

Xóa bỏ “sân chơi ao làng”

Cung thủ Đỗ Thị Ánh Nguyệt.

Cung thủ Đỗ Thị Ánh Nguyệt.

40 môn thi đấu tại SEA Games 31 gồm: Điền kinh, thể thao dưới nước, thể dục, rowing, canoeing/kayak, bóng đá, bắn súng, bắn cung, cử tạ, judo, taekwondo, karatedo, wushu, vật, boxing, kick-boxing, đấu kiếm, cầu lông, cầu mây, quần vợt, bóng chuyền, bóng rổ, bóng ném, xe đạp, bóng bàn, billiards & snooker, golf, bi sắt, kurash, vovinam, cờ, pencak silat, muay, thể hình, lặn, khiêu vũ thể thao, jujitsu, esport, bowling, triathlon.

Đại dịch Covid-19 đã khiến cho số phận của SEA Games 31 thăng trầm gần nửa năm qua. Có những lúc, cứ ngỡ Việt Nam buộc phải tuyên bố… không thể tổ chức đại hội thể thao khu vực. Vậy nên, sau những “sóng gió”, chủ nhà Việt Nam quyết tâm sẽ làm tất cả để đại hội thành công tốt đẹp, có sức lan tỏa mạnh mẽ không chỉ riêng khu vực Đông Nam Á.

Không chỉ mang ý nghĩa thể thao, SEA Games 31 còn là cơ hội quảng bá văn hóa và du lịch giữa các quốc gia trong khu vực, thông điệp nhiều ý nghĩa đến bạn bè quốc tế.

Ngoài ra, sân chơi khu vực lần này cũng là dịp để Việt Nam thể hiện tinh thần trách nhiệm với cộng đồng quốc tế và đóng góp vào sự phát triển của cả khối ASEAN. Đặc biệt, thị trường du lịch dự kiến hồi phục nhanh ngay sau khi Chính phủ có quyết định chính thức mở cửa lại hoạt động du lịch từ ngày 15/3.

Theo Điều lệ của Liên đoàn thể thao Đông Nam Á, chương trình thi đấu của SEA Games bao gồm 3 nhóm.

Thứ nhất có 2 nội dung bắt buộc, bao gồm điền kinh và các môn thể thao dưới nước (bơi, nhảy cầu, bơi nghệ thuật).

Thứ hai là tổ chức tối thiểu 14 môn trong số các môn của Olympic (thể dục dụng cụ, đua thuyền, bắn súng,...).

Thứ ba là các bộ môn phát triển ở Đông Nam Á, tùy từng kỳ đại hội có thể từ 2 đến 8 môn (bi sắt, đá cầu, vovinam,...). Nhiều quốc gia đăng cai thường đưa rất nhiều môn thể thao địa phương vào để “vơ vét” huy chương.

Tại SEA Games 22 năm 2003, đoàn thể thao Việt Nam đã đứng thứ nhất toàn đoàn với 158 Huy chương Vàng, 97 Huy chương Bạc, 91 Huy chương Đồng, bỏ xa đoàn thứ hai là Thái Lan chỉ với 90 Huy chương Vàng, 93 Huy chương Bạc, 98 Huy chương Đồng.

Thành tích ấy dĩ nhiên bắt nguồn từ việc chúng ta trong vai trò nước chủ nhà được phép đưa những môn thể thao thế mạnh, “đặc thù” như đá cầu, lặn, cờ vua,… vào chương trình thi đấu để gặt hái vô số huy chương. Thậm chí, có những nội dung chỉ có 3 đoàn tham dự vẫn thi đấu. Có nghĩa, chỉ cần đăng ký tham dự là có… huy chương.

Mặc dù vậy, Việt Nam, trong vai trò chủ nhà của SEA Games 31 cam kết không cắt giảm bất cứ nội dung nào của các môn trong hệ thống Olympic, ước chiếm khoảng 2/3 chương trình thi đấu chính.

Chúng ta chủ trương xây dựng một sân chơi chú trọng vào các môn thể thao trong hệ thống Olympic, ASIAD, bảo đảm sự hài hòa giữa các đoàn tham dự, và để lại hình ảnh đẹp về công tác tổ chức.

Tất cả nhằm tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng, từng bước xóa bỏ dần tư duy “sân chơi ao làng” đè nặng lên sân chơi SEA Games nhiều thập kỷ qua, đồng thời cũng là rào cản cho sự phát triển của thể thao Đông Nam Á.

Bên cạnh đó, theo chỉ đạo của ngành thể thao, các cơ sở phục vụ tập luyện và thi đấu SEA Games 31 tại Hà Nội đều phải hoàn thành việc chỉnh trang trước ngày 10/3, một tuần trước khi đại diện các nước dự Hội nghị Trưởng đoàn SEA Games 31 tiến hành kiểm tra lần cuối.

Trong số các cuộc kiểm tra này, đáng chú ý nhất là việc 3 môn điền kinh, bơi và bắn súng sẽ tổ chức thi đấu tiền SEA Games do đây là những môn có yêu cầu về trang thiết bị phức tạp, cần thi đấu thử nghiệm để vận hành công tác chuẩn bị, tổ chức.

Bà Lê Thị Hoàng Yến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT cho biết: “Mục tiêu của đoàn Việt Nam đặt ra vẫn là phải đứng tốp đầu ở tất cả các nội dung chứ không phải chỉ riêng những môn vốn là thế mạnh. Tuy nhiên không phải bằng mọi giá chúng ta phải đứng thứ nhất mà chúng ta phải tổ chức một kỳ SEA Games fair-play, cơ hội có thể chia đều cho tất cả các nước tham dự.

Tuy nhiên, mục tiêu quan trọng nhất của Việt Nam trong SEA Games 31 vẫn là tổ chức một kỳ SEA Games an toàn, để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong lòng bạn bè các nước trong khu vực và quốc tế, qua đó cũng là một cách để quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam thân thiện chan hòa với bạn bè quốc tế”.

Do vậy, người hâm mộ và các nhà chuyên môn có thể được chứng kiến một kỳ SEA Games 31 “thay da đổi thịt”. Những thay đổi mang tính đột phá này “vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn”, như chính khẩu hiệu chính thức của đại hội, và nó sẽ càng ý nghĩa hơn khi sân chơi thể thao hàng đầu khu vực diễn ra trong thời điểm cả thế giới vừa trải qua hơn 2 năm bão tố bởi đại dịch Covid-19.

Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam giành Huy chương Vàng tại Philippines.

Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam giành Huy chương Vàng tại Philippines.

Vị trí nào cho Việt Nam?

SEA Games 31 sẽ diễn ra từ ngày 12 đến 23/5 tại Hà Nội và 11 tỉnh, thành lân cận. Sân Mỹ Đình sẽ là nơi diễn ra các buổi lễ quan trọng của đại hội, bao gồm lễ khai mạc và lễ bế mạc. Các môn như bóng đá, nhảy cầu, cờ vua… sẽ thi đấu trước nên thời gian chính thức của đại hội thể thao khu vực sẽ diễn trong vòng 17 ngày. Ở kỳ đại hội lần này, Việt Nam tham dự với số lượng kỷ lục, 1.104 vận động viên đồng thời cũng nhiều nhất trong số các đoàn của Đông Nam Á.

SEA Games 2003 trở thành cột mốc ý nghĩa cho thể thao Việt Nam. Được đầu tư bài bản cả về công tác xây dựng lực lượng lẫn hạ tầng cơ sở, đoàn thể thao Việt Nam đã xây dựng nền móng vững chắc để sau này luôn giữ vững vị trí trong tốp đầu mỗi kỳ đại hội. SEA Games 2019 được tổ chức tại Philippines, dù không phải là nước chủ nhà song thể thao Việt Nam vẫn khẳng định được sự tiến bộ vượt bậc.

Không chỉ lần đầu tiên vươn lên vị trí thứ nhì trên bảng tổng sắp huy chương ở một kỳ đại hội, thể thao Việt Nam còn mở ra trang sử về thành tích đội tuyển U22 nam và đội tuyển bóng đá nữ đều giành chức vô địch.

Vị trí ổn định ở tốp đầu 2 thập kỷ qua, và trong vai trò chủ nhà SEA Games 31 vô hình trung đã mang đến “gánh nặng” số 1 cho đoàn thể thao Việt Nam, trong bối cảnh chúng ta nghiêm túc thực hiện chủ trương “không đưa nội dung thế mạnh của mình vào thi đấu và đồng thời cắt nội dung thế mạnh của các quốc gia khác”.

Ông Trần Đức Phấn - Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT cho biết: “Hiện nhiều môn thể thao trọng điểm đã đi tập huấn và tham dự các giải đấu quốc tế. Là chủ nhà nên mục tiêu của đoàn thể thao Việt Nam là giành vị trí cao nhất tại SEA Games 31. Việt Nam không chỉ phải tổ chức tốt mà thành tích cũng phải tốt”.

Trước đó tại SEA Games 30 năm 2019, chủ nhà Philippines đã giành 149 Huy chương Vàng và đứng đầu bảng tổng sắp huy chương. Đoàn thể thao Việt Nam tham dự với 856 thành viên, tranh tài ở 43/56 môn, đứng thứ hai với 98 Huy chương Vàng. Đoàn thể thao Thái Lan đứng thứ ba với 92 Huy chương Vàng.

Để hoàn thành tham vọng số 1 SEA Games 31, lãnh đạo ngành thể thao tính toán và đặt chỉ tiêu giành 140 Huy chương Vàng. Nếu đạt được thì đây sẽ là bước nhảy vọt thứ 2 mang tính lịch sử của thể thao Việt Nam, sau SEA Games 2003. Và điều đó càng ý nghĩa hơn khi chúng ta đặc biệt chú trọng đến các môn Olympic và ASIAD.

Được biết, trong cuộc họp với các trưởng bộ môn Tổng cục TDTT để nghe báo cáo về đăng ký số lượng huy chương của từng môn tại SEA Games, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Hoàng Đạo Cương đã không đồng ý với hầu hết chỉ tiêu mà các bộ môn đưa ra và đã yêu cầu các môn phải tăng lên từ 2 - 3 Huy chương Vàng/môn so với dự kiến ban đầu.

Lãnh đạo ngành nhấn mạnh rằng với lợi thế sân nhà mà các đội tuyển không nỗ lực, không cố gắng để giành nhiều hơn số huy chương như kế hoạch ban đầu thì coi như thất bại.

Những môn được giao chỉ tiêu giành ít nhất từ 5 - 7 Huy chương Vàng trở lên như karate, taekwondo, judo, bắn súng, bắn cung, cử tạ, vật, đấu kiếm, quyền anh, thể hình… Riêng đội tuyển bơi vẫn còn đang vướng ẩn số mang tên Ánh Viên.

“Tiểu tiên cá” đã rút khỏi đội tuyển quốc gia từ cuối năm 2021 và hiện chưa có công văn đề nghị được triệu tập Viên trở lại đội tuyển. Với tài năng của mình, Ánh Viên trở thành mũi nhọn chủ lực của thể thao Việt Nam ở một vài kỳ SEA Games gần đây.

Trong đó, Ánh Viên luôn đóng góp ít nhất 50% số Huy chương Vàng của đội tuyển bơi lội Việt Nam. Vậy năm nay, không có Ánh Viên, bơi lội Việt Nam sẽ giành được bao nhiêu Huy chương Vàng?

Điền kinh cũng nhận được sự chú ý rất lớn của giới chuyên môn. Năm 2019 trên đất Philippines, điền kinh Việt Nam thi đấu xuất sắc, giành số 1 đại hội với 16 Huy chương Vàng, 13 Huy chương Bạc và 9 Huy chương Đồng, vượt qua Thái Lan (12 Huy chương Vàng) và chủ nhà Philippines sở hữu dàn vận động viên nhập tịch (11 HCV).

Năm nay, điền kinh Việt Nam dự kiến sẽ dự SEA Games 31 với 70 vận động viên, phấn đấu giữ vững ngôi đầu khu vực và phá kỷ lục của chính mình về số huy chương.

19 năm trước, chủ nhà Việt Nam giành vị trí số 1 toàn đoàn, nhưng riêng môn bóng đá chỉ có các nữ tuyển thủ giành chức vô địch. Đội tuyển U23 quốc gia thua Thái Lan ở chung kết. Niềm vui chiến thắng bởi thế chưa thật trọn vẹn.

Năm nay, lần  2 Việt Nam đăng cai SEA Games, đội tuyển bóng đá nữ và U23 quốc gia được giao chỉ tiêu giành Huy chương Vàng như 3 năm trước ở Philippines. Và nếu những chỉ tiêu như “số 1”, “điền kinh”, “bơi lội” và “bóng đá” thành công, thể thao Việt Nam thực sự chuyển biến cả về chất là lượng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ