Thể thao Việt Nam trắng tay tại Olympic 2020: Kỳ 1: Sự thật trần trụi

GD&TĐ - Đoàn thể thao Việt Nam không giành được tấm huy chương nào tại Olympic Tokyo 2020.

Thạch Kim Tuấn thất bại ở nội dung cử đẩy.
Thạch Kim Tuấn thất bại ở nội dung cử đẩy.

Thành tích “không đạt được kỳ vọng” như lời lãnh đạo ngành thể thao song đây chính là hồi chuông cảnh báo cho cách làm, chiến lược phát triển thể thao của chúng ta đang tồn tại nhiều bất cập.

Lực bất tòng tâm

Thể thao Việt Nam có 18 VĐV đến Nhật Bản. Con số này tiệm cận chỉ tiêu 20 suất đặt ra từ cuối năm 2019, thời điểm chúng ta đang trong men say chiến thắng ở SEA Games 30.

Tuy nhiên, trên thực tế, để đạt con số trên ngành thể thao đã phải đi cả cửa phụ, thông qua những suất mời và vé đặc cách. Điều đó khiến cho mục tiêu có huy chương Olympic Tokyo 2020 của Đoàn thể thao Việt Nam rất mong manh.

Một lần nữa, yếu tố may rủi, sự xuất thần của VĐV trong khoảnh khắc nào đó được chờ đợi để giải bài toán, huy chương ở đâu?

Nhưng điều kỳ diệu đã không đến với Thể thao Việt Nam. Gần như các gương mặt trụ cột, những người có khả năng tranh chấp huy chương đều không thể thắng nổi chính mình tại đấu trường thế giới. Hy vọng mong manh về một cú đột phá mang tính “không tưởng” của VĐV Việt Nam cứ tắt dần qua từng ngày thi đấu.

Hoàng Xuân Vinh đến Tokyo trong vị thế đương kim vô địch Olympic nội dung 10m súng ngắn hơi nam. Nhưng xạ thủ Việt Nam chỉ đạt 573 điểm sau 60 viên đạn, đứng thứ 22 vòng loại, kém 5 điểm so với vị trí thứ tám của Mikec Damir, người cuối cùng giành vé dự chung kết.

“Tôi rất tiếc. Tôi đã nỗ lực hết sức nhưng kết quả không được như mong muốn. Các đối thủ hôm nay đều rất mạnh. Bắt đầu từ loạt thứ tư, tôi bị căng cứng, nên không thể giữ được phong độ” - Hoàng Xuân Vinh chia sẻ.

Tại Olympic Rio 2016, Xuân Vinh đạt 581 điểm ở vòng loại. Anh sau đó trở thành VĐV Việt Nam đầu tiên giành HCV Thế vận hội khi vượt qua Felipe Almeida Wu ở viên đạn cuối với 10,7 điểm.

Nhưng sau khoảnh khắc thăng hoa trên đất Brazil, phong độ của nhà vô địch Olympic xuống dốc không phanh. Xạ thủ 45 tuổi từ vị trí số một, rơi xuống thứ 38 trên bảng điểm của Liên đoàn Bắn súng Thế giới. Xuân Vinh không vượt qua vòng loại, nhưng được dự Olympic Tokyo nhờ vé mời.

“Cô gái thép” Ánh Viên về cuối vòng loại ở cả 2 nội dung tại Nhật Bản.

“Cô gái thép” Ánh Viên về cuối vòng loại ở cả 2 nội dung tại Nhật Bản.

Trong hành trình đến Olympic 2020, Ánh Viên vẫn tập trung cho hai nội dung thế mạnh của cô là 200m hỗn hợp cá nhân và 400m hỗn hợp cá nhân. Tuy nhiên, “cô gái thép” đã thất bại trong việc tìm chuẩn A. Sau đó, Ánh Viên may mắn có vé đến Nhật Bản nhờ suất dành cho VĐV đạt chuẩn B ở hai nội dung 200m tự do và 800m tự do.

Tại vòng loại nội dung 800m tự do nữ, kình ngư Việt Nam cán đích với thành tích 9 phút 03 giây 56, đứng cuối cùng trong số 7 kình ngư tham dự. Thành tích này thua xa chuẩn B mà cô đạt được ở SEA Games 2019 (8 phút 48 giây 65).

Trước đó, Ánh Viên cũng về sau cùng nội dung 200m tự do. Cũng dễ hiểu khi Ánh Viên đã không giữ được phong độ đỉnh cao như những năm qua và đến Olympic năm nay cũng chỉ với suất “vé mời”.

Đội tuyển cử tạ được kỳ vọng sẽ gánh vác trọng trách huy chương cho thể thao Việt Nam. Nhưng niềm hy vọng huy chương số 1 - lực sĩ cử tạ Thạch Kim Tuấn thất bại nặng nề. Kết thúc nội dung thi đấu hạng 61kg nam, Thạch Kim Tuấn không được công nhận thành tích tổng cử.

Anh chỉ thực hiện thành công phần cử giật với 126kg. Cả ba lần cử đẩy Tuấn đều thất bại. Trong khi đó,  Li Fabin (Trung Quốc) giành HCV với thành tích tổng cử là 313kg, HCB thuộc về Eko Yuli (Indonesia) với 302kg, HCĐ thuộc về Son Igor (Kazakhstan) với thành tích 294kg.

Trước khi Thạch Kim Tuấn bước vào thi đấu, giới chuyên môn đánh giá anh cần đạt tổng cử 298kg là có HCĐ. Đô cử Việt Nam từng đạt tổng cử đến 304kg tại SEA Games 2019.

Theo ông Đỗ Đình Kháng - Tổng Thư ký Liên đoàn Cử tạ Việt Nam: Nguyên nhân chính là do tâm lý thi đấu của Tuấn chưa tốt. Nếu Tuấn tự tin, thể hiện được những gì mình có thì cơ hội huy chương của Tuấn chắc chắn trở thành hiện thực.

Sau Tuấn, niềm hy vọng cuối cùng của cử tạ Việt Nam tại Olympic Tokyo - lực sĩ Hoàng Thị Duyên cũng không thành công. Với tổng cử 208kg, Duyên chỉ đứng vị trí thứ 5.

“Tôi gửi lời xin lỗi tới người hâm mộ đã theo dõi, ủng hộ cử tạ suốt thời gian qua. Thầy trò tôi rất buồn vì kết quả thi đấu không được như mong muốn dù đã cố gắng hết sức. Đối thủ của Duyên rất mạnh, họ được đầu tư bài bản.

Đây sẽ là bài học để thầy trò tôi rút kinh nghiệm cho Olympic Paris vào năm 2024” – HLV Lưu Văn Thắng của đội tuyển cử tạ Việt Nam chia sẻ.

Mặc dù, những gương mặt chủ lực không giành được huy chương, song nỗ lực của các tuyển thủ vẫn để lại dấu ấn ở đấu trường tầm thế giới. Nguyễn Thị Thùy Linh (cầu lông) giành 2 chiến thắng và xếp nhì vòng bảng, sau tay vợt số một thế giới, Tai Tzu-ying của Trung Hoa Đài Bắc.

Võ sĩ boxing Nguyễn Văn Đương vào vòng 1/8 hạng dưới 57kg. Kình ngư Nguyễn Huy Hoàng giữ được thành tích đạt chuẩn Olympic (xếp hạng 20/33 nội dung 800m và 12/28 nội dung 1.500m).

Quách Thị Lan trở thành VĐV Việt Nam đầu tiên trong lịch sử giành quyền vào bán kết môn điền kinh Olympic. Rowing (Lường Thị Thảo và Đinh Thị Hảo) đạt thành tích tốt nhất trong 3 lần tham dự Olympic.

Như vậy, tại đấu trường thể thao lớn nhất hành tinh, mặc dù quyết tâm, tinh thần thi đấu có thừa song nói chung, trình độ của các tuyển thủ Việt Nam tại Nhật Bản chưa đạt tầm thế giới.

Những con số “biết nói”

Quách Thị Lan tranh tài tại bán kết 400m vượt rào nữ Olympic Tokyo 2020.

Quách Thị Lan tranh tài tại bán kết 400m vượt rào nữ Olympic Tokyo 2020.

Kết thúc các kỳ SEA Games gần đây, thể thao Việt Nam luôn duy trì vị trí trong top 3 quốc gia đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt, trong các báo cáo về thành tích huy chương, ngành thể thao luôn nhấn mạnh tỷ lệ môn Olympic có huy chương đạt kết quả ngày càng cao.

Gần đây nhất tại SEA Games 2019, đoàn thể thao Việt Nam giành ngôi nhì bảng (98 HCV, 86 HCB, 105 HCĐ), kèm theo rất nhiều kỷ lục ở đại hội; vượt qua Thái Lan (92 HCV, 103 HCB, 123 HCĐ). Chúng ta chỉ xếp sau chủ nhà Philippines (149 HCV, 117 HCB, 121 HCĐ).

Đáng chú ý, điền kinh Việt Nam một lần nữa khẳng định vị trí số 1 Đông Nam Á, xếp nhất toàn đoàn (16 HCV, 12 HCB và 10 HCĐ). Người Thái chỉ về thứ 2 (12 HCV, 11 HCB và 12 HCĐ).

Malaysia và Indonesia đứng thứ 4 và 5 với cùng 5 HCV. Singapore vỏn vẹn có 3 HCĐ. Bơi lội Việt Nam xếp thứ hai toàn đoàn tại SEA Games 30 (10 HCV, 6 HCB 9 HCĐ), chỉ đứng sau Singapore.

Những con số thống kê ấy mang lại sự chắc chắn nhất định về việc thể thao Việt Nam đang đi đúng hướng và được mang ra làm minh chứng cho hiệu quả chiến lược đầu tư hướng tới đấu trường Olympic.

Thế nhưng, ngay trước khi Olympic Tokyo 2020 khởi tranh, vẫn là những con số thống kê tưởng chừng như khô khan song chúng lại chỉ ra nhiều sự thật.

Theo đó, trong cuộc chơi tầm thế giới, thể thao Việt Nam chỉ đứng ở vị trí hết sức khiêm tốn so với chính “vùng trũng” Đông Nam Á. Với 18 suất đến Nhật Bản, số VĐV dự tranh của Việt Nam thấp nhất trong các quốc gia tốp đầu ở Đông Nam Á. Thái Lan khẳng định vị trí số 1 với 42 VĐV.

Các vị trí tiếp theo thuộc về Malaysia (30), Indonesia (28), Singapore (23), Philippines (19) rồi mới tới Việt Nam (18), Lào (4), Campuchia (3)… Quân số dự Olympic của Thái Lan có thể cao hơn nếu cử tạ nước này không bị cấm.

Bên cạnh đó, tính đến hết ngày 4/8, có 4 quốc gia của Đông Nam Á giành huy chương Thế vận hội Tokyo 2020. Cụ thể, những người giành được HCV là võ sĩ Taekwondo -   Wongpattanakit (Thái Lan) hạng cân 49kg nữ; lực sĩ cử tạ Hidilyn Diaz (Philippines) hạng cân 55kg nữ; Rahayu Apriyani và Polii Greysia (Indonesia) HCV nội dung cầu lông đôi nữ.

Ngoài ra, đất nước xứ Vạn đảo còn có 3 huy chương, 1 HCB và 2 HCĐ, đều đến ở môn cử tạ. Malaysia đã sở hữu 1 HCĐ ở nội dung đôi nam môn cầu lông.

Lực sĩ Hidilyn Diaz nhận được khoản thưởng kỷ lục, 660.000 USD sau khi trở thành VĐV đầu tiên giành HCV cho Philippines kể từ khi tham dự Olympic năm 1924. Chiến công của Hidilyn Diaz nhận được lời chúc mừng của nhiều lãnh đạo, quan chức cũng như người dân Philippines.

Sau 5 năm, cô đã đổi màu huy chương thành công. Tại Olympic Rio 2016, Diaz giành HCB hạng dưới 53 kg nữ. Ngoài ra, tại Nhật Bản năm nay Philippines chắc chắn có thêm ít nhất 1 HCB và 1 HCĐ ở môn boxing. Võ sĩ Nesthy Petecio vào đến chung kết hạng cân 54 - 57kg nữ và võ sĩ Eumir Marcial cũng đã vào bán kết hạng 70 - 73kg nam.

Trong lịch sử tham dự Olympic từ năm 1924 đến nay (tính đến ngày 4/8 tại Olympic Tokyo 2020), Indonesia đang đứng đầu khu vực Đông Nam Á về số lượng huy chương. Đất nước Vạn đảo giành 36 huy chương, 8 HCV (đều đến từ môn cầu lông), 14 HCB và 14 HCĐ.

Chiến tích của Panipak Wongpattanakit là HCV đầu tiên của Thái Lan ở môn taekwondo tại Thế vận hội, qua đó giúp thể thao xứ chùa Vàng nâng tổng số huy chương đoạt được lên con số 34, với 10 HCV, 8 HCB và 16 HCĐ.

Malaysia đứng thứ 3 với tổng số 12 huy chương, 7 HCB và 5 HCĐ. Philippines đã giành được 1 HCV, 3 HCB và 7 HCĐ. Số huy chương của quốc gia này sẽ còn tăng lên, như đã đề cập ở trên sau khi Olympic Tokyo khép lại. Việt Nam đoạt 1 HCV, 3 HCB, 1 HCĐ…

Phát biểu với truyền thông Việt Nam vào thời điểm Olympic Tokyo đang diễn ra,  ông Trần Đức Phấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại Nhật Bản cho biết: Những kết quả thi đấu chưa thành công, dù không muốn nói là do ảnh hưởng của Covid-19, song không thể phủ nhận suốt gần 2 năm qua, kế hoạch tập huấn, thi đấu của các đội bị đảo lộn.

Các VĐV không được đi tập huấn, đặc biệt không được tham gia thi đấu quốc tế, đây là những yếu tố mang tính quyết định làm giảm sút về chuyên môn. Thành tích một số môn như Taekwondo, Cử tạ, Thể dục dụng cụ, Bắn cung, Judo không đạt được kỳ vọng.

Thực tế, thể thao Việt Nam trắng tay tại Olympic Tokyo 2020 không có gì bất ngờ khi việc đầu tư, xây dựng lực lượng đang bộc lộ nhiều hạn chế. Căn bệnh thành tích và tư duy “ao làng” của một số bộ phận khiến cho chúng ta đang đi giật lùi so với chính các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.

Theo ông Trần Đức Phấn, 18 suất tham dự Olympic 2020 đã phản ánh đúng tương quan về trình độ của thể thao Việt Nam tại Thế vận hội. Điều này cho thấy khoảng cách trình độ giữa thể thao Việt Nam và đấu trường Thế vận hội vẫn còn xa.
Được biết, sau Olympic, Tổng cục TDTT sẽ tổng kết rút kinh nghiệm, báo cáo và đề xuất với lãnh đạo Bộ VH,TT&DL để giải quyết được bài toán đầu tư để làm sao có thể tranh chấp tại các đấu trường lớn như ASIAD hay giành huy chương Olympic.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.