Lễ khai mạc, bế mạc SEA Games 31 tại Mỹ Đình sẽ chống dịch Covid-19 thế nào?

GD&TĐ - Để đảm bảo tổ chức thành công lễ khai mạc, lễ bế mạc Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games) lần thứ 31, ba phương án phòng, chống dịch Covid-19 được đặt ra.

Sân vận động quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội) trong buổi khai mạc SEA Games 22 năm 2003. Ảnh: Internet.
Sân vận động quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội) trong buổi khai mạc SEA Games 22 năm 2003. Ảnh: Internet.

Theo thông tin mới nhất của Ban tổ chức Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games) lần thứ 31, lễ khai mạc sự kiện sẽ diễn ra vào 20 giờ ngày 12/5, tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội).

Theo kế hoạch của UBND Thành phố Hà Nội, lễ bế mạc SEA Games 31 sẽ diễn ra vào 20 giờ ngày 23/5, tại Cung Điền kinh Hà Nội và được truyền hình trực tiếp trên Đài truyền hình Việt Nam.

Để đảm bảo tổ chức thành công lễ khai mạc, lễ bế mạc, 3 phương án phòng, chống dịch Covid-19 được đặt ra.

Cụ thể, phương án thứ nhất được xây dựng trong điều kiện thành phố đang ở dịch bệnh cấp độ 1. Lễ khai mạc và bế mạc vẫn được tổ chức trong trạng thái bình thường, song vẫn đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

Phương án thứ hai được xây dựng trong điều kiện thành phố đang ở dịch bệnh cấp độ 2, cấp độ 3. Lễ khai mạc và bế mạc được tổ chức có khán giả. Tuy vậy, lượng khán giả sẽ không quá 50% cơ số ghế của sân vận động quốc gia Mỹ Đình và Cung điền kinh trong nhà Hà Nội.

Đối với các quan chức, trọng tài, huấn luyện viên, VĐV các nước vẫn thực hiện “trong cơ chế bong bóng khép kín” hoặc theo phương án của Tiểu ban Y tế và Kiểm tra Doping.

Đối với các quan chức, đại biểu, lực lượng phục vụ, khán giả đến tham dự lễ khai mạc, bế mạc phải đảm bảo các điều kiện đã tiêm đủ 3 mũi vắc xin (mũi 3 đã qua 14 ngày), có kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính trong thời hạn 24 giờ, thực hiện 5K (phát bổ sung khẩu trang y tế cho khán giả).

Phương án đón khán giả của Ban tổ chức bao gồm việc tháo bớt ghế ngồi các khán đài trên sân vận động, cung điền kinh đảm bảo giãn cách; kiểm tra thân nhiệt của khán giả, bố trí nước sát khuẩn nhanh tại các khu vực kiểm soát cửa ra vào sân vận động quốc gia Mỹ Đình và cung điền kinh trong nhà Hà Nội; thông báo trên vé về thời gian đón khán giả theo các khung giờ: 15 giờ, 16 giờ, 17 giờ…; bố trí các điểm quét QR “PC-Covid”; phương án giao thông, tuyến vào và tuyến ra sau khi kết thúc chương trình… đảm bảo an toàn Covid-19 theo các phương án của Tiểu ban Y tế và Kiểm tra Doping.

Phương án thứ ba được xây dựng trong điều kiện Thành phố dịch bệnh cấp độ 4. Theo đó, lễ khai mạc, bế mạc sẽ được tổ chức “trong cơ chế bong bóng khép kín”. Kịch bản, phương án các tình huống diễn biến dịch bệnh sẽ do Bộ Y tế, Sở Y tế thành phố Hà Nội và Tiểu ban Y tế và Kiểm tra Doping phối hợp xây dựng cụ thể, báo cáo Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức SEA Games 31 phê duyệt.

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội là đơn vị thường trực tổ chức lễ khai mạc, bế mạc SEA Games 31; đầu mối liên hệ với Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức SEA Games 31, các cơ quan liên quan của Trung ương tiếp nhận thông tin, tổng hợp, đề xuất giải quyết các nhiệm vụ được phân công…; chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu đề xuất thực hiện các nhiệm vụ của thành phố Hà Nội theo kịch bản chi tiết tổ chức lễ khai mạc, bế mạc và các hoạt động nghi lễ, khánh tiết, văn hóa, nghệ thuật phục vụ lễ khai mạc, bế mạc SEA Games 31; tuyên truyền bằng pa nô, khẩu hiệu, băng rôn… trên các tuyến phố chính, quanh khu vực diễn ra lễ khai mạc, bế mạc SEA Games 31…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.