Vùng tâm dịch chia sẻ kinh nghiệm mở cửa trường học

GD&TĐ - Từng là tâm dịch, nhưng Bắc Giang vẫn thực hiện mở cửa trường học trở lại một cách an toàn. Đến 18/1/2022, mặc dù F0 vẫn còn nhiều và phát sinh hàng ngày, tỉnh  này vẫn có 543 trường tổ chức dạy học trực tiếp.

Ông Mai Sơn – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang - phát biểu tại hội thảo.
Ông Mai Sơn – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang - phát biểu tại hội thảo.

Kiên trì, quyết liệt thực hiện mục tiêu kép

Dịch Covid bùng phát từ cuối năm 2019, đến nay hơn 2 năm. Năm học 2021-2022 là năm thứ 3 đặc biệt khó khăn với toàn ngành Giáo dục nói chung, với giáo dục Bắc Giang nói riêng, bởi diễn ra trong bối cảnh cả nước căng mình chống dịch Covid-19.

Chia sẻ tại Hội thảo trực tuyến toàn quốc về tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong các cơ sở giáo dục sáng 19/1, ông Mai Sơn – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang – cho biết: Tỉnh Bắc Giang trở thành tâm dịch từ tháng 5/2021, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống, trong đó có ngành Giáo dục.

Theo đó, học sinh các cấp học phải tạm dừng đến trường để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch và thực hiện giãn cách xã hội. Có thời điểm tháng 5/2021 có 372/760 cơ sở giáo dục Bắc Giang được trưng dụng làm khu cách ly, hầu hết các trường mầm non, tiểu học trở thành khu cách ly. Hàng trăm học sinh và cán bộ giáo viên thuộc diện F0; gần 9000 học sinh và giáo viên thuộc diện F1; gần 20 ngàn học sinh và giáo viên thuộc diện F2 phải cách ly y tế.

Cao điểm nhất ngày 10/1/2022, toàn tỉnh có 456 học sinh F0, và đến ngày 18/1/2022 vẫn còn 362 học sinh và 22 giáo viên F0. 

Nhiều hoạt động giáo dục phải tạm dừng, hoãn lại, không tổ chức, hoặc giảm quy mô, thay đổi hình thức. Từ đầu tháng 7 đến đầu tháng 8, ngành Giáo dục tổ chức liên tiếp 3 kỳ thi lớn (thi tốt nghiệp THPT 2 đợt, thi tuyển sinh vào lớp 10), song song việc chuẩn bị tổng kết năm học 2020-2021, khai giảng năm học mới 2021-2022...

Hầu hết cán bộ, giáo viên, nhân viên của ngành Giáo dục đều tham gia các mặt trận phòng, chống dịch tại địa phương; nhiều người trực tiếp ở tuyến đầu chống dịch, chăm sóc bệnh nhân trong khu cách ly, hỗ trợ ngành Y tế, công an, quân đội...

Đây là thử thách rất lớn với ngành Giáo dục khi phải làm sao vừa duy trì tổ chức các hoạt động giáo dục vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch để thực hiện “mục tiêu kép”, hoàn thành nhiệm vụ năm học.

Trong bối cảnh này, theo ông Mai Sơn, UBND tỉnh chỉ đạo ngành Giáo dục chủ động linh hoạt, thích ứng an toàn, kiên trì “mục tiêu kép” theo Nghị quyết 128 của Chính phủ. Quán triệt rõ phương châm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: “khó khăn gấp đôi thì nỗ lực gấp ba”, của Bộ GD&ĐT: “tạm dừng đến trường, song không dừng việc học”; đồng thời không thể đóng cửa trường học; phải kiên trì thực hiện “mục tiêu kép”, dù trong bất cứ tình huống nào cũng phải mở cửa trường học, duy trì hoạt động giáo dục an toàn và nâng cao chất lượng giáo dục.

Khẩn trương chuyển trạng thái nhanh, ứng phó kịp thời: UBND tỉnh chỉ đạo ngành Giáo dục nhanh chóng chuyển trạng thái, chủ động, linh hoạt, tổ chức đa dạng các hình thức tổ chức dạy học để bảo đảm nội dung, chương trình.

Thứ nhất: Chỉ đạo ngành Giáo dục xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bám sát các hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo về công tác phòng dịch trong nhà trường, triển khai Sổ tay an toàn Covid-19,.. để tạo môi trường an toàn cho học sinh, giáo viên.

Thứ hai: Khi phát hiện các ca F0 ở một số khu vực, nhất là khi xuất hiện ca lây nhiễm trong trường học, UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố, ngành Giáo dục và ngành y tế khẩn trương khoanh vùng, thần tốc truy vết, xét nghiệm, cách ly, dập dịch, trong đó giao thời hạn cho các địa phương, nhất là người đứng đầu phải quyết tâm chỉ đạo hoàn thành dập dịch trong thời gian sớm nhất (khoảng 1 tuần đến 10 ngày). (Đặc biệt, tỉnh đã chỉ đạo khoanh vùng ở diện hẹp song vẫn bảo đảm an toàn: Nếu lớp có F0 thì cho lớp đó tạm dừng đến trường, chuyển học trực tuyến, các lớp khác vẫn có thể tổ chức dạy học trực tiếp hoặc kết hợp trực tuyến nếu bảo đảm an toàn).

Thứ ba: Chỉ đạo ngành Y tế khẩn trương, thần tốc tiêm phòng vacxin cho các đối tượng đủ điều kiện, nhất là công nhân ở các khu công nghiệp và giáo viên, học sinh để bảo đảm an toàn khi khôi phục các hoạt động phát triển kinh tế và mở cửa trường học. Hiện nay, toàn tỉnh có 97,72% giáo viên đã tiêm mũi 2; có 75,79% giáo viên đã tiêm mũi 3; còn khoảng 2% chưa tiêm được vì lý do sức khỏe. Đối với học sinh: đã có 98,87% từ 12-17 tuổi tiêm mũi 1; 86,13% đã tiêm mũi 2; còn khoảng 1% chưa tiêm.

Đồng thời đề nghị các địa phương phải chủ động bố trí các khu cách ly, hạn chế tối đa trưng dụng trường học làm khu cách ly để trả trường học cho ngành Giáo dục. Hiện tỉnh Bắc Giang chỉ còn 1 trường mầm non vẫn trưng dụng làm khu cách ly (Mầm non Vân Hà), còn tất cả các trường học đều mở cửa trường, khôi phục các hoạt động giáo dục.

Thứ tư: Thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, UBND tỉnh đã xây dựng Kế hoạch số 5548/KH-UBND ngày 22/10/2021 Kế hoạch thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, trong đó yêu cầu các địa phương, các ngành, trong đó có ngành Giáo dục xây dựng Kế hoạch thích ứng an toàn, linh hoạt, ứng phó với dịch để duy trì hiệu quả hoạt động giáo dục. Từng nhà trường xây dựng 3 kịch bản, 3 phương án tổ chức dạy học, để sẵn sàng, chủ động trước mọi tình huống của dịch, ứng phó với mọi cấp độ dịch:

Phương án 1: Dạy học trực tiếp khi dịch được kiểm soát tốt. Phương án 2: Dạy học kết hợp trực tiếp và trực tuyến: Khi có học sinh và giáo viên không thể đến trường. Phương án 3: Dạy học hoàn toàn trực tuyến khi học sinh hoặc giáo viên không thể đến trường.

Tức là khi dịch bệnh được kiểm soát thì ưu tiên việc tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh (tận dụng thời gian vàng), đồng thời thực hiện tinh giảm chương trình, lựa chọn các nội dung cốt lõi theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT. Khi dịch bùng phát, chuyển sang trạng thái dạy học trực tuyến và kết hợp.

Hội thảo tại đầu cầu Bắc Giang.
Hội thảo tại đầu cầu Bắc Giang.

Bài học kinh nghiệm quý

Để duy trì hoạt động giáo dục trong bối cảnh “sống chung an toàn” với dịch Covid-19 hiện nay theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, từ thực tiễn chỉ đạo 2 năm qua, Bắc Giang rút ra một số bài học kinh nghiệm như:

Các cơ sở giáo dục phải quán triệt thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh; tuyệt đối không lơ là, chủ quan; chủ động ngăn ngừa dịch bệnh Covid-19 xâm nhập vào các cơ sở giáo dục.

Vì muốn mở cửa trường học, để bảo đảm an toàn cho học sinh và cán bộ, giáo viên, thì phải xây dựng môi trường học đường tuyệt đối an toàn. Từng cơ sở giáo dục phải thường xuyên rà soát, củng cố, cập nhật, bổ sung phương án phòng, chống dịch, các kịch bản, phương án tổ chức dạy học phù hợp với từng thời điểm để tổ chức hiệu quả các hoạt động giáo dục, nhằm ứng phó với các cấp độ dịch, để bất cứ lúc nào cũng có thể “kích hoạt”, ứng phó, không bị động.

Phải kiểm soát tốt việc phòng dịch tại trường học; quản lý y tế chặt chẽ đối với khách, phụ huynh học sinh đến làm việc, dạy học, giao dịch, đưa đón học sinh (như khai báo y tế, quét mã QR-Code). Các nhà trường xây dựng kế hoạch, chủ động tổ chức xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên, định kỳ theo quy định cho cán bộ, giáo viên, người lao động, học sinh trong nhà trường.

Hiện Bắc Giang chỉ đạo, riêng đối với khách đến làm việc, giao dịch, liên hệ công tác, dạy học tại cơ sở giáo dục phải trình giấy xét nghiệm kết quả Âm tính với  SARS-COV-2 (còn thời hạn) trước khi làm việc.  

Chỉ đạo Sở GD&ĐT và UBND các huyện, thành phố thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc, chấn chỉnh công tác phòng, chống dịch tại các địa phương; xử lý nghiêm các trường học vi phạm lơ là, chủ quan. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống dịch tại đơn vị.

Tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, các cơ sở giáo dục và nhân dân về công tác phòng, chống dịch nói chung và hoạt động phòng chống dịch, các hình thức, phương án tổ chức dạy học trong nhà trường để nhân dân, nhất là phụ huynh học sinh nâng cao nhận thức, thực hiện tốt biện pháp phòng chống dịch, đồng thuận với ngành Giáo dục, hỗ trợ ngành trong tổ chức các hoạt động giáo dục, nhất là việc dạy học trực tuyến. Hình thức: phải đa dạng, phong phú, sáng tạo; nội dung tuyên truyền: phải linh hoạt, bám sát tình hình dịch ở từng thời điểm, từng địa bàn.

Thực hiện chiến dịch thần tốc tiêm phòng vacxin cho các đối tượng theo Nghị quyết 128 của Chính phủ, ưu tiên cho cán bộ, giáo viên và học sinh trong độ tuổi. Phấn đấu khẩn trương hoàn thành tiêm phòng mũi 3 cho giáo viên, tiêm mũi 2 cho học sinh trong độ tuổi đủ điều kiện; tiêm vét mũi 1, mũi 2 cho số giáo viên, học sinh còn lại để đạt tỷ lệ bao phủ vac xin cao nhất.

Chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục vì đây là xu hướng tất yếu của thế giới, nhất là trong bối cảnh dịch hiện nay - bài toán lớn các cấp, các ngành đang nỗ lực chỉ đạo.

Tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp công nghệ để sẵn sàng tổ chức dạy học trực tuyến ứng phó với tình hình dịch Covid-19; đầu tư, bổ sung phòng học trực tuyến, các thiết bị cần thiết để tổ chức dạy học trực tuyến và kết hợp.

Chỉ đạo ngành Giáo dục tăng cường tập huấn, bồi dưỡng giáo viên về nghiệp vụ, kỹ năng, phương pháp, cách thức tổ chức dạy học trực tuyến (với các tình huống xảy ra); hướng dẫn học sinh phương pháp học tập trực tuyến an toàn, hiệu quả; khai thác học liệu để chủ động cập nhật kiến thức. Từng bước xây dựng kho học liệu điện tử để chủ động, sẵn sàng trước mọi tình huống của dịch bệnh, bảo đảm hoàn thành nội dung, chương trình và phù hợp với xu thế chuyển đổi số trong giáo dục hiện nay.

Mặt khác, tiếp tục chỉ đạo huy động mọi nguồn lực triển khai chương trình “Sóng và máy tính cho em”, kêu gọi các doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ thiết bị cho các em khó khăn có thiết bị học tập. UBND tỉnh giao từng huyện, thành phố chủ động xây dựng kho thiết bị dùng chung đảm bảo học sinh có đủ thiết bị khi cần thiết. Hiện nay, toàn tỉnh đã huy động được 1.484.679.000 đồng và 1.141 thiết bị (bao gồm 743 điện thoại thông minh, 153 máy tính bảng, 130 máy tính xách tay 115 máy tính bàn).

Ngoài ra, chỉ đạo các đơn vị viễn thông trên địa bàn tỉnh vào cuộc cùng ngành Giáo dục, phối hợp nâng cấp đường truyền băng thông rộng, hỗ trợ phát sóng để ngành Giáo dục có thể tổ chức hoạt động giáo dục trực tuyến trong toàn tỉnh.

Thời gian vàng của Bắc Giang từ tháng 9 đến 26/10/2021, các cơ sở giáo dục tổ chức học trực tiếp. Ngày 27/10/2021 dịch bùng phát tại Thượng Lan (Việt Yên), sau đó lan nhanh ở nhiều địa phương, toàn ngành nhanh chóng chuyển trạng thái sang tổ chức dạy học trực tuyến.

Đến ngày 18/1/2022, mặc dù số lượng F0 vẫn còn nhiều và phát sinh hàng ngày (362 học sinh và 22 giáo viên F0), nhưng do triển khai thích ứng linh hoạt, nên toàn tỉnh có 543 trường tổ chức dạy học trực tiếp, chỉ còn 17 trường tổ chức dạy học trực tuyến và 189 trường tổ chức dạy học kết hợp. Còn 11 trường mầm non cho trẻ nghỉ học.

Với cách làm sáng tạo này, trong tình huống nào ngành Giáo dục vẫn có thể duy trì hoạt động dạy học, không bị gián đoạn, ứng phó với dịch trong mọi tình huống. Bắc Giang là một trong số ít tỉnh không phải điều chỉnh thời gian năm học 2020-2021, hoàn thành nội dung chương trình và chất lượng giáo dục. Các hoạt động chuẩn bị đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông vẫn đúng tiến độ, chất lượng giáo dục được duy trì.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ