Vùng dịch Covid-19 liên quan đến ô nhiễm không khí

Vùng dịch Covid-19 liên quan đến ô nhiễm không khí

Buổi tọa đàm do Tổ chức Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live and Learn) phối hợp cùng Đại sứ quán Hoa Kỳ tổ chức mới đây.

Việt Nam nằm trong tốp các nước không khí ô nhiễm

Việt Nam hiện nằm trong tốp 10 nước có không khí ô nhiễm nhất châu Á. Trong những ngày thực hiện cách ly xã hội, tuy chất lượng không khí có những thời điểm đã được cải thiện đáng kể, nhưng theo Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) ô nhiễm bụi mịn vẫn vượt ngưỡng trung bình tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM, đặc biệt là những ngày gần đây, khi nhiều phương tiện và người dân đã bắt đầu ra đường đông hơn.

Bà Đỗ Vân Nguyệt, Giám đốc Live and Learn cho biết, theo số liệu từ ngày 1/1 - 10/4, do tổ chức này thực hiện tại 6 trạm trên toàn quốc, về cơ bản nồng độ bụi mịn có xu hướng giảm, chất lượng không khí tốt hơn. 

Nồng độ CO2 từ nửa cuối tháng 3 đến đầu tháng 4 cũng có xu hướng giảm. Trong giai đoạn giãn cách xã hội, ô nhiễm không khí chỉ giảm trên một số vùng. Nhưng một số vùng lại có xu hướng tăng cao.

TS Nguyễn Thị Nhật Thanh, Đại học Quốc gia Hà Nội chỉ ra diễn biến mật độ NO2 trong thời gian dịch Covid-19 trên toàn quốc. So sánh giai đoạn 4 tháng đầu năm của 2019 và 2020, nhóm nghiên cứu nhận thấy mật độ NO2 xu hướng giảm tại Đông Bắc Bộ, Tây Bắc Bộ, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ. 

Tuy nhiên, con số này lại tăng 2% tại Tây Nguyên và 5% tại Đồng bằng sông Cửu Long. Khảo sát riêng tại TPHCM, mật độ NO2 giai đoạn 1-22/4 giảm 14,81% so với cùng kỳ năm 2019; và giảm 13,14% so với tháng 3/2020. Trong đó, càng xa trung tâm, mật độ NO2 càng giảm.

Lý giải nguyên nhân chọn NO2 làm chất ô nhiễm chính để nghiên cứu, chuyên gia cho rằng đây là chất tác động lớn đến sức khỏe và có nguồn phát thải chính từ giao thông, các hoạt động công nghiệp. 

Chuyên gia lưu ý thêm dữ liệu vệ tinh từ Đồng bằng sông Hồng và khu vực Đông Bắc khá hạn chế do khí hậu đặc trưng nhiều mây, mưa. Còn Nam Trung Bộ và Nam Bộ có điều kiện khí hậu lý tưởng để quan sát từ vệ tinh nên TPHCM được chọn làm đối tượng thống kê riêng.

Ổ Covid-19 ở những nơi ô nhiễm không khí?

TS Nguyễn Thị Trang Nhung, Trường Đại học Y tế Công cộng, đặt ra giả thuyết về việc ô nhiễm không khí làm giảm chức năng miễn dịch của hệ hô hấp, khiến con người dễ mắc Covid-19 và có tỷ lệ tử vong cao hơn. 

“Có Covid-19 nên ô nhiễm không khí giảm (do cách ly xã hội) hay vì ô nhiễm không khí nên khả năng mắc Covid-19 sẽ cao hơn?”, TS Nhung đặt câu hỏi. 

Theo kết quả khảo sát, đo đạc các nguồn phát thải do Trung tâm Nghiên cứu ô nhiễm không khí thực hiện, ô nhiễm không khí tại TPHCM đến từ 3 nguồn chính: Nguồn giao thông chiếm khoảng 50%, nguồn điện (hoạt động từ các hộ gia đình, nhà hàng, quán ăn, nông nghiệp, công trình xây dựng...) chiếm khoảng 30%, còn lại là nguồn điểm (hoạt động công nghiệp, bệnh viện, khách sạn). Trong đó, nguồn giao thông, xe máy được coi là “thủ phạm” chính gây ô nhiễm môi trường không khí. Tỷ lệ này được nhận định có thể áp dụng tương ứng với Thủ đô Hà Nội và hầu hết các thành phố lớn trên thế giới.

Dẫn lại nhiều nghiên cứu quốc tế, bà Nhung chỉ ra rằng tâm dịch của châu Á và châu Âu đều xuất phát từ những khu vực ô nhiễm cao như Vũ Hán (ô nhiễm NO2 cao) hay Lombardy (thủ phủ công nghiệp của Italy). Hoặc Iran và Ấn Độ, 2 nước chịu sự tàn phá nặng nề của Covid-19 cũng được điểm danh trong tốp 10 nước ô nhiễm không khí trên thế giới.

Cụ thể hơn, TS Nhung dẫn một nghiên cứu mới công bố phân tích số ca tử vong của Italy theo nơi ở cho thấy tỷ lệ tử vong 83% xảy ra ở vùng có nồng độ NO2 trên 100 µmol/m2. Con số này ở nơi có NO2 dưới 50 µmol/m2 chỉ là 1,5%. Một loạt các nghiên cứu mới công bố khác cũng chỉ ra mối quan hệ định tính giữa vùng có nồng độ ô nhiễm cao và số ca nhiễm được phát hiện tại Trung Quốc, Mỹ, Anh.

Một nghiên cứu mới đây được đăng trên Tạp chí Environmental Pollution chỉ ra rằng, giữa đại dịch và ô nhiễm không khí có một mối quan hệ hỗ trợ lẫn nhau. 

Ô nhiễm khiến hệ miễn dịch của chúng ta dần yếu đi và phổi sẽ bị tổn thương nặng. Sau đó, virus SARS-CoV-2 sẽ tấn công vào cơ thể dễ dàng hơn và phát triển nhanh chóng. Bên cạnh đó, với các bệnh nhân mắc Covid-19, ô nhiễm không khí chính là mối đe dọa lớn nhất đến tính mạng của họ. Từ đó, các chuyên gia đã đưa ra kết luận: “Ô nhiễm không khí sẽ tăng nguy cơ tử vong khi bị mắc Covid-19”.

Để có sức đề kháng tốt chống lại các bệnh liên quan đến hô hấp, TS Nguyễn Thị Trang Nhung cho rằng, ngoài việc cung cấp cho cơ thể đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết, dành thời gian vận động và tập luyện thể thao, cũng cần lưu ý giữ cho hệ hô hấp luôn được khỏe mạnh; hạn chế tiếp xúc với không khí ô nhiễm, khói xe, bụi mịn hay các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi… 

Chúng ta có thể lựa chọn sử dụng những thiết bị giúp thanh lọc không khí trong nhà. Điểm nổi bật nhất của các máy lọc không khí chính là giúp làm sạch ô nhiễm và không khí trong lành hơn. 

Từ các chất bẩn như lông vật nuôi, mùi hôi trong nhà, đến bụi mịn PM2.5 đều được lọc sạch hoàn toàn thông qua màng lọc HEPA hoặc cao hơn nữa là màng lọc siêu cấp ULPA - loại màng lọc chuyên dùng cho phòng thí nghiệm hoặc các cơ sở y tế.

Ngoài ra, các chuyên gia nhận định trong khi cách ly chống dịch, người dân sử dụng khẩu trang, túi ni-lon dùng 1 lần... nhiều hơn, dẫn đến tăng lượng rác thải nhựa. Từ đó gây ra tình trạng một số chất ô nhiễm từ hoạt động công nghiệp, giao thông giảm nhưng xử lý rác thải lại tăng. 

Sự thay đổi nồng độ của từng chất ô nhiễm không khí trong và sau giai đoạn cách ly xã hội là những số liệu khoa học quan trọng để tính toán lộ trình hiệu quả nhằm cải thiện chất lượng không khí tại Việt Nam trong tương lai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.