Vui, buồn "làng rác"

Vui, buồn "làng rác"
Những con đường qua xóm nhỏ ngập tràn rác
Những con đường qua xóm nhỏ ngập tràn rác
 

Thôn Xà Cầu (xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa) là một trong những "làng rác" lớn nhất Hà Nội. Nhờ nghề tái chế rác thải, cuộc sống của người dân nơi xóm nhỏ này đã đổi thay rất nhiều. Dẫu vậy, phía sau sự sung túc vẫn còn đó không ít nỗi âu lo.

Cả làng khá giả nhờ rác thải

Chạy xe dọc quốc lộ 21B tới địa phận huyện Ứng Hòa, đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh những chiếc xe ba bánh, công nông chở rác cồng kềnh xếp hai bên đường. Những con đường nhỏ dẫn vào khu dân cư xóm 1, 2, 3, 4 (thôn Xà Cầu) dường như chật chội hơn bởi những bao rác khổng lồ nằm chềnh ềnh dọc bên đường. Nhiều đống rác cao ngang mái nhà cấp bốn.

Đôi tay thoăn thoắt phân loại rác, chị Đỗ Thị Hồng (xóm 2, thôn Xà Cầu) cho biết, nghề tái chế nhựa ở thôn đã có từ khoảng 6 năm nay. Ban đầu chỉ có một vài hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Sau người dân trong thôn thấy các gia đình này "ăn nên làm ra" nên rủ nhau theo nghề. Đến nay, cả thôn Xà Cầu đã có tới hơn 100 hộ mưu sinh bằng nghề tái chế nhựa.

Thùng, chậu, vỏ quạt, lồng bàn, vỏ chai lọ… được người dân thu mua về. Băm, rạch, xay, xắt ra từng miếng nhỏ rồi đóng thành những bao tải lớn chờ thương lái tới mua. Các đồ đồng, nhôm sắt cũng được thu gom để bán cho các đại lý.

Trong số những hộ hiện "sống khỏe" nhờ tái chế nhựa có gia đình ông Vương Văn Khỏe (xóm 2, thôn Xà Cầu). Hiện gia đình ông có khoảng 20 nhân công, làm việc từ sáng tới chiều muộn. Mỗi ngày, ông xuất đi hàng chục tấn phế thải đã qua sơ chế cho tiểu thương đến từ Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Giang, xa hơn là các tỉnh, thành phố phía Nam. Thậm chí, thương lái Trung Quốc cũng sang thu mua rất đông.

Bên cạnh các hộ coi tái chế phế thải như một nghề chính để mưu sinh, công việc này cũng góp phần tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân trong thôn. Mỗi kilo nhựa được bóc vỏ, rạch ruột chỉ được trả 500 đồng. Tuy nhiên, nếu chịu khó, mỗi ngày một lao động bình thường có thể "mổ" được khoảng 1 - 2 tạ phế liệu. Nhờ nghề tái chế nhựa, những căn biệt thự, nhà cao tầng kiên cố mọc lên ngày một nhiều ở thôn Xà Cầu.

Có lẽ bởi vậy mà dù ở một huyện nghèo, cách trung tâm Thủ đô Hà Nội tới 40 km nhưng Xà Cầu được xem là giàu có hơn rất nhiều những thôn làng khác. Nhiều hộ sau vài năm kinh doanh tái chế rác đã sắm được cả ô tô để đi thu mua phế liệu khắp các huyện lỵ, tỉnh thành lân cận. Những con đường dọc ngang thôn xóm cũng đã được bê tông hóa hoàn toàn. Xà Cầu đang "thay da đổi thịt" từng ngày, nhờ rác thải.

Dù biết ảnh hưởng tới sức khỏe nhưng người dân thôn Xà Cầu vẫn gắn bó với nghề
Dù biết ảnh hưởng tới sức khỏe nhưng người dân thôn Xà Cầu vẫn gắn bó với nghề
 

Nhiều nỗi âu lo

Nhờ nghề tái chế rác thải, kinh tế các hộ gia đình thôn Xà Cầu đã được cải thiện hơn trước rất nhiều. Tuy nhiên, nỗi lo bệnh tật vì ô nhiễm môi trường từ việc tái chế rác vẫn luôn ám ảnh người dân nơi xóm nhỏ này.

Theo ghi nhận của chúng tôi tại thôn Xà Cầu, rác, phế thải không chỉ được xếp dọc hai bên đường mà những bờ ao, vườn cây cũng được người dân tận dụng. Nhiều bao tải, túi nylon đựng phế thải lâu ngày mục nát, bục ra rơi vương vãi khắp sân vườn, trôi ra cả bờ ao, mép sông.

Nước thải chưa qua xử lý trong quá trình tẩy trắng và xay, cắt nhựa cũng được xả thẳng theo mương cống, chảy ra kênh Bắc Quảng Hoa rồi hòa vào sông Đáy. Gần chục năm qua, người dân trong thôn đã không còn dám sử dụng nước ao, sông ngòi phục vụ sinh hoạt. Cùng với đó, số lượng người trong thôn bị mắc các chứng bệnh liên quan tới đường hô hấp, da liễu, thậm chí ung thư cũng tăng nhanh qua các năm.

Ông Nguyễn Bá Huê - Trưởng thôn Xà Cầu - cho biết, để xử lý rác thải tập trung, thôn đã đầu tư xây dựng Trạm trung chuyển rác thải riêng và ký hợp đồng vận chuyển, xử lý với Công ty CP Vệ sinh môi trường Sông Hồng. Hàng tháng, các gia đình phải đóng phí vệ sinh theo ba mức: 30.000 đồng, 70.000 đồng và 200.000 đồng. Tuy nhiên đến nay, vẫn còn khoảng 30 trong tổng số 106 hộ làm nghề tái chế nhựa thôn Xà Cầu chưa tự giác nộp khoản tiền này.

Không chỉ ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt của người dân, nguồn nước bị ô nhiễm cũng đang tác động tiêu cực tới sản xuất nông nghiệp của địa phương. Nguồn nước sông ngòi không thể dùng cho canh tác, hoặc có thể sử dụng nhưng năng suất không cao.

Cùng với việc nghề mới cho thu nhập cao hơn, nhiều hộ trong thôn gần như bỏ bẵng ruộng vườn, hoặc nhượng lại quyền sử dụng cho người khác. Hiện, toàn thôn có khoảng 3 mẫu ruộng (tương đương 10.800m2) không có người làm. Để tránh lãng phí, vụ chiêm năm 2013 vừa qua, Chi hội Nông dân thôn Xà Cầu đã nhận khoán thầu, thuê máy móc cơ giới về canh tác. Tuy nhiên, thu hoạch ở vụ mùa đó sau khi cân đối, tính toán thu chi bị lỗ 5 triệu đồng.

Nhiều người dân thôn Xà Cầu khi được hỏi, đã bộc bạch, dù biết rõ ảnh hưởng của rác thải tới sức khỏe nhưng bởi gánh nặng mưu sinh, và cũng bởi "nếu chỉ làm nông không thôi thì ăn còn chẳng đủ...", nên nhiều người đành làm ngơ trước những tác hại về lâu dài, gắn đời mình bên đống phế liệu mỗi ngày.

Ông Nguyễn Bá Huê chia sẻ, trong Đề án xây dựng nông thôn mới tại xã Quảng Phú Cầu có quy hoạch Cụm công nghiệp Xà Cầu với tổng diện tích hơn 10ha. Tuy nhiên đến nay, diện tích thực hiện mới chỉ đạt chưa tới 2ha. Nguyên nhân là do đất nông nghiệp thuộc quyền sở hữu của người dân được Nhà nước giao, xã Quảng Phú Cầu và huyện Ứng Hòa không thể thu lại để phục vụ phát triển cụm công nghiệp nếu không có văn bản chỉ đạo của TP.

“Khát” nước sạch, lo mất nghề truyền thống

Với thu nhập khá từ nghề tái chế rác, cuộc sống của người dân thôn Xà Cầu đã có phần "no" hơn, nhưng thực sự chưa "đủ". Nói vậy là bởi rất nhiều người dân hiện sống trong những căn nhà cao 3 - 4 tầng khang trang, rộng đẹp thuộc xóm 1 và 2 hiện chưa có nước sạch để dùng. 

Hiện tại, khoảng 400 hộ thuộc xóm 1 và 2 (thôn Xà Cầu) vẫn phải sử dụng nước giếng khoan và nước mưa để phục vụ nhu cầu sinh hoạt. Tuy nhiên, nước giếng khoan nhiều năm qua cũng chỉ có thể dùng phục vụ giặt giũ, tắm rửa chứ không ăn uống được do chất lượng nước không đảm bảo. Chủ cửa hàng tạp hóa Thử Đoàn (xóm 1, thôn Xà Cầu) cho biết, nhiều hộ gia đình phải mua máy về lọc nước để sử dụng cho yên tâm. Chừng hai tháng phải thay quả lọc một lần, rất tốn kém!

Theo tìm hiểu, tháng 7/2007, UBND huyện Ứng Hòa đã đầu tư xây dựng Trạm cấp nước sạch cho khu dân cư xóm 3 và 4 (thôn Xà Cầu) từ nguồn ngân sách địa phương. Đến năm 2011, huyện Ứng Hòa tiếp tục đầu tư hơn 6 tỷ đồng để xây dựng Trạm cung cấp nước sạch cho xóm 1 và 2. Tuy nhiên, dự án thực hiện xong giai đoạn 1 (hết khoảng 1 tỷ đồng) thì... hết vốn, nhưng cũng không kêu gọi được nguồn đầu tư bên ngoài.

Mới đây, UBND xã Quảng Phú Cầu đã liên hệ mời Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông làm chủ đầu tư Dự án Trạm cấp nước sạch cho khu dân cư số 1 và 2. Được chấp thuận nhưng người dân thôn Xà Cầu sẽ phải chờ các dự án cấp nước sạch hiện đang được Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông thực hiện tại các thôn Quảng Nguyên và Phú Thượng (xã Quảng Phú Cầu) hoàn tất.

Bên cạnh vấn nạn ô nhiễm và thiếu nước sinh hoạt, thôn Xà Cầu hiện đang đối mặt với nỗi lo mất nghề tăm hương truyền thống. Trong tổng số 891 hộ trong thôn, hiện chỉ có hai gia đình làm tăm tre và khoảng 15 hộ làm hương nén. Tuy nhiên, nghề tăm hương của làng giờ chỉ làm theo thời vụ, tập trung chủ yếu vào dịp cận Tết Nguyên đán.

Bà Nguyễn Thị Lâm, ngụ xóm 3 (thôn Xà Cầu), người đã có gần 30 năm gắn bó với nghề tăm hương trăn trở, làm tăm hương vốn là nghề truyền thống của làng Xà Cầu, nhưng nay người theo nghề chỉ đếm trên đầu ngón tay và đa phần là người có tuổi. Số còn lại theo nghề tái chế rác, buôn bán chợ búa hoặc rời quê hương lên TP làm công. Nguy cơ mất đi một làng nghề đang hiện hữu rõ hơn bao giờ hết.

Đời sống xã hội đổi thay nhờ tái chế rác thải nhưng Xà Cầu cũng đang đối diện với không ít vấn đề, trong đó có quy hoạch xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Với nhiều người dân nơi xóm nhỏ này, Xà Cầu "giàu" nhưng chưa "đẹp", "no" nhưng chưa "đủ".

Để giải quyết những vấn đề còn tồn tại ở "làng rác" lớn nhất Hà Nội này,  rất cần sự chung tay của các ngành, các cấp chính quyền cũng như sự hưởng ứng của người dân nơi đây. Có như vậy, mục tiêu xây dựng nông thôn mới xóm nhỏ Xà Cầu mới sớm đạt được những chuyển biến tích cực.

Ông Nguyễn Bá Huê - Trưởng thôn Xà Cầu - bộc bạch: Nguyện vọng của địa phương hiện nay là TP sớm có kế hoạch bố trí quỹ đất cho cụm công nghiệp để quy hoạch các hộ hiện sinh sống bằng nghề tái chế nhựa thôn Xà Cầu về một mối, tạo thuận lợi cho việc quản lý, sản xuất, đặc biệt là giảm các tác động về mặt môi trường và bảo vệ sức khỏe cho người dân.

Theo Bích Ngọc
Kinh tế đô thị

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...