Vua triều Nguyễn đọc báo

GD&TĐ - Sau khi thực dân Pháp chiếm các tỉnh Nam Bộ, ở Sài Gòn, năm 1865, Gia Định báo ra đời.

Tờ “Đại Nam đồng văn nhật báo”, ra đời từ thời vua Thành Thái (1891) phát hành ở Bắc kỳ và Trung kỳ.
Tờ “Đại Nam đồng văn nhật báo”, ra đời từ thời vua Thành Thái (1891) phát hành ở Bắc kỳ và Trung kỳ.

Gia Định báo là tờ báo đầu tiên viết bằng chữ quốc ngữ được xuất bản ở nước ta.

Năm đó, nước ta vẫn dưới thời vua Tự Đức của nhà Nguyễn. Vậy các vua nước Việt thời đó có đọc báo không? Xem trong sử sách, mới thấy hóa ra vua Tự Đức cũng từng đọc báo nước ngoài.

Sử triều Nguyễn, bộ “Đại Nam thực lục”, chép rằng năm Tự Đức thứ 31 (1878), có sự kiện “vua xem nhật báo ‘Hương Cảng tân văn’, bàn về việc cốt yếu làm cho nước được mạnh, có các khoản thông thương và chống kẻ dám khinh”. Các điều vua Tự Đức ấn tượng trong tờ báo của Hồng Kông gồm đóng tàu, đúc súng, học ngoại ngữ, luyện tập quân đội.

Nhà vua muốn nước ta cũng thi hành các điều này, sai quan Viện Cơ mật nghị bàn. Tuy nhiên, Viện này bàn rằng điều kiện nước ta lúc đó chưa cho phép, xin hãy hoãn lại. Nhà vua cho là phải, nhưng chuẩn cho việc học chữ và tiếng nước ngoài thì “lục sức cho thi hành ngay”.

Còn trước đó, ngay từ năm 1866, chủ đề sử dụng sức mạnh của báo chí đã được đề cập trong triều đình nhà Nguyễn. Đó là khi các quan ở Viện Cơ mật tâu lên vua rằng: “Các nước ở phương Tây đều lập nhà công luận, phàm việc không cứ công hay tư đều in vào giấy để truyền báo, người nước Anh gọi là báo Tân văn, người nước Pháp gọi là Nhật báo. Nay sĩ dân ở trong Nam kỳ nhiều người mang lòng giận làm loạn mà tướng nước Pháp lại báo về nước ấy là yên tĩnh để lấy tiếng khen.

Do đó, xin cho những người mộ nghĩa ở các tỉnh Gia Định, Định Tường đem những việc tướng Pháp mới làm gần đây, dân tình không thuận, dân không chịu nổi, đưa khắp các nhà công luận ở các nước Lạc Mã (tức Vatican ở Rome), Lãng Sa (cách gọi nước Pháp thời đó), Y Pha Nho (Italia), Anh Cát Lợi (nước Anh) và Quảng Đông, Hương Cảng để tuyên bố, để cho tướng nước Pháp hoặc sợ công nghị bỏ mưu ấy đi”. Vua nghe theo.

Sang thời vua Đồng Khánh, cuối năm 1887, nước Pháp cử Khâm sứ Trung kỳ Séraphin Hector đem tặng nhà vua chiếc ấn bằng ngọc “tinh kim hắc hoả” (theo chú giải của sử quan triều Nguyễn thì “tinh kim” là vàng tốt, còn hắc hoả không hiểu nghĩa là gì, có lẽ là ấn có màu đỏ sẫm).

Vua Đồng Khánh sai viết thư đáp tạ Tổng thống Pháp, trong thư nói: “Gần đây tiếp được tin báo đăng đến năm 1889, thượng quốc mở hội đấu xảo đồ quý lạ của các nước trên thế giới, đều đem đến cả, vật sản nước tôi hèn kém, đâu dám nói khéo, nhưng tôi muốn nhân cơ hội tốt ấy, sửa đồ sính lễ để đáp tạ thông tình, sẽ cho đem 1 - 2 thứ vật sản của nước tôi cùng đến dự bày ở hội đấu xảo, cho tỏ rõ lòng thân thiết hoà mục của thượng quốc và nước tôi với các nước cùng hoà hiếu, để tỏ rõ việc tốt”.

Sau đó, trong thư đáp từ viên Toàn quyền đại thần Lê Na (Pierre Paul Rheinart - Tổng trú sứ Bắc kỳ và Trung kỳ) mới tới kinh đô vào yết kiến, vua Đồng Khánh cũng tự tay viết về những điều đọc trên báo Pháp: “Gần đây, thấy báo Tân văn của quý quốc có nói: Các địa phương của nước tôi, tất phải quý quốc thống quản, thực không rõ lời nói của người ấy sao không nghĩ tới lòng thuỷ chung, tình lý thích hợp mà nỡ để cho người chịu đau khổ như thế, há yên tâm ư!”.

Tháng 6 năm 1888, vua Đồng Khánh cho Khâm sai Bắc kỳ Tạ Thúc Dĩnh, Nguyễn Văn Thiện đi xem tình hình đời sống dân chúng các tỉnh, vì Thái hoàng thái hậu Từ Dụ cũng quan tâm đến tình hình. Tháng 7, quan Khâm phái trở về tâu rằng đời sống của dân chúng vẫn được bình thường, lúa chiêm được mùa, giá gạo có phần dễ chịu, mưa nắng bình thường, thuận lợi cho nhà nông. Nhà vua phán rằng: “Nếu quả thực như thế, thì tin tức trong nước cũng không nói quá. Tờ ‘Bắc kỳ nhật báo’ xem ra cũng đáng tin!”.

Trước đó, vào tháng 4 năm Đồng Khánh thứ 3 (1888), nước Pháp đã đặt cục “Đại Nam nhật báo” ở kinh thành Huế.

Các vua sau Đồng Khánh là Thành Thái và Duy Tân, do bị Pháp phế truất, nên sử sách triều Nguyễn không chép đầy đủ về thời gian trị vì của họ. Còn đến vua Khải Định, có thể thấy nhà vua đã trực tiếp đọc báo để nắm tình hình thời sự.

Đó là chuyện vào tháng 9 năm Khải Định thứ 2 (1917), có lụt ở Thanh Hóa, bộ Hộ trình tấu lên, vua phê rằng: “Trẫm vẫn xem trên báo thấy liên tiếp nhiều nước trên thế giới cũng đều gặp phải thiên tai, chừng như trời giáng họa như thế để răn đe tình trạng loài người đang tranh giành lẫn nhau, báo cho biết để tu tỉnh mà tạo ra cục diện hòa bình.

Ở nước ta, trẫm từ khi lên ngôi tới nay vẫn luôn kính cẩn lo sửa sang chính sự, quên ăn quên ngủ phụng sự tôn xã sớm tối không lúc nào dám lơi...”.

Hoặc một câu chuyện khác cho biết vua Khải Định đọc kỹ tờ tạp chí Nam Phong. Đó là khi dinh Toàn quyền gửi thư sang nói rằng, viên Hồng lô tự khanh Nguyễn Bá Trác đang tòng sự ở Phủ Toàn quyền, xin được chuyển sang cho Nam triều bổ dụng, đã qua quan Toàn quyền xem xét xin cho, Viện Cơ mật tâu trình lên. Vua phê rằng:

“Trẫm thấy tài học của Nguyễn Bá Trác rất thích hợp với buổi giao thời giữa cựu học và tân học, phải nói là người thông hiểu cả hai thứ. Trẫm từng xem văn trên báo “Nam Phong”, mục “Trưng cổ nghiệm kim viết” rất bình dị lưu loát, dẫu người ít học chữ Nho cũng dễ dàng hiểu được. Hành văn khiến người đọc dễ hiểu mà vẫn không thô thiển sai lạc ý thì mới gọi là văn hay. Như Nguyễn Bá Trác cũng đã gần đạt đến mức ấy.

Tính trẫm vốn chăm nghiệm cổ khảo kim, chính đang muốn có được một người thông hiểu như Nguyễn Bá Trác ở bên để làm cố vấn cho. Nay các vị Đại thần Quý Toàn quyền và Khâm sứ lại có thư tới muốn ủy giao ông ta cho Nam triều sử dụng, như thế thực cũng có lợi cho trẫm. Vậy truyền chuẩn cho tạm phái trở về Kinh, chiều theo hàm phát bổng, đợi có chân nào khuyết sẽ nghị bổ”.

Nguyễn Bá Trác là người giữ mục Hán văn trên tờ “Nam Phong tạp chí” của Phạm Quỳnh. Sau khi chuyển sang làm quan Nam triều, ông giữ chức Tá lý Bộ Học, sau đó còn làm quan ở nhiều tỉnh như Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Bình Định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ