Ngày Tết ở nước ta dưới thời vua Đồng Khánh

GD&TĐ - Cách đây 136 năm, viên bác sĩ quân y người Pháp Charles Edouard Hocquard đã có mặt ở kinh thành Huế dưới thời vua Đồng Khánh và chứng kiến triều đình Huế cũng như người dân Việt Nam ăn Tết cổ truyền.

Phục dựng cảnh binh lính dựng nêu tại Thế miếu - Đại nội Huế.
Phục dựng cảnh binh lính dựng nêu tại Thế miếu - Đại nội Huế.

Những nét phong tục ngày Tết của nước ta đầu năm 1886 đã được viên bác sĩ này ghi lại trong cuốn “Một chiến dịch ở Bắc kỳ”, xuất bản ở Pháp vào năm 1892. Phần ghi chép về Tết ở kinh thành Huế được Hocquard đưa vào trong chương cuối của cuốn sách dày tới gần 600 trang của mình (bản dịch do NXB Đà Nẵng và Omega Plus phát hành, Thanh Thư dịch).

Theo quan sát của vị bác sĩ này, người dân nước ta dành tới cả một tháng trời để ăn Tết Nguyên đán.

“Dân chúng bản địa, người giàu cũng như người nghèo sẽ dừng hết mọi công việc để dành thời gian ăn, uống và giải trí; không buôn bán, không việc đồng áng, không lao dịch khổ sai; người lớn và trẻ nhỏ sẽ mặc quần áo đẹp; những người khốn khổ sẽ đem bán nốt đồ đạc và vay mượn cho đủ tiền ăn Tết”, ông viết và bổ sung một câu thành ngữ nước ta để độc giả châu Âu hiểu hơn “Phải chào đón năm mới nếu không cả năm sẽ bất hạnh”.

Trong kinh thành, các cơ quan trong hoàng cung đóng cửa từ ngày 25 tháng Chạp, triều đình ngưng công việc, không ký tá đóng dấu bất cứ giấy tờ nào tới tận ngày 11 tháng Giêng năm sau.

Dân làng thì chỉ nghỉ ngơi ba ngày; thời gian còn lại họ phải phục dịch cho nhà giàu; nhưng Hocquard mô tả: “Họ được trả tiền hậu hĩnh bởi lẽ không có nhiều người muốn làm việc và họ có thể tỏ ra yêu sách”.

Tuy nhiên, ngày Tết ở nước ta thời đó theo mô tả của tác giả này không đông vui tấp nập. “Mọi cửa nẻo đều đã đóng, thành phố buồn như chết, không tiếng pháo hoa và nhạc nhẽo.

Tầng lớp thị dân và quan lại mặc lễ phục đi thăm hỏi nhau, trao cho nhau quà cáp và thiệp đỏ. Đây cũng là lễ hội của trẻ nhỏ. Chúng chúc tụng người lớn và nhận những xâu tiền gói trong giấy đỏ. Màu đỏ xuất hiện khắp nơi, đó là màu tượng trưng cho hạnh phúc”.

Hình ảnh cây nêu truyền thống của người Việt khá lạ lẫm với viên bác sĩ, được ông mô tả: “Trước mỗi ngôi nhà, những cây tre lớn còn nguyên lá được cắm xuống đất; có cả những cột cao buộc trên đỉnh một chùm là dừa hoặc lông gà; buổi tối người ta treo đèn lồng đủ màu sắc lên đó.

Những cây cột này dùng để gọi linh hồn người thân quá cố về nhà. Tín ngưỡng dân gian cho rằng linh hồn tổ tiên mỗi năm lại về thăm nhà và trú ngụ dưới mái nhà trong suốt những ngày Tết, đó cũng là ý nghĩa của ngày lễ đầu năm mới. Những cây nêu được trồng để dẫn lối cho linh hồn về đúng nhà con cháu và họ không đi nơi khác”.

Có dịp đi đến tận nhà người dân trong dịp Tết, Hocquard mô tả: Trước mỗi cửa nhà, người dân lấy phấn vạch trên đất những dấu hiệu của cung tên và mũi tên giao nhau. Phong tục này có ý nghĩa gợi nhắc đến cuộc chiến đấu của Đức Phật chống lại quỷ dữ.

Một số gia đình còn chắn xương rồng, cành gai trước nhà để ngăn ma quỷ đến quấy phá ngày Tết. Phía bên trái bức tường bên ngoài nhà có một trang thờ nhỏ để thờ thần giữ cửa; người dân thắp nến, hương trên trang thờ này, và nhà giàu thì đặt hoa, vàng mã, bánh trái cùng thức ăn mỗi ngày hai lần.

Ghi chép trong sách cũng nói đến nghi lễ thờ thần giếng của cư dân Phú Xuân thời đó. Ông viết: “Bên trong nhà dân, mọi thứ đều được thay đổi: Bàn ghế thì được sắp xếp lại; cuối sân, những dây hoa và giấy được treo lên để cúng thần giếng.

Thầy bói tới nhà để múc nước giếng và xem vận hạn cho gia chủ; người ta đổ vào hai bình một lượng nước như nhau, một bình tiến hành trong năm cũ, bình còn lại là năm mới. Nếu như bình thứ nhất nặng hơn bình thứ hai thì thầy bói sẽ phán những chuyện tai ương cần phải né tránh trong năm mới này”.

“Gia nhân là những người vui vẻ nhất trong dịp lễ Tết”, viên bác sĩ quân y khẳng định. “Chủ nhân phải cẩn thận không được trách móc họ bất cứ điều gì; nếu chẳng may lỡ lời, theo như người bản xứ nói, thì cả năm sẽ phải la lối họ luôn.

Trong suốt dịp Tết, người An Nam tha hồ ăn uống, mỗi ngày họ dọn ba mâm cỗ lớn và khi nào cũng phải kính cẩn đặt lên bàn thờ tổ tiên một phần. Và trong bếp luôn phải thắp hương cúng ba ông táo”.

Ngày Nguyên đán ở Hoàng thành được tác giả miêu tả khá kỹ: Từ sáng sớm, đường phố đã náo nhiệt khác thường, quan lại, hoàng thân mặc lễ phục vào kinh thành để chúc tụng vua, phía sau họ là một đoàn gia nhân đông đảo.

Do lúc này, người Pháp đã chính thức cai trị ở Việt Nam, nên trong ngày Tết, binh lính Pháp làm hàng rào danh dự từ cổng vào kinh thành cho tới hoàng cung trong suốt cuộc tiếp đón long trọng của nhà vua dành cho tư lệnh quân đội Pháp ở Trung kỳ, tướng Prudhomme, và công sứ Pháp.

Sau khi vua Đồng Khánh từ hậu cung tiến ra điện Thái Hòa và bước lên ngai vàng, dàn kèn đồng của lính Pháp vang lên. Viên tướng Pháp chúc mừng nhà vua, nhà vua cũng đáp lại vài câu lịch thiệp rồi tiễn phái đoàn Pháp ra về.

“Nghi lễ hấp dẫn nhất với chúng tôi bây giờ mới bắt đầu”, Hocquard viết tiếp. Đó là lúc: “Hoàng thân và quần thần tuyên thệ trung thành với nhà vua, theo như phong tục đầu năm mới. Đám quan lại xếp thành sáu hàng ngay trước điện.

Theo hiệu lệnh của thượng thư bộ Lễ, tất cả quỳ gối và dập đầu lạy, tuyên thệ trên nền nhạc giống như thánh ca”. Cảnh tượng oai nghiêm này khiến tác giả cảm thấy ấn tượng “tất cả tạo nên một khoảnh khắc khó quên giữa một khung cảnh lộng lẫy của hoàng cung”.

Sau khi nhà vua rời khỏi đại điện, các quan thượng thư, hoàng thân quốc thích, các đại thần được nhà vua ban một yến tiệc lớn trong cung. Những người có công trong năm đều được trọng thưởng. Chiều mùng Một, vua Đồng Khánh sang tòa Thương bạc để thăm viên tướng và công sứ Pháp và ăn tiệc tại đây.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.