Quan thời Lê vào chầu vua được hộ tống thế nào?

GD&TĐ - Thời phong kiến, các vương tôn, trăm quan khi vào chầu vua, chúa đều có quy chế cụ thể. Về nghi thức mặc áo, đội mũ của các quý tộc và quan lại đã có nhiều nghiên cứu.

Còn chuyện khi vào cung chầu vua họ được đi bằng gì, phái đoàn tùy tùng thế nào chắc ít người biết.

Tuy nhiên, những điều này đều được sử sách thời xưa ghi chép cụ thể, như thời Lê có bộ “Lê triều hội điển” của Phạm Đình Hổ biên soạn, ghi chép chi tiết từng phép tắc, lễ nghi của đất nước.

Bộ sử triều Nguyễn, “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, cũng cho biết, thời Lê sơ, đời vua Lê Hiến Tông, (1498 - 1504) triều đình đã quy định lại triều phục và các nghi lễ. Đến thời Lê trung hưng, năm Tân Sửu, niên hiệu Vĩnh Thọ năm thứ 4 (1661) đời vua Lê Thần Tông, tháng 6, mùa hạ, triều đình lại định rõ lại nghi chế triều phục.

Chúng ta không bàn về quy định phẩm phục, mũ đội của các quan, chỉ xét về “hành nghi” (những nghi lễ khi di chuyển) được ban bố thời vua Lê Thần Tông, thì từ các hoàng tử các quan từ nhất phẩm đến cửu phẩm hai ban văn võ, đều có sự phân biệt rõ rệt. Cũng như phân biệt về màu áo, kiểu mũ, mẫu “bổ tử” (miếng vải thêu các hình loài vật, họa tiết đính vào quan phục để phân biệt phẩm trật các quan), “hành nghi” của các quan cao thấp khác nhau về màu lọng, màu kiệu, màu sơn yên ngựa và số người theo hầu, số quạt vả (có tính chất nghi lễ).

Theo đó, các hoàng tử, vương tử được phong tước quốc công, khi vào triều, được phép mang 5 người theo hầu, hành nghi có: Một lọng màu tía, một quạt vả, một cỗ kiệu vuông. Các vị này khi đi ngựa thì yên ngựa được phép sơn son bịt vàng.

Hoàng tử, vương tử được phong các chứ thái sư, thái phó, thái bảo, thiếu sư, thiếu phó, thiếu bảo (còn gọi là tam thái, tam thiếu, những chức vụ đứng đầu triều đình) lại được gia phong tước quận công, khi vào triều được sử dụng một quạt vả, một lọng nhưng màu xanh, còn các thứ khác cũng theo như quốc công.

Tranh minh họa lễ nghi thời Lê.

Tranh minh họa lễ nghi thời Lê.

Hoàng tử, vương tử được phong các chức tả đô đốc, hữu đô đốc, lại được gia phong quận công; khi vào triều được 4 người theo hầu. Hành nghi gồm: Quạt, lọng, kiệu vuông, yên ngựa và thường phục cũng theo như hoàng tử, vương tử được phong chức tam thái hoặc tam thiếu và gia phong quận công.

Hoàng tử, vương tử được phong đô đốc đồng tri, đô đốc thiêm sự và gia phong quận công; khi đi vào triều, được ba người theo hầu. Hành nghi khi đi ở trong thành, được một quạt vả, không có lọng xanh, võng 7 đòn khiêng, yên ngựa sơn màu tía; còn khi đi ở ngoài thành, mới được dùng thêm một lọng xanh.

Hoàng tử, vương tử được phong đô hiệu điểm, đề đốc, tham đốc, đề lãnh gia phong quận công: Khi đi vào triều được 2 người theo hầu. Hành nghi: Đi ở trong thành, được một quạt vả, màu đỏ nhạt, không có lọng xanh, võng 7 đòn khiêng, yên ngựa sơn màu tía; đi ở ngoài thành, được thêm một dù hoặc một lọng che mưa.

Hoàng tử, vương tử được gia phong quận công; khi vào triều được hai người theo hầu. Hành nghi: Võng 3 đòn khiêng, ngoài ra như dù hoặc lọng che mưa, yên ngựa và thường phục cũng theo như hoàng tử, vương tử được phong đô hiệu kiểm và gia phong quận công.

Hoàng tử, vương tử chưa được dự phong cũng được dùng võng 3 đòn khiêng, yên ngựa cũng được sơn màu tía, đi ở ngoài thành, thêm một dù hoặc lọng che mưa, màu đỏ nhạt.

Với các quan, về võ ban, các quan hàm chánh nhất phẩm, lại được gia phong tước quận công, khi vào triều được 4 người theo hầu. Hành nghi đi cùng gồm một dù hoặc lọng che mưa, một quạt vả, đều dùng màu xanh, một cổ kiệu vuông, yên ngựa sơn tía.

Quan võ tùng (tòng) nhất phẩm, khi vào triều, số người theo hầu rút xuống còn ba người. Hành nghi: Đi trong thành, được một dù hoặc lọng che mưa, võng 7 đòn khiêng, yên ngựa sơn màu tía; đi ngoài thành, thêm một quạt vả dùng màu xanh.

Quan võ chánh nhị phẩm và tùng nhị phẩm được gia phong quận công, khi vào triều, được hai người theo hầu. Hành nghi: Đi trong thành, được dùng một quạt vả màu xanh, võng 7 đòn khiêng, đi ngoài thành, được thêm một dù, hoặc lọng che mưa.

Quan võ chánh nhị phẩm và tùng nhị phẩm được gia phong tước hầu, chỉ còn được một người theo hầu. Hành nghi: Yên ngựa sơn màu tía, đi ngoài thành, được thêm một lọng hoặc dù che mưa, sắc hồng nhạt, võng 3 đòn khiêng.

Võ quan tam phẩm và tứ phẩm được phong tước hầu, khi vào triều, được một người theo hầu. Khi cưỡi ngựa, yên ngựa sơn màu đen. Các võ quan ngũ phẩm, lục phẩm và thất phẩm: Hành nghi: Đi ngoài thành, yên ngựa sơn màu đen.

Về văn ban, hàng nhất phẩm, khi vào triều, được 4 người theo hầu. Hành nghi gồm một dù hoặc lọng che mưa, một quạt vả, dùng màu xanh, một cỗ kiệu vuông, yên ngựa sơn màu tía.

Quan văn nhị phẩm và đô ngự sử hàm chánh tam phẩm, khi vào triều được hai người theo hầu. Hành nghi gồm một dù hoặc lọng che mưa, võng 7 đòn khiêng, yên ngựa sơn màu tía; khi đi ngoài thành, được thêm một quạt vả.

Với quan tam phẩm, tứ phẩm, thị đốc, thiêm đô ngự sử hàm ngũ phẩm, số người theo hầu khi vào triều và hành nghi cũng theo như viên quan hàm nhị phẩm.

Từ quan ngũ phẩm và các viên thị thư, thị chế hàm lục phẩm, viên đề hình ngự sử hàm thất phẩm, hành nghi được võng 3 đòn khiêng, còn dù hoặc lọng che mưa và yên ngựa cũng như viên quan hàm tứ phẩm.

Quan lục phẩm và viên quan đô cấp sự trung ở lục khoa hàm chánh thất phẩm; người theo hầu được một người, còn các thứ khác đều theo như viên quan hàm ngũ phẩm. Đến quan thất phẩm thì yên ngựa sơn đen, được mang một dù hoặc lọng che mưa, còn thứ khác đều theo như viên quan hàm lục phẩm.

Bát phẩm, chức đồng tri phủ hàm thất phẩm hay chức tri huyện, tri châu hàm tùng thất phẩm, chức tự ban, huấn đạo hàm cửu phẩm, khi đi ngoài thành, dùng yên ngựa sơn đen, viên đồng tri phủ được dùng một dù hoặc lọng che mưa, màu xanh. Nho sinh, giám sinh chầu chực làm việc, khi đi ngoài thành, được cưỡi ngựa, còn các thứ khác cũng theo như cửu phẩm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.