Vụ việc "ép HS lớp 9 không thi vào lớp 10": Phòng Giáo dục Cầu Giấy (Hà Nội) lên tiếng

GD&TĐ - Đại diện Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, các trường không có chủ trương yêu cầu học sinh học lực không tốt phải chuyển trường, không thi vào lớp 10 THPT.

Ông Đoàn Tiến Trung, Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy thông tin với báo chí.
Ông Đoàn Tiến Trung, Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy thông tin với báo chí.

Chiều 20/4, ông Đoàn Tiến Trung, Phó trưởng Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, ngày 19/4 trên mạng xã hội có phản ánh trường THCS Dịch Vọng (quận Cầu Giấy) có tình trạng ép buộc học sinh không được thi vào lớp 10 và có gặp mặt định hướng các con chuyển trường. Ngay tối 19/4, Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy yêu cầu nhà trường báo cáo. 

Theo ông Trung, các trường đặt quyền lợi học sinh lên trên hết, không để xảy ra ép buộc học sinh có học lực yếu, trung bình ra học trường ngoài công lập. Vì thế ngày 18/4, Phòng có văn bản gửi các trường trên địa bàn nhấn mạnh tuyệt đối không ép học sinh chuyển ra trường ngoài công lập.

Ông Trung cũng cho biết, theo văn bản, trường nào để xảy ra việc ép học sinh thì hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm. Sau đó, các trường quán triệt tinh thần, nhất là đến giáo viên chủ nhiệm, giáo viên các môn thi vào 10.

Ông Trung khẳng định thông tin về việc ép học sinh và phụ huynh phải cam kết, gặp tư vấn định hướng chuyển trường, không thi vào 10 là không chính xác. Ngay sáng 20/4, lãnh đạo Quận Cầu Giấy và Phòng GD&ĐT đã làm việc và yêu cầu các trường báo cáo, rà soát hồ sơ để kiểm tra.

Qua nắm bắt, có 11 em chuyển trường thì đa số là chuyển sang địa phương khác vì lý do gia đình. Lãnh đạo phòng gọi trao đổi trực tiếp với phụ huynh, học sinh và không có chuyện ban giám hiệu hay nhà trường ép học sinh chuyển trường. 

Trường THCS Dịch Vọng có tổ chức một số buổi tư vấn nhưng các buổi đều có trong lịch làm việc đơn vị, có biên bản, một số lớp còn có đại diện Ban giám hiệu nhà trường. Sau khi kiểm tra chéo phụ huynh, không có nội dung ép học sinh ra học trường ngoài công lập, học bổ túc hoặc không thi lớp 10. 

Phòng GD&ĐT “không đánh giá thi đua các nhà trường dựa trên tỉ lệ học sinh đỗ vào lớp 10”, ông Trung khẳng định. 

Về số liệu 25% học sinh phân luồng sau THCS, ông Trung cho hay đó là chỉ tiêu của UBND TP Hà Nội để phân luồng, hướng nghiệp các con, tránh tâm lý phụ huynh muốn con họcc hết THPT rồi mới đi làm.

Sáng cùng ngày (20/4), Sở GD&ĐT Hà Nội đã có công văn số 1024/SGDĐT- GDPT về việc rà soát, kiểm tra hiện tượng vận động học sinh không tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.

Trong công văn, Sở GD&ĐT Hà Nội nêu rõ, Sở đã nhận được thông tin dư luận xã hội phản ánh tại một số cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố có hiện tượng giáo viên định hướng cho học sinh có kết quả năm học 2021 - 2022 chưa cao không đăng ký dự thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập năm học 2022 - 2023.

Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu Trưởng các phòng GD&ĐT các quận, huyện, thị xã rà soát, kiểm tra, xác minh và xử lý nghiêm (nếu có tình trạng trên).

Đồng thời quán triệt, chỉ đạo bằng văn bản đến các trường THCS trên địa bàn chấm dứt ngay việc vận động, tuyên truyền học sinh không đăng ký dự thi vào lớp 10 THPT năm học 2022 - 2023 và các năm tiếp theo (nếu có).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thực phẩm đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển não bộ ở trẻ. Ảnh minh họa: INT

Thực phẩm ảnh hưởng tới trí nhớ

GD&TĐ - Chế độ ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ và chiên rán, nhiều đường làm giảm khả năng học tập và trí nhớ, cũng như tăng nguy cơ viêm nhiễm.