Những phương tiện thô sơ... |
Đến giờ nhiều người vẫn còn bất ngờ vì làm nên những chiến thắng hiển hách "chấn động 5 châu" khiến kẻ thù phải khiếp sợ, đầu hàng lại là những vũ khí đơn giản, mộc mạc đến khó tin. Đó là cây cỏ, hoa lá, là con vật nuôi, là nông cụ... được chế ra bằng lòng yêu nước, căm thù giặc của những người nông dân “rũ bùn đứng dậy sáng lòa...”
Ngày 1/9/2009, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (28A, Điện Biên Phủ, Hà Nội) sẽ khai mạc Triển lãm bộ sưu tập Vũ khí thô sơ tự tạo trong chiến tranh giải phóng 1945 - 1975 với chủ đề “Vũ khí thô sơ tự tạo – di sản văn hóa quân sự Việt Nam đặc sắc”. Triển lãm có 716 hiện vật được trưng bày, phản ánh một quá trình phát triển không ngừng từ đơn giản đến hiện đại, thể hiện sự đa dạng, phong phú về cấu tạo, kiểu loại, tính năng của các loại vũ khí; đồng thời là sản phẩm độc đáo của ý chí tự cường, óc sáng tạo của nhân dân. Triển lãm nhằm kỉ niệm ngày Quốc khánh 2/9 và gợi lại một thời kỳ lịch sử hào hùng, vẻ vang của dân tộc. |
Vũ khí của nhân dân
Chưa có cuộc chiến tranh nào lại không cân sức như cuộc chiến tranh giữa Việt Nam - một thuộc địa nhỏ, nghèo nàn với 2 đế quốc thực dân Pháp và Mỹ hùng mạnh nhất đương thời. Vậy nhưng, Việt Nam đã chiến thắng. Điều kỳ diệu đó trở thành hiện thực bởi trước hết, chúng ta đã chiến thắng chính mình, chiến thắng khó khăn, chiến thắng nghèo nàn để giành được tự do, độc lập như hôm nay.
Trong cuộc trường kỳ vệ quốc vĩ đại đã huy động được sức mạnh trí tuệ, đoàn kết của toàn dân tộc, sáng tạo đánh địch bằng mọi cách, bằng mọi phương diện.... Nhờ đó đã tạo nên một bộ sưu tập vũ khí thô sơ tự tạo “chỉ có ở Việt Nam”. Đó là minh chứng của sự đoàn kết, anh dũng, và bất chấp gian nan của Đảng, của Quân và dân ta.
... Những dụng cụ thô sơ... |
Thống kê sưu tầm lại các loại vũ khí của Việt Nam qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, Bảo tàng lịch sử quân Việt Nam đã thu thập được 716 hiện vật - vũ khí, phân ra làm 18 loại vũ khí lạnh và 5 loại vũ khí nóng. Vũ khí lạnh là loại vũ khí không dùng đến chất nổ, cháy, bao gồm: Kiếm, đao, giáo, lao, lưỡi lê, đinh ba, búa rìu, chông, mã tấu, phi tiêu, câu liêm, gậy, cung, nỏ, móc câu chùm, dao, bẫy và cạm bẫy. Vũ khí nóng là loại vũ khí sử dụng chất cháy, nổ, bao gồm: Mìn, lựu đạn, súng, đạn dược và thủy lôi.
... Hiện đại nhất cũng là những loại vũ khí có từ Chiến tranh TG thứ I... |
Mỗi hiện vật lại khiến chúng ta nhớ về những kỳ tích chiến tranh mà những người lính, những người làm chủ vũ khí đã chiến đấu như thế nào.
Trong một lần địch đi càn, anh hùng Nguyễn Thị Chiên đã chỉ huy du kích mai phục đánh địch. Khi địch đã hoảng sợ, chị dùng đòn gánh chĩa thẳng vào địch. Hoang mang tưởng súng chúng run sợ, giơ tay, dàn hàng theo chị về cho quân ta bắt sống. Chiếc đòn gánh của nữ du kích anh hùng Nguyễn Thị Chiên một nông cụ hàng ngày đã trở thành một biểu trưng của sự thông minh, nhanh trí, của lòng quả cảm.
Tháng 10/1952, một trung đoàn địch đi càn ở Gia Lai. Anh hùng Núp đã chỉ huy dân quân du kích chặn đánh chúng bằng, bằng chông, bằng cạm bẫy khiến địch thất trận, nhiều tên thiệt mạng phá tan cả chiến dịch của chúng. Đặc biệt hơn là chiến công của đồng chí Đoàn Văn Chia ở Cần Thơ với việc nuôi và huấn luyện 100 tổ ong bò vẽ cứ thấy quân giặc đến là bay ra đốt.... Có lẽ không ở đâu có thứ vũ khí lạ lùng, “không tưởng” như thế.
Nỗi kinh hoàng của địch
Phương châm: Mỗi người dân ta là một chiến sỹ, mỗi căn nhà, đoạn đường, khúc sông, quả đồi, làng bản, khu phố... là trận địa giết giặc đã được phát huy đến cao độ, đem đến sự kinh hoàng cho địch. Bất kì ở đâu, ở nơi nào, dù gốc cây hay bụi cỏ, ở chum đựng nước hay đống củi cũng đều được nhân dân ta bí mật đặt những loại vũ khí thô sơ tự tạo để giệt giặc. Ngay cả “Quả thơm chín đỏ góc vườn, Quân tham đến lấy sẽ vương phải mìn”. Từ những công cụ lao động nhà nông đến những dụng cụ nhà bếp hay những dụng cụ săn bắt, hái lượm đều trở thành những vũ khí để nhân dân tự bảo vệ mình. Giặc đến nhà, từ già đến trẻ, hễ có vũ khí đều có thể đuổi bắt giặc.
... Nhưng nhân dân VN anh hùng đã đánh thắng thực dân Pháp với vĩ khí, khí tài hiện đại... |
Đảng và Bác Hồ đã từng phát động: Toàn Đảng, toàn dân “sắm vũ khí, đuổi thù chung”, kiếm tìm, chế tạo cướp súng của giặc để có vũ khí trang bị cho mình... hay Chỉ thị của Tổng bộ Việt Minh về sửa soạn khởi nghĩa có nội dung: “Một dân tộc bị áp bức cũng như một giai cấp bị bóc lột, muốn tự giải phóng mình phải cầm vũ khí trong tay mà chiến đấu...”. Cũng từ chính những khẩu hiệu và chỉ thị ấy mà Vũ khí thô sơ tự tạo ngày càng được sáng kiến, phát triển đa dạng về số lượng và chất lượng , góp phần làm phong phú thêm cách đánh và nghệ thuật tác chiến của chiến tranh nhân dân.
Bởi thế nên từ việc một phần thú nhận thất bại qua 9 năm đối đầu quyết liệt với quân và dân ta trong lĩnh vực vũ khí quân sự: “Việt Minh đã có một cố gắng lớn trong lĩnh vực nghiên cứu kỹ thuật, một quyết tâm rõ rệt... hầu như lúc nào cũng có thể sáng chế và đạt được một số công trình hoàn thiện” (ghi trong lời mở đầu tài liệu viết về vũ khí quân giới Việt Nam (1945 – 1954) do Pháp biên soạn mà ta thu được từ hầm của tướng Đờ Cát) cho đến các tướng tá Mỹ đã từng phải than phiền: “Thần chét luôn rình rập họ khi bước xuống ruộng lúa, đụng tay vào từng chiếc gáo dừa, mở ra một cánh cửa, nhấc một cái áo, gạt một nhánh lá khô trên đường đi” hay lính mỹ đã phải đề phòng rằng: “...Bước thêm một bước nữa có thể là bước đi cuối cùng của đời mình” (thời báo mỹ, ngày 28/11/1966).
Nhìn hình ảnh chiếc chông hình nhím, hay những chiếc lưỡi lê, lưỡi giáo sắc nhọn, những quả bom mìn tự chế... chúng ta sẽ trả lời được vì sao mà từ tướng giặc tới lính càn cũng phải thừa nhận và run sợ trước những loại vũ khí rất Việt Nam ấy.
Cho thế hệ mai sau...
Xưa, với vũ khí thô sơ, tự tạo trong tay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta chống giặc, bảo vệ tổ quốc đòi tự do, độc lập. Còn ngày nay, khi chúng ta đã có độc lập tự do, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta vẫn có cuộc chiến của nhân dân chống lại đói nghèo và lạc hậu. Đã có rất nhiều các phát minh, sáng kiến trong các lĩnh vực nông nghiệp được tạo ra từ bàn tay và khối óc bình dị, sáng tạo và yêu lao động của những người nông dân chân lấm tay bùn như: sáng kiến của ông Huỳnh Thái Dương ở Bình Thuận tạo ra chiếc máy bóc vỏ, lẩy hạt ngô, nhằm tiết kiệm thời gian, công sức cho người lao động hay sáng kiến cải tiến giàn phun thuốc diệt rầy nâu của ông Dương Văn Thuận, 48 tuổi ở Tiền Giang được nhiều nông dân trong vùng đến tham quan, học hỏi hoặc anh Vũ Đình Phúc (ở phường 7 - thành phố Đà Lạt) đã chế tạo ra chiếc máy xay các loại phế phẩm nông nghiệp để làm phân bón hữu cơ bón cho cây trồng...
![]() |
... Và đừng bao giờ để chiến tranh trở lại... |
Trong chiến tranh, vũ khí thô sơ tự tạo là dũng khí, là khao khát tự do, độc lập thì trong thời bình, những máy móc tự chế từ sáng kiến của những người dân ở trên là ước mong dân giàu, nước mạnh. Vì vậy, nên chăng, ngay từ bây giờ, chúng ta hãy chuẩn bị để đón chờ một cuộc triển lãm về những phát minh sáng kiến trong mọi lĩnh vực.
Anh Thư