Tính đến nay, chiến dịch quân sự của Nga tại Syria để tiêu diệt IS đã được gần 3 tháng. Cả thế giới đã chứng kiến chiến đấu cơ công nghệ cao, máy bay ném bom hạng nặng, tàu chiến tối tân cũng như tàu ngầm khủng của quân đội Nga oach tạc, tiêu diệt hàng trăm mục tiêu của IS mỗi ngày.
Tuy nhiên, quân đội Nga còn huy động một loại vũ khí đặc biệt, không trực tiếp “lộ diện”, song không kém phần ấn tượng và có vai trò đáng kể trong cuộc chiến chống khủng bố của nước này. “Vũ khí” bí mật này chính là các vệ tinh của Nga trong không gian.
Moscow từng tuyên bố, họ đã huy động 10 vệ tinh trong không gian của Nga tham gia hỗ trợ tác chiến với nhiệm vụ lập bản đồ địa hình Syria, xác định các mục tiêu, thu thập thông tin tình báo, chuyển tiếp tín hiệu vô tuyến, giúp các lực lượng trên không, trên biển và trên mặt đất hoạt động và phối hợp với nhau hiệu quả hơn.
Đại tướng Valery Gerasimov, Tổng Tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Nga từng tiết lộ với báo chí rằng, 10 vệ tinh quân sự của nước này đang đảm nhiệm nhiệm vụ chụp ảnh, do thám và trinh sát cho các lực lượng Nga tại Syria. Đặc biệt, theo ông Gerasimov, quỹ đạo của một số vệ tinh đã được chỉnh lại để chỉ tập trung vào Syria.
Điện Kremlin đã bắt đầu huy động các nguồn lực không gian – vũ trụ vào cuộc chiến chống khủng bố ở Syria ngay từ những ngày đầu của chiến dịch. Tại thời điểm đó, việc triển khai trên dù được truyền thông nhà nước Nga nhắc đến, song ít gây chú ý.
Chỉ đến khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay ném bom Su-24 của Nga ngày 24/11 khiến Moscow sau đó công bố một loạt ảnh chụp vệ tinh nhằm chứng minh Ankara mua dầu mỏ của IS vào đầu tháng 12, “vũ khí” đặc biệt và quan trọng của Nga trong chiến dịch quân sự tại Syria mới lộ diện và gây chú ý.
Vệ tinh trong không gian của Nga đang đóng vai trò đáng kể trong chiến dịch quân sự của nước này tại Syria
“Nga hiện là một trong nước sở hữu các nhóm vệ tinh lớn nhất và hiệu quả nhất thế giới. Và chúng (các vệ tinh của Nga) đã hoạt động tối đa để hỗ trợ các hoạt động quân sự ở Syria”, theo báo Russia Beyond the Headlines do chính phủ Nga quản lý.
Dĩ nhiên, Mỹ cũng đã tận dụng nguồn lực không gian – vũ trụ trong các chiến dịch quân sự mà nước này phát động trong nhiều thập kỷ qua.
Các vệ tinh của Mỹ cũng đã được huy động để dẫn đường cho bom thông minh, giúp các lực lượng quân sự truyền tải tín hiệu, và thu thập thông tin tình báo.
Cho đến nay, Mỹ vẫn dẫn đầu thế giới về tiềm lực không gian – vũ trụ, với khoảng 400 vệ tinh trong quỹ đạo Trái đất, trong đó, bao gồm gần 200 vệ tinh phục vụ cho lĩnh vực quân sự, theo số liệu của Hiệp hội các nhà khoa học UCS (Union of Concerned Scientists) của Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ). Theo UCS, Nga đứng thứ 2, sau Mỹ khi sở hữu 89 vệ tinh, trong đó, 50 vệ tinh phục vụ cho lĩnh vực quân sự.
Đặc biệt, theo The Daily Beast, Điện Kremlin gần đây đã tái cơ cấu lại nguồn lực không gian – vũ trụ và hiện những vệ tinh hiện đại nhất, tinh vi nhất của nước này đang được tận dụng để hỗ trợ cho các lực lượng Nga trong cuộc chiến chống khủng bố của Nga tại Syria.
Theo chuyên gia chuyên nghiên cứu về chương trình không gian của Nga Anatoly Zak, Điện Kremlin đã huy động vệ tinh vẽ bản đồ tối tân Bars-M, vệ tinh radio Garpun, vệ tinh nghe lén điện tử Lotos-S cũng như Resurs-P2 và Persona, hay còn gọi là vệ tinh do thám, được trang bị máy quay có độ phân giải cao.
Ông Anatoly Zak lưu ý thêm rằng, Persona là vệ tinh chuyên phục vụ mục đích quân sự, và cũng là "vệ tinh trinh sát tối tân nhất của Nga". Trong khi đó, Resurs-P2 không tinh vi bằng Persona, được sử dụng cho cả mục đích quân sự và dân sự.
Nhận định về Resurs-P2, chuyên gia này viết: “Nó có thể được dùng để chụp lại những đối tượng đơn lẻ trên bề mặt trái đất, cũng như để thăm dò một khoảng đất rộng lớn lên tới 2.000 km".
Ông cũng cho rằng, mỗi ngày Resurs-P2 có thể ghi lại hình ảnh với độ phân giải cao trên diện tích 80.000 km2, tức gần một nửa diện tích Syria.
Cũng theo ông Anatoly Zak, những hình ảnh vệ tinh mô tả hàng nghìn xe chở dầu của IS đang di chuyển về hướng cảng Thổ Nhĩ Kỳ do Bộ Quốc phòng Nga công bố ngày 3.12 là do vệ tinh Persona hoặc Resurs-P2 chụp.
Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay ném bom Su-24 của Nga ngày 24.11 vì cho rằng nó vi phạm không phận nước này. Tuy nhiên, Nga bác bỏ tuyên bố của Thổ Nhĩ Kỳ và nhấn mạnh rằng, Su-24 bị bắn hạ khi đang bay trong không phận Syria.
Để trả đũa, Nga áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt kinh tế nhắm vào Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời công bố một loạt bằng chứng, bao gồm ảnh chụp vệ tinh tố Ankara “làm ăn” với IS, khi mua dầu mỏ của tổ chức khủng bố khét tiếng này.