Máy bay chở vàng, miếng mồi của không tặc
"Cathay Pacific Airways đã kiềm chế không đưa ra tuyên bố sớm hơn bởi sự việc không tưởng đến nỗi khó tin", giám đốc Sydney de Kantzow phát biểu vào ngày 31.7.1948, 15 ngày sau khi một trong những máy bay đổ bổ Catalia của hãng này, chiếc Miss Macao, biến mất khỏi bầu trời.
Đây là vụ máy bay thương mại bị không tặc tấn công lần đầu tiên trong lịch sử. Chiếc máy bay đã rơi xuống biển khiến 26 trong tổng số 27 người trên đó thiệt mạng.
Năm 1948, Cathay Pacific vẫn đang ở giai đoạn sơ khai, khởi đầu là chi nhánh vận tải hàng không của Công ty Xuất nhập khẩu Roy Farrell thành lập năm 1946 tại Thượng Hải. Nhiệm vụ của hãng hàng không này khi ấy là vận chuyển bất cứ thứ gì từ Úc có thể bán được.
Sau đó, hoạt động vận chuyển hàng hóa và hành khách bắt đầu phát triển nhanh chóng. Khi việc kinh doanh của Farrell bùng nổ, Hong Kong trở thành một trung tâm hoạt động ngày càng quan trọng. Xứ cảng thơm có vị trí địa lý thuận lợi, tình hình Trung Quốc đại lục đầy biến động cũng không hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Chính vì thế, Farrell và de Kantzow quyết định gây dựng doanh nghiệp tại Hong Kong.
Thời bấy giờ, 2 chiếc thủy phi cơ PBY Catalina đã được Cathay mua lại từ Ủy ban Thanh lý của Không quân Mỹ tại Manila cho mục đích cụ thể. Khi ấy, Hong Kong bị cấm không được nhập khẩu vàng miễn phí do Thỏa thuận Bretton Woods nhưng Ma Cao thì không. Cathay phát hiện ra xu hướng vận chuyển vàng đến Hong Kong trên những chuyến bay tới Ma Cao để phục vụ nhu cầu của Tưởng Giới Thạch.
Ma Cao không có đường băng, ban đầu người ta thử ném những thùng vàng ra khỏi cửa phụ của máy bay DC3 khi nó bay là là trên trường đua ngựa nhưng không thành công.
Sau đó, de Kantzow nhận ra những chiếc thủy phi cơ chính là giải pháp. Và thế là những chiếc Catalina bắt đầu thực hiện các chuyến bay khứ hồi 2 lần/ngày giữa Hong Kong và Ma Cao, vận chuyển hành khách và vàng. Nhưng 2 "mặt hàng" này không bao giờ đi cùng nhau bởi "sự pha trộn này là đơn thuốc thảm họa".
Xác chiếc Miss Macao tại căn cứ hải quân Ma Cao.
Vụ cướp máy bay sơ khai và ly kỳ nhất thế giới
Vào lúc 17h30 ngày 16.7.1948, chiếc Catalina VR- HDT do Dale Cramer, 27 tuổi lái chính và Ken McDuff, 23 tuổi làm lái phụ, Delca da Costa, 22 tuổi là tiếp viên rời Hong Kong lần cuối cùng.
Trong cuốn hồi ký của phi công Eather, ban đầu, cả Cramer lẫn Mc Duff đều không bay chuyến này. Vào buổi tối định mệnh đó, Cramer đã thay thế một phi công bị đau tai cấp tính còn McDuff thay thế cho vị trí cơ phó của chuyến bay buổi sáng. Anh này bị rơi xuống bùn vì xác định sai vị trí hạ cánh máy bay.
Một nhân viên Cathay khác lẽ ra cũng không có mặt trên chuyến bay ngày hôm ấy là Frost. Một nhà báo tên Alan Marshall đã rút khỏi chuyến bay do bị đau chân, và thế là Frost nhảy vào lấp chỗ trống để giết thời gian trong lúc chờ cô vợ mới cưới làm đầu.
Hệ thống liên lạc trên máy bay thời bấy giờ còn rất nguyên thủy nên việc chiến máy bay biến mất không được phát hiện ra ngay lập tức. Mặc dù các nhân viên bắt đầu lo lắng khi Miss Macao không đến Kai Tak đúng 18h30 như dự kiến nhưng không một ai ở Hong Kong biết đến thảm họa cho tới khi de Kantzow bay đến Ma Cao để tìm hiểu vụ việc vào ngày hôm sau.
Đến nơi, ông biết là có một người sống sót là Wong Yu-man, anh ta được 2 ngư dân đưa vào bờ lúc 21h15. Cả 2 ngư dân cho biết họ đã nhìn thấy chiếc máy bay rơi xuống sau khi cất cánh để trở về từ Ma Cao nhưng không thể xác định chính xác vị trí.
Do đó, lực lượng cảnh sát biển Ma Cao, hải quan Trung Quốc cùng với ngư dân bắt đầu tiến hành tìm kiếm. Một máy bay của Lực lượng không quân Hoàng gia Anh, một của Hải quân Mỹ và chiếc Catalina khác của hãng Cathay cũng tham gia tìm kiếm từ trên không.
Cơ trưởng Dale Cramer.
Chiếc tàu hơi nước SS Merry Moller chạy từ Hong Kong tới Ma Cao chạy qua khu vực máy bay rơi đầu tiên vào lúc 15h20 chiều 17.7. Thi thể đầu tiên được tìm thấy trong cùng ngày bị trôi dạt tới đê chắn sóng của Ma Cao. Cuối cùng, xác máy bay được tìm thấy gần Kau Chau, cách Ma Cao khoảng 16 km về phía đông bắc.
Ban đầu,theo một nguồn tin thì có 11 người thiệt mạng, người duy nhất trong số thành viên phi hành đoàn sống sót là McDuff. Tuy nhiên, thông tin này không chính xác.
Bí ẩn ngày càng sâu sắc và người duy nhất sống sót được báo chí mô tả là "người nghèo nhất trong số các hành khách", hiện điều trị tại bệnh viện ở Ma Cao, bị gãy cánh tay phải và chân phải, không nói chuyện được.
Công việc cứu hộ vẫn tiếp tục và nó bị gián đoạn vài ngày do bão cho tới khi người ta phát hiện ra những viên đạn đã được sử dụng trong xác máy bay. Ngày càng có nhiều suy đoán mới xuất hiện.
Nhưng phải đến tận ngày 26/7 tờ SCMP mới bắt đầu tính đến khả năng máy bay bị cướp. Ủy viên cảnh sát Ma Cao L.A.M Paletti nói rằng 4 triệu phú chết trên Miss Macao càng củng cố giả thuyết này. Vợ của một triệu phú nói với Paletti rằng chồng bà mang theo 500.000 Đô la Hong Kong khi lên máy bay.
Trong lúc mọi chuyện rối ren, tờ Post đưa tin: "Paletti cho rằng một băng đảng cướp biển có thể đã lên kế hoạch đánh rơi máy bay, bắt giữ 4 người đàn ông giàu có. Trong số 5 kẻ tình nghi thì có một người là phi công Trung Quốc".
Sự thật cuối cùng được hé lộ từ người sống sót duy nhất, cũng là người đáng nghi nhất. "Ban đầu, anh ta nói năng không mạch lạc. Vì thế, cảnh sát đã đặt máy ghi âm giấu dưới giường bệnh gần anh ta.
Ngoài ra, cảnh sát cũng cải trang làm người bệnh ở giường bên cạnh. Dần dần, Wong đã nói ra tất cả những gì mình biết". Cảnh sát đã có thể khoanh vùng khoảng 6-7 đối tượng để thẩm vấn.
Nhóm không tặc này đã lên kế hoạch ép máy bay hạ cánh xuống nơi nào đó hẻo lánh và cướp hành khách. Sau đó, chúng sẽ đưa họ tới giam cầm ở một hòn đảo xa xôi và đòi tiền chuộc.
Thủy phi cơ bay từ đến Ma Cao khi nơi này chưa có đường băng.
Lúc đầu có 3 kẻ chủ mưu chính là Chio Tok, Chio Kei-mun và Chio Cheong, tất cả đều là dân làng Nam Mun, nằm ở đông nam Tao Mun. Về sau, Chio Kei-mun được thay thế bởi Siu Chek-kam. Wong Yu-man, một nông dân 24 tuổi, bị kéo vào âm mưu này bởi anh ta hiểu biết về bờ biển và biết nơi nào có thể giấu máy bay.
Chúng lên kế hoạch tại nhà của Chio Lek-chan, một gã bị vợ bỏ. Khu vực mà Chio Lek-chan sống là quận Chung San, nơi ở nổi tiếng của cướp biển tại Ma Cao.
Chio tok từng học lái máy bay Catalina tại Manila. Nhóm không tặc này đã nghiên cứu đường bay của Matco giữa Ma Cao và Hong Kong.
Sáng ngày 16.7, nhóm không tặc này đã dành 20 pataca (đơn vị tiền của Ma Cao) để mua sắm âu phục. 3 trong số 4 thành viên của nhóm ăn mặc bảnh bao, mang theo súng ngắn bước lên máy bay. Chio Tok và Chio Cheong đảm bảo họ ngồi sau phi công. Khoảng 7-8 phút sau khi máy bay cất cánh, chúng hành động. Chio Cheong chộp lấy McDuff còn Chio Tok chiếm quyền kiểm soát máy bay từ Cramer
Sau đó, có thể một vài hành khách đã can thiệp, vụ xả súng diễn ra ngay trên máy bay. Và thế là cảnh tượng thảm khốc xảy ra, tiếng khóc, tiếng la hét, sự nổi giận, những phát súng, những cơ thể vật lộn ngay trên lối đi...
Trong cuộc hỗn chiến, Chio Tok đã bắn vào đầu Cramer. Thi thể phi công gục xuống bảng điều khiển khiến chiếc máy bay lao xuống biển không thể cứu vãn.
Trong số những hàng khách thiệt mạng có triệu phú Wong Chung-ping, chủ sở hữu của công ty vàng Hang Shun. Theo báo chí địa phương, ông này đã mang lên máy bay 3.000 lượng vàng.
Cho đến nay, vụ cướp này vẫn được sử dụng làm ví dụ điển hình cho sự lỏng lẻo của luật hàng không quốc tế. Trong 30 năm tiếp theo, các vụ không tặc ngày càng thường xuyên.
Trong giai đoạn 1948-1957, trung bình chỉ hơn một sự cố mỗi năm, nhưng từ 1968-1977 đã tăng lên 41 sự cố mỗi năm. Phải đến sau vụ khủng bố 11.9 các quốc gia mới dần nâng cấp các biện pháp an ninh hàng không và kiểm tra an ninh chặt chẽ hơn đối với hành lý xách tay và đồ dùng cá nhân trước khi lên máy bay.
Các hãng hàng không cũng đã thiết lập các quy trình bảo vệ buồng lái, đào tạo tốt hơn cho phi hành đoàn nên số vụ không tặc đã giảm đi.