Theo đó, Hội đồng xét xử tuyên bị cáo Dương Văn Hòa (cựu Hiệu trưởng Trường Đại học Đông Đô) 12 năm tù. 2 bị cáo là cựu Phó hiệu trưởng là Trần Kim Oanh bị phạt 10 năm tù, Lê Ngọc Hà bị phạt 9 năm tù cùng về tội Giả mạo trong công tác.
Ngoài án phạt tù, Hội đồng xét xử TAND thành phố Hà Nội còn tuyên buộc 3 bị cáo trên bị cấm đảm nhiệm các chức vụ, việc làm trong ngành giáo dục trong vòng từ 3-5 năm kể từ khi chấp hành xong hình phạt tù.
7 bị cáo còn lại, gồm: Trần Ngọc Quang (Phó trưởng Phòng Quản lý đào tạo và quản lý sinh viên) bị phạt 6 năm tù, không áp dụng hình phạt bổ sung; Nguyễn Thị Huệ (cựu Trưởng Phòng Tài chính, kế toán) lĩnh 3 năm tù, phạt bổ sung 10 triệu đồng; Phạm Vân Thùy nhận 30 tháng tù; Lê Thị Thanh Tâm 30 tháng tù treo; Nguyễn Thị Ngọc Thái lĩnh 24 tháng tù treo; Lê Thị Lương 15 tháng tù treo và Ngô Quang Hiển 12 tháng tù treo.
Về trách nhiệm dân sự, Hội đồng xét xử TAND thành phố Hà Nội buộc trường Đại học Đông Đô nộp hơn 7,1 tỷ đồng khoản thu lời bất chính từ việc cấp bằng giả học viên để sung công Nhà nước.
Bản án xác định các bị cáo phạm tội thuộc trường hợp nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm các hoạt động hợp pháp của cơ quan tổ chức, gây dư luận xấu, bất bình, mất niềm tin trong xã hội và làm giảm chất lượng đào tạo sau đại học của nói chung.
Cơ quan tố tụng cho biết chủ mưu của vụ án là Trần Khắc Hùng, Chủ tịch HĐQT Đại học Đông Đô. Tuy nhiên, hiện Hùng đang trốn truy nã nên cơ quan điều tra sẽ xử lý khi bắt được bị can này.
Hội đồng xét xử nhận định, quá trình đào tạo, Trường Đại học Đông Đô chưa làm thủ tục đề nghị và chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo văn bằng 2, trong đó có văn bằng 2 ngành ngôn ngữ tiếng Anh.
Căn cứ vào chỉ tiêu tuyển sinh các năm từ 2015-2017 và Đề án tuyển sinh năm 2017-2018, đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo xét duyệt đăng trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ, từ tháng 4/2017, Trần Khắc Hùng (Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đại học Đông Đô – hiện đang bỏ trốn) đã chỉ đạo Dương Văn Hòa, Trần Kim Oanh ký các thông báo tuyển sinh hệ văn bằng 2 chính quy ngành ngôn ngữ Anh.
Đối với 210 người được cấp bằng, giấy chứng nhận giả, cơ quan điều tra xác định 76 người đã sử dụng làm nghiên cứu sinh, học thạc sĩ, kê hồ sơ công chức, viên chức, thi tuyển công chức, nâng ngạch và thăng hạng viên chức. Những người này đã tự nguyện giao nộp lại số văn bằng giả để nhà chức trách xử lý, tiêu hủy theo quy định pháp luật.
Cơ quan điều tra cũng kiến nghị cơ quan chủ quản xem xét, xử lý trách nhiệm của công chức, viên chức, đảng viên được cấp văn bằng, giấy chứng nhận giả; đồng thời kiến nghị các cơ sở đào tạo xem xét, hủy kết quả sử dụng văn bằng giả.