Vụ nhiều cán bộ chủ chốt Trường Đại học Đông Đô bị bắt: Hé lộ những thủ đoạn gian dối

GD&TĐ - Vụ án Giả mạo trong công tác, liên quan đến nhiều cán bộ của Trường Đại học Đông Đô đang được Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) tích cực làm rõ. Theo thông tin riêng của Báo GD&TĐ, một số cán bộ làm việc tại cơ quan Nhà nước đang “xài” bằng mua từ trường đại học này.

Các đối tượng đã bị khởi tố trong vụ nhiều cán bộ chủ chốt Trường ĐH Đông Đô bị bắt
Các đối tượng đã bị khởi tố trong vụ nhiều cán bộ chủ chốt Trường ĐH Đông Đô bị bắt

Cấp bằng thần tốc

Các đối tượng đã bị khởi tố, bắt tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú gồm có: Dương Văn Hòa (SN 1983, Hiệu trưởng Trường Đại học Đông Đô); Trần Ngọc Quang (SN 1962, Phó Trưởng phòng Đào tạo và Quản lý sinh viên); Phạm Vân Thùy (SN 1981), Lê Thị Lương (SN 1996) cùng là cán bộ Trường Đại học Đông Đô. Các bị can này đều bị điều tra về tội danh Giả mạo trong công tác quy định tại Điều 359 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Theo điều tra của Báo GD&TĐ, cuối năm 2018 cơ quan bảo vệ pháp luật nắm được thông tin về việc buông lỏng quản lý trong việc cấp văn bằng 2, ngôn ngữ Anh tại Trường Đại học Đông Đô. Đối tượng là những người có nhu cầu cần văn bằng để hoàn thiện hồ sơ. Người có nhu cầu qua “cò”, chung chi tiền, không phải học mà vẫn được hợp lý hóa đầu vào, lấy nhanh bằng đại học chính quy chỉ trong thời gian tính bằng tuần hoặc lâu lắm là một vài tháng.

Mức phí với những học viên dạng này được Đại học Đông Đô thông báo là 35 triệu đồng/học viên, khi qua “cò”, con số có thể đẩy lên rất cao. Lãnh đạo Đại học Đông Đô mở rộng chân rết tuyển sinh bằng chủ trương liên kết với các trung tâm đào tạo bên ngoài và có ăn chia theo tỉ lệ.

Thủ đoạn là đăng thông tin tuyển sinh trên mạng Internet, mạng xã hội, khi người có nhu cầu đến gặp tìm hiểu thông tin, trung tâm môi giới sẽ giới thiệu hình thức đào tạo siêu tốc thông qua cán bộ của Đại học Đông Đô, chèn hồ sơ học viên vào danh sách lớp đã học trước đó. Để che mắt cơ quan quản lý Nhà nước, hợp thức hóa tấm bằng cấp cho người học thì Trường Đại học Đông Đô tổ chức thi (học viên chỉ việc chép đáp án có sẵn) đầu vào, thi hết học phần 25 môn học và thi tốt nghiệp cho học viên.

Toàn bộ quy trình này mất tối đa là 2 ngày và chậm nhất là 6 tháng sau học viên sẽ có văn bằng 2 ngôn ngữ Anh, hệ chính quy, mà không phải “mài quần” trên ghế giảng đường. Các lớp văn bằng 2 này có nhiều cái không: Không lập hội đồng chấm thi; không phê duyệt danh sách học viên, cán bộ coi thi; không camera giám sát trong phòng thi. Việc của học viên chỉ là chép đáp án vào giấy thi.

Xác minh ban đầu của cơ quan bảo vệ pháp luật cho thấy, với cách “làm ăn” này đã có số lượng rất lớn học viên được “ra lò” tại Trường Đại học Đông Đô với tấm văn bằng 2 ngôn ngữ Anh trên tay.

Ai “mua” bằng?

Việc làm như trên của những bị can nguyên là cán bộ tại Trường Đại học Đông Đô đang gây bức xúc trong dư luận. Họ đã tiếp tay cho một bộ phận dùng bằng cấp “mua” để thực hiện các mục đích cá nhân, gây sụt giảm lòng tin trong xã hội. Vụ án đang được cơ quan bảo vệ pháp luật tích cực làm rõ.

Tìm hiểu của Báo GD&TĐ ngày 6/8 cho thấy, nhiều cán bộ đang công tác tại một số cơ quan Nhà nước trên địa bàn TP Hà Nội được cho là liên quan đến việc dùng văn bằng 2, ngôn ngữ Anh được cấp bởi Trường Đại học Đông Đô.

Chiều 6/8, phóng viên liên hệ với ông Đoàn Trung Kiên - Giám đốc Học viện Tư pháp (Bộ Tư pháp), đặt vấn đề tìm hiểu về thông tin hai giảng viên của trường được cho là dùng văn bằng 2 ngôn ngữ Anh do Trường Đại học Đông Đô cấp. Ông Kiên cho biết: “Hiện tại, chúng tôi chưa nhận được bất cứ thông tin chính thức nào. Tôi cũng nghe trên báo có thông tin nhưng sau đó tìm không thấy. Chúng tôi đang chờ thông tin để có thể phối hợp làm rõ”.

Cũng trong chiều 6/8, Báo GD&TĐ liên hệ với ông Trịnh Hồng Sơn - Giám đốc Trung tâm Điều phối tạng quốc gia để hỏi về thông tin một cán bộ có liên quan đến nghi vấn mua bằng. Ông Sơn cho biết, ông đang đi mổ và chưa nắm được thông tin. Báo GD&TĐ đã nhiều lần liên hệ, nhắn tin đến số máy được cho là của một cán bộ tại trung tâm trên để xác minh thông tin, nhưng vị cán bộ này không hồi âm.

Báo GD&TĐ cũng đã liên hệ đến một số cá nhân khác liên quan đến nghi án sử dụng văn bằng 2 ngôn ngữ Anh do Đại học Đông Đô cấp, song cũng chưa nhận được câu trả lời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.