Vụ bằng giả trường Đại học Đông Đô: Cựu Hiệu trưởng bị đề nghị từ 12-13 năm tù

GD&TĐ - Sáng 24/12, phiên tòa xét xử vụ cấp bằng giả xảy ra tại Trường Đại học Đông Đô tiếp tục với phần nêu quan điểm luận tội và đề nghị mức án đối với 10 bị cáo của đại diện Viện kiểm sát

Cựu Hiệu trưởng trường Đại học Đông Đô bị đề nghị mức án lên đến 13 năm tù

Đại diện Viện kiểm sát sau khi phân tích tính chất, mức độ phạm tội của từng bị cáo đã đề nghị Hội đồng xét xử phiên sơ thẩm TAND thành phố Hà Nội xử phạt Dương Văn Hòa (cựu Hiệu trưởng Trường Đại học Đông Đô) từ 12-13 năm tù về tội Giả mạo trong công tác.

Cũng với tội danh trên, đại diện Viện kiểm sát đề nghị xử phạt Trần Kim Oanh (cựu Phó Hiệu trưởng) từ 9-10 năm tù. Các bị cáo còn lại lần lượt bị đề nghị mức án từ 12 tháng tù, cho hưởng án treo, đến 10 năm tù với cùng tội danh.

Đại diện Viện kiểm sát cũng đề nghị Hội đồng xét xử tuyên buộc Trường Đại học Đông Đô phải nộp lại ngân sách Nhà nước số tiền thu lời bất chính là hơn 7,1 tỷ đồng.

Theo đại diện cơ quan công tố, Trường Đại học Đông Đô được thành lập từ năm 1994. Hội đồng quản trị nhà trường do bị can Trần Khắc Hùng (hiện đang bỏ trốn) làm Chủ tịch. Đến năm 2017, trường này chuyển đổi sang loại hình trường đại học tư thục và được đào tạo 19 mã ngành trình độ Đại học hệ chính quy.

Viện kiểm sát đánh giá, Trường Đại học Đông Đô chưa làm thủ tục đề nghị và chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo văn bằng 2 Tiếng Anh, nhưng từ năm 2017 đến 2019, Trần Khắc Hùng đã chỉ đạo Ban giám hiệu và các phòng ban triển khai tuyển sinh.

Các bị cáo tại phiên toà xét xử. Ảnh: T.L.
Các bị cáo tại phiên toà xét xử. Ảnh: T.L.

Trong quá trình tuyển sinh, Trần Khắc Hùng thấy một số cá nhân có nhu cầu sử dụng văn bằng 2 tiếng Anh để thi nâng ngạch, thi công chức nên đã chỉ đạo các bị cáo làm giả văn bằng 2 hệ chính quy để cấp cho hàng trăm trường hợp và thu lời bất chính hơn 7,1 tỷ.

Cũng theo đại diện Viện kiểm sát, trong thời gian từ tháng 4/2018-3/2019, Trần Khắc Hùng đã chỉ đạo làm và cấp 431 bằng giả và giấy chứng nhận giả cho người mua.

Cơ quan tố tụng đã làm rõ 210 trường hợp mua bằng giả của Trường Đại học Đông Đô, còn 221 trường hợp đã xác định danh tính nhưng không nắm được nơi cư trú.

Theo đại diện cơ quan công tố, các bị cáo đều là những người có trình độ học vấn cao, hiểu biết pháp luật song phạm tội vì động cơ vụ lợi. Sai phạm của các bị cáo làm mất niềm tin trong xã hội và làm giảm chất lượng đào tạo sau đại học nói chung.

Tuy nhiên, quá trình điều tra và thẩm vấn tại tòa, các bị cáo đều thành khẩn khai báo, thừa nhận hành vi. Nhiều bị cáo có nhân thân tốt, đã nộp lại tiền thu lời bất chính nên được hưởng các tình tiết giảm nhẹ do phạm tội lần đầu.

Cựu hiệu trưởng đổ lỗi cho Chủ tịch Hội đồng quản trị

Trước đó, tại phiên xử ngày 23/12, bị cáo Dương Văn Hòa thừa nhận hành vi phạm tội. Tuy nhiên, bị cáo này nhiều lần cho rằng không được hưởng lợi gì, chỉ làm theo trách nhiệm của chức vụ hiệu trưởng mà mình đang giữ, nếu không làm sẽ bị đuổi việc.

"Hội đồng quản trị trường Đại học Đông Đô gồm 7 thành viên, trong đó Trần Khắc Hùng là chủ tịch Hội đồng quản trị. Về bản chất, trường là sở hữu của Hùng, các ban bệ được lập ra chỉ cho đầy đủ mà thôi", bị cáo Hòa khai tại phiên xử ngày 23/12.

Bị cáo Hòa khai rằng, chủ trương đào tạo văn bằng 2 tiếng Anh có từ cuối năm 2017, do Trần Khắc Hùng quyết định. Việc đào tạo này không hợp pháp, không đúng quy trình đào tạo và chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng ý cấp phép. Theo phân công, bị cáo Hòa có nhiệm vụ ký, đóng dấu vào văn bằng giả, các bị cáo khác chịu trách nhiệm hợp thức hóa và phát hành bằng.

Bị cáo Dương Văn Hòa tại phiên tòa. Ảnh: VOV.
Bị cáo Dương Văn Hòa tại phiên tòa. Ảnh: VOV.

Về lý thuyết, học viên theo học sẽ phải tham gia đủ 71 tín chỉ, thi tốt nghiệp để được cấp bằng. Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận hồ sơ học viên, trường đại học Đông Đô không tổ chức thi đầu vào, không đào tạo theo tín chỉ mà hướng dẫn học viên hợp thức hóa các bài thi bằng hình thức phát đề và đáp án cho học viên chép lại. Cá biệt có trường hợp còn không cần hợp thức hóa bài thi nhưng vẫn được cấp bằng.

Bị cáo Trần Kim Oanh (cựu Hiệu phó kiêm Viện phó Viện đào tạo liên tục trường Đại học Đông Đô) cũng khai rằng mọi việc đều làm theo chỉ đạo của Trần Khắc Hùng.

Theo bị cáo này, Trần Khắc Hùng là người quyết định chủ trương cấp bằng giả. Việc này không thông qua Hội đồng quản trị mà triển khai tại các cuộc họp của Ban giám hiệu và các phòng ban nhà trường.

Theo cáo trạng, từ tháng 4/2018 đến tháng 3/2019, Trần Khắc Hùng và đồng phạm đã làm, cấp bằng, giấy chứng nhận giả cho 431 trường hợp, thu lợi bất chính hơn 7,1 tỷ đồng.

Trong vụ án này, Trần Khắc Hùng là người có vai trò chủ mưu, khởi xướng, tổ chức và chỉ đạo các bị can khác thực hiện hành vi phạm tội.

Tuy nhiên, do Trần Khắc Hùng đã bỏ trốn nên Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đã ra quyết định tạm đình chỉ điều tra bị can, khi nào bắt được xử lý sau.

Người được xác định đồng phạm, giúp sức tích cực thực hiện hành vi phạm tội với Trần Khắc Hùng là nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Đông Đô - Dương Văn Hòa. Nội dung cáo trạng thể hiện bị cáo này biết rõ việc làm và cấp văn bằng 2 tiếng Anh không qua tuyển sinh, đào tạo là vi phạm pháp luật nhưng vẫn ký 429 bằng giả.

Trong đó, Cơ quan điều tra đã làm rõ 210 trường hợp được cấp văn bằng giả, xác định được họ tên, tuổi, nơi cư trú, chức vụ, đơn vị công tác. Còn lại 221 trường hợp được cấp văn bằng giả đã xác định được họ tên, tuổi, người được cấp bằng nhưng không xác định được nơi cư trú, đơn vị công tác.

Bên cạnh đó, Dương Văn Hòa còn ký các văn bản quyết định về việc công nhận tốt nghiệp đại học hệ văn bằng 2 chính quy đợt 1, năm 2018 ngày 25/5/2018; quyết định về việc công nhận tốt nghiệp hệ đại học, hệ văn bằng 2 chính quy đợt 1, năm 2018 bổ sung số 315 ngày 2/8/2018; quyết định về việc công nhận tốt nghiệp đại học hệ văn bằng 2 chính quy đợt 1, năm 2018 bổ sung số 514 ngày 2/10/2018; quyết định về việc công nhận tốt nghiệp hệ đại học văn bằng 2 chính quy đợt 2 năm 2018 số 633, ngày 5/12/2018.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.