(GD&TĐ) - Những ngày gần đây, việc định đoạt số phận của “kẻ đào tẩu” Edward Snowden lại có những diễn biến mới. Số là sau khi Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đích thân kêu gọi Tổng thống Ecuador Rafael Correa không cấp quy chế tị nạn chính trị cho Edward Snowden, ông Correa dịu giọng và hướng mũi tên sang Moskva. Điều đó cũng có nghĩa rằng Ecuador rút khỏi vai trò người định đoạt số phận của Snowden. Ngay sau đó, Tổng thống Nga V.Putin tuyên bố: Snowden có thể ở lại nước Nga với điều kiện ông ấy phải chấm dứt những hành động làm tổn thất cho nước Mỹ.
V.Putin: Edward Snowden có thể ở lại Nga nếu chấm dứt mọi hành động làm tổn hại đến Mỹ |
Ecuador trước “cây gậy và củ cà rốt”
Cuộc điện đàm với Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 29/6 được Tổng thống Ecuador Rafael Correa đánh giá là hết sức “cởi mở và thân thiện”. Trước yêu cầu không cấp tị nạn chính trị cho Snowden, Rafael Correa phân bua: “Chúng tôi không tạo ra tình huống này. Snowden tiếp xúc với Assange (nhà sáng lập Wikileaks - người đang tị nạn tại Đại sứ quán Ecuador ở London) và vị này đã khuyên ông ấy xin tị nạn ở Ecuador.
Để yêu cầu này được xem xét, ông ấy phải hiện diện trên lãnh thổ Ecuador”. Giờ đây, theo lời Tổng thống Rafael Correa “quyền quyết định đang ở trong tay chính quyền Nga”. Tuyên bố này cho thấy quan điểm của nhà lãnh đạo Ecuador đã thay đổi. Còn nhớ trước đây chưa lâu, ông Correa nhiều lần tuyên bố sẵn sàng bảo vệ cựu nhân viên CIA và NSA, coi đó là chủ quyền của Ecuador.
Khi các Thượng nghị sĩ Mỹ đe dọa hủy bỏ các ưu đãi thương mại với Ecuador nếu chính quyền nước này tiếp tay cho “kẻ chạy trốn”, Rafael Correa tuyên bố sẵn sàng đơn phương rút khỏi các ưu đãi thương mại của Mỹ, thậm chí đề nghị cấp 23 triệu USD cho “cuộc đấu tranh vì nhân quyền” - số tiền Ecuador nhận được hàng năm trong khuôn khổ ưu đãi thương mại.
Tuy nhiên, trong bài phát biểu trên truyền hình ngay sau cuộc điện đàm với Joe Biden, Rafael Correa nói không nhớ tuyên bố trên. Thay vào đó Correa ca ngợi “lòng nhân từ” của Joe Biden và ngỏ ý sẵn sàng thực hiện thỏa thuận với Washington nhằm trao trả hai anh em ông chủ ngân hàng chạy trốn là Roberto và William Isaias.
Như vậy, trước “cây gậy và củ cà rốt” của Mỹ, Ecuador đã đổi giọng. Nhận xét về quyết định của Rafael Correa, giáo sư ĐHTH Quito Jorge Aguirre cho rằng chính quyền Correa sẽ phải hứng chịu những chỉ trích nặng nề từ phía người dân Ecuador. Hành động của Correa chỉ là “màn sương khói” để đánh lạc hướng dư luận trước các vấn đề thực tế gây bức xúc như thông qua “bộ luật phát xít” với các phương tiện truyền thông - bộ luật chôn vùi tự do ngôn luận ở đất nước này.
Và Tổng thống Nga lên tiếng
Tờ The New York Times số ra chủ nhật (30/6) dẫn nguồn tin từ một quan chức của Cơ quan Di trú Nga khẳng định Snowden quyết xin tị nạn chính trị tại Nga. Có điều trên “Interfax”, người đứng đầu Cơ quan Di trú Liên bang Nga Konstantin Romodanovsky đã bác bỏ thông tin này. “Thông tin của tờ báo có uy tín của Mỹ không đúng sự thật” - Romodanovsky khẳng định.
Tuy nhiên, chỉ vài phút sau, Interfax đưa ra “thông tin như tia chớp” rằng trực ban tại phòng lãnh sự của Nga ở sân bay Sheremetyevo Kim Shevchenko khẳng định với báo giới: “Ngày 30/6, vào lúc 22h30, công dân Anh Sarah Harrison - người đại diện của Edward Snowden đã đến phòng lãnh sự Nga ở sân bay Sheremetyevo để truyền đạt lại đề nghị xin tị nạn chính trị của Snowden tại Nga”. Báo Los Angeles Times lại viết rằng Snowden trực tiếp gặp nhân viên của Bộ Ngoại giao Nga và đưa đơn xin tị nạn chính trị cho 15 quốc gia.
Ngày thứ hai (1/7), trong cuộc họp báo về kết quả Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 2 của Diễn đàn các nước xuất khẩu khí đốt, Tổng thống Nga V.Putin tuyên bố: Edward Snowden có thể ở lại nước Nga với một điều kiện chấm dứt mọi hoạt động làm tổn hại đến nước Mỹ.
“Nếu anh ấy (Edward Snowden) muốn đến đâu và ai tiếp nhận anh ấy thì xin mời. Nếu anh ấy muốn ở lại đây - có một điều kiện: Anh ấy phải chấm dứt mọi hoạt động làm tổn hại đến nước Mỹ - đối tác của chúng tôi” - V.Putin nói.
Tổng thống V.Putin cũng nhấn mạnh rằng “kẻ chạy trốn” Edward Snowden không có bất cứ liên hệ gì với các cơ quan an ninh Nga. “Tôi nhắc lại: Anh ấy không phải là điệp viên của chúng tôi, không hợp tác với chúng tôi, không hợp tác với chúng tôi hôm nay và chúng tôi không làm việc với anh ấy”- V.Putin tái khẳng định.
Theo Interfax, nếu Snowden được cấp tị nạn chính trị tại Nga, ông ấy có thể rời sân bay Seremetyevo. Tuy nhiên, cơ sở để xin tị nạn chính trị ở Nga khá phức tạp. Để nhận được quy chế tị nạn chính trị ở Nga, đương sự phải nhận được sự đồng ý của Cơ quan Di trú Liên bang, Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ và cuối cùng là Cơ quan An ninh Liên bang (FSB). Qua từng ấy “cửa” thẩm vấn, liệu Edward Snowden còn giữ được bí mật cho nước Mỹ và cho cả riêng mình?
Duy Long (TH)