Ví dụ điển hình là gói tín dụng ưu đãi trị giá 120.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư và người mua nhà ở các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Dù mức lãi suất thấp hơn từ 1,5 - 2% so với lãi suất cho vay bình quân của 4 ngân hàng thương mại Nhà nước nhưng đến nay cũng mới chỉ có hai ngân hàng ký hợp đồng tín dụng tài trợ với tổng số tiền cam kết cấp tín dụng 1.091 tỷ đồng cho 3 dự án; cam kết cấp tín dụng cho 2 dự án với số tiền cam kết 605 tỷ đồng và tổng số tiền đã giải ngân mới chỉ đạt 105 tỷ đồng.
Theo đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, khó khăn của gói tín dụng này là nguồn cung còn hạn chế. Hiện, mới có 23 UBND tỉnh, thành phố công bố danh mục dự án đủ điều kiện tham gia chương trình.
Trong số 54 dự án được công bố cũng mới chỉ có 5 dự án được phê duyệt cấp tín dụng. 30 dự án chưa có nhu cầu vay vốn; 11 dự án chưa đủ điều kiện cho vay, trong đó có 6 dự án còn gặp vướng mắc về mặt pháp lý; 8 dự án đang được các ngân hàng thương mại thẩm định...
Đây chỉ là một trong những “góc nhìn” về tình trạng vốn khó “vào” bất động sản. Tại Hội nghị Tín dụng đối với bất động sản và phát triển nhà ở xã hội do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức mới đây, đại diện các ngân hàng đã nêu nhiều nguyên nhân khác.
Cụ thể, đại diện một ngân hàng cam kết tham gia gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng cho biết, hiện các dự án đã được cấp phép nhưng vẫn có thể bị thu hồi. Điều này dẫn đến việc ngân hàng không những phải thẩm định hồ sơ pháp lý của dự án, mà còn phải rà soát, đánh giá hồ sơ pháp lý qua nhiều năm.
Vướng mắc pháp lý khiến thời gian triển khai dự án kéo dài, đẩy chi phí đầu tư tăng, trở thành rào cản tiếp cận vốn vay ngân hàng của các chủ đầu tư. Mặt khác, do một số quy định pháp luật còn chồng chéo, chưa ứng dụng được vào thực tế, hành lang pháp lý chưa đầy đủ cũng ảnh hưởng đến quyền lợi của người mua và gây khó khăn cho ngân hàng khi cho vay và nhận tài sản bảo đảm.
Đại diện một ngân hàng khác thì cho biết, khó khăn, vướng mắc của tín dụng bất động sản trong thời gian qua chủ yếu do vấn đề về pháp lý. Không riêng gì các dự án bất động sản mà cả các dự án cho vay tiêu dùng cũng vướng mắc.
Theo thống kê của ngân hàng này, từ năm ngoái đến nay đã duyệt khoảng 26.000 tỷ đồng giá trị các dự án nhưng mới giải ngân được khoảng 8.000 tỷ đồng. Khoảng 18.000 tỷ đồng vẫn đang chờ giải quyết các vướng mắc về pháp lý như cấp phép xây dựng, giải phóng mặt bằng, chuyển đổi giá trị quyền sử dụng đất…
Thực tế, không chỉ lĩnh vực bất động sản mà ở nhiều lĩnh vực khác, việc tiếp cận nguồn vốn còn gặp nhiều khó khăn. Lý do thì có nhiều và cả bên vay, bên cho vay đều có những lý lẽ riêng. Tuy nhiên, vấn đề ở đây không phải chỉ là “kể khó” mà cần có giải pháp cụ thể để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc kể cả mới phát sinh hoặc đã tồn tại kéo dài.
Như khẳng định của đại diện một ngân hàng tại Hội nghị Tín dụng đối với bất động sản và phát triển nhà ở xã hội thì ngân hàng chưa có bất kỳ chính sách nào để siết chặt cho vay bất động sản, thậm chí còn mở rộng các đối tượng cho vay mua bất động sản. Nhưng ngân hàng kinh doanh là có rủi ro, mà rủi ro lớn thì phải thẩm định chặt chẽ hơn. Do đó, doanh nghiệp cũng phải cung cấp chính xác, minh bạch về tài chính.
Vậy nên, khi đã xác định được nguyên nhân thì điều quan trọng là cần có giải pháp đồng bộ, trong đó trọng tâm là những chính sách đúng và trúng. Đặc biệt là sự cộng đồng trách nhiệm của cả bên vay và bên cho vay.