Đằng sau tiến độ giải ngân

GD&TĐ - Vốn đầu tư công là nguồn lực rất quan trọng để giải quyết những nhu cầu đặt ra cho phát triển, cả về kinh tế và xã hội.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Sáng 27/11, Thường trực Chính phủ họp với các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương về kiểm điểm, đánh giá tình hình, đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.

Theo số liệu tại hội nghị, ước giải ngân đến hết tháng 11/2023 đạt gần 461 nghìn tỷ, bằng 65,1% kế hoạch Thủ tướng giao, cao hơn 6,77% và cao hơn 122,6 nghìn tỷ về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2022.

Bên cạnh đó, có 21/52 bộ, cơ quan Trung ương và 30/63 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng giao với tổng số vốn gần 16,2 nghìn tỷ đồng.

Có 43 bộ, cơ quan Trung ương và 28 địa phương giải ngân dưới mức trung bình của cả nước; trong đó 15 bộ, cơ quan Trung ương chỉ giải ngân được dưới 15%, 8 địa phương giải ngân dưới 50%. Còn nhiều dự án lớn, trọng điểm quốc gia còn chậm tiến độ, bố trí kế hoạch và giải ngân vốn đầu tư chậm…

Mặc dù giải ngân đầu tư công thường có xu hướng tăng mạnh vào dịp cuối năm, song thời gian còn lại của năm ngân sách rất ít ỏi, vỏn vẹn còn một tháng, trong khi nguồn vốn chưa giải ngân còn rất nhiều, khoảng 247 nghìn tỷ đồng. Với thực trạng này, mục tiêu giải ngân ít nhất 95% kế hoạch được giao năm 2023 – yêu cầu Thủ tướng đặt ra với các bộ, ngành, địa phương – là một thách thức rất lớn.

Vốn đầu tư công là nguồn lực rất quan trọng để giải quyết những nhu cầu đặt ra cho phát triển, cả về kinh tế và xã hội. Tỷ lệ giải ngân đầu tư công không như mong đợi có thể sẽ ảnh hưởng đến kết quả tăng trưởng kinh tế. Một dự án nếu giải ngân chậm trễ kéo dài thì rất có thể sẽ trở thành gánh nặng cho nền kinh tế ngay cả khi ban đầu được đánh giá có hiệu quả cao.

Và nếu dự án không bảo đảm chất lượng - điển hình là đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi vốn đầu tư 34 nghìn tỷ đồng nhưng mưa vài trận đã hỏng - thì hậu quả nặng nề chẳng kém và người dân cũng không được thụ hưởng xứng đáng với những đồng tiền thuế đã nộp.

Vì thế, bên cạnh tiến độ giải ngân đầu tư công, điều cần được quan tâm không kém chính là năng lực hấp thụ vốn cũng như chất lượng công trình, dự án.

Theo đó, một mặt, Chính phủ cần thực hiện sớm và kiên quyết việc cắt, giảm vốn các dự án giải ngân chậm, điều chuyển cho các dự án có khả năng giải ngân trong thời gian còn lại của năm ngân sách.

Mặt khác, cũng nên chấp nhận một kết quả mang tính khả thi, tránh gây sức ép giải ngân bằng mọi giá, vì điều này vừa khiến dự án không bảo đảm chất lượng, vừa ảnh hưởng đến hiệu quả vốn đầu tư, lại có thể là nguồn cơn của những sai phạm trong quản lý ngân sách.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ