Ông bảo, ông viết văn: “Chỉ với ước mong nhỏ nhoi mỗi chúng ta nên gắng đồng hành với cái thiện, tránh xa cái ác, sống đẹp hơn, nhân ái hơn.
Mong sao, mỗi chúng ta đều thiết lập được một tòa án lương tâm, tự mình phán xét, tự mình thanh lọc để sống tốt, sống đẹp”!
Biết TS Dương Thanh Biểu là cán bộ ngành Kiểm sát gặt hái nhiều thành công trong các vụ án tôi hỏi nguyên do. Ông giãi bày: Nghề Kiểm sát không chỉ cần giỏi về pháp luật mà còn phải luyện cho mình phong cách làm việc, phương pháp tư duy sáng tạo, cẩn trọng, khách quan và khoa học. Mọi sự qua loa, đại khái, chủ quan, nóng vội về nhận thức và phương pháp tiến hành đều dễ dẫn đến sai lầm.
Đáp lại sự “thóc mách” của tôi chỉ ngần ấy ngôn từ, nhưng ông lại minh chứng cả lô lốc những mẩu chuyện lý thú từ những ngày đầu về ngành Kiểm sát. Ấy là vụ việc người dân dị nghị về quan hệ bất chính của chàng trai xã nọ, ở huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình với người phụ nữ có chồng là bộ đội, đã bị nữ Chủ tịch xã nâng lên như một “án điểm”.
Cho dù đó chỉ là dư luận, chưa rõ thực hư, thiếu chứng cứ. Khi ấy, ông Viện trưởng Kiểm sát của huyện lại thiếu kiên quyết trước thái độ quá tả của nữ Chủ tịch xã, trong đó có sự dè dặt, né lựa chiều gió của Biểu cùng một cán bộ cơ quan tập sự nghề tại đây.
Kết cục cuộc họp toàn dân bị vỡ bung vỡ bét, bên bị hại bị người ta đè ra xẻo tai để dằn mặt bên ủng hộ Chủ tịch xã cố ý làm to chuyện để “ghi công, đánh bóng” tuổi tên cho mình, như một bài học đắt giá theo suốt cuộc đời Biểu!...
Ngừng lời, ông đưa mắt nhìn tôi vẻ chua chát. Tôi xen vào: “Được biết, ông đã tham gia cả trăm vụ án, vụ nào cũng để lại ấn tượng khó quên”! Đôi mắt trong trẻo, lời nhỏ nhẹ, ông hỏi lại: “Nhà báo muốn nói đến vụ án nào nhất”?
Tôi nói ngay: “Đánh án lớn thì ấn tượng nhất là vụ gián điệp Lê Quốc Túy, vụ án mang bí số N2 Đồng Nai, vụ không tặc Lý Tống, vụ buôn bán ma túy xuyên quốc gia Vũ Xuân Trường - Siêng Phênh... Án giải oan thì phải kể đến: “Giải oan giữa lòng Hà Nội”, án “phản quốc” của Tạ Đình Đề”...
Ông đã viết thành sách dưới dạng hồi ký, hấp dẫn, lý thú, quyết liệt và cũng rất nhân văn nên người đọc quý trọng ông. Dù là kiểm sát viên hay khi là lãnh đạo cao cấp (Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao), ông luôn vững vàng về chính trị, giỏi và tinh thông nghiệp vụ, bản lĩnh, kỷ cương, công tâm và trách nhiệm...
Ông không nói, nhưng chúng tôi biết, vụ án Vũ Xuân Trường, vụ án ma túy lớn nhất từ trước đến thời điểm đó, có rất nhiều bị can nguyên là cán bộ đấu tranh chống ma túy. Nhiều bị can phạm tội làm sai lệch hồ sơ vụ án phải ra hầu tòa và một loạt cán bộ cỡ cấp cục của Tổng cục Cảnh sát bị kỷ luật.
Vụ án này do Vụ 2C Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trực tiếp kiểm sát điều tra. Người lãnh đạo Vụ 2C lúc đó chính là Dương Thanh Biểu. Các bị can đã dùng nhiều thủ đoạn để mua chuộc nhưng không thể khuất phục được lý trí và đạo đức của những người cầm cán cân công lý như ông!
Ông bắt lời: “Đúng thế! Nghề Kiểm sát chẳng những phải làm rõ chứng cứ buộc tội để không bỏ lọt tội phạm, mà còn phải làm rõ chứng cứ gỡ tội, giải oan cho người vô tội. Khi là người giúp việc “nghiên cứu hồ sơ”, tôi đã chỉ rõ những thủ thuật xấu của kẻ cố tâm kết nối với những người xấu trong cơ quan công quyền để rắp tâm chiếm đoạt căn hộ của chính chủ cho mượn để ở khi khó khăn.
Kết quả, tòa phúc thẩm đã xử trả lại nhà cho người cho mượn... Tương tự, khi ở cương vị có chức quyền, tôi đã kỹ càng, cẩn trọng xem xét, đưa ra những chứng cứ chắc chắn để gỡ tội cho ông Tạ Đình Đề không phạm tội phản quốc”!
Giọng sâu lắng, lời chắt ra từ tim gan, Biểu nói: “Tôi không thể nào quên lời ông Đề khi tôi và Thượng tướng Hoàng Minh Thảo tới thăm lúc ông bệnh trọng. Giọng thều thào, ông nói với Thượng tướng: “Tôi yếu lắm rồi anh Thảo ạ.
Chẳng sống được bao nhiêu nữa”! Rồi nhìn sang tôi, giãi bày: “Lúc còn khỏe, tôi có đơn gửi các cấp có thẩm quyền đề nghị xem xét bồi thường cho tôi vì bị bắt giam oan hơn 4 năm trời. Nhưng nay tôi nghĩ lại, cái đó cũng do nhận thức và năng lực của cán bộ, và tại cơ chế cả thôi. Họ chẳng cố ý hại mình làm gì. Bây giờ tôi đã được các cơ quan pháp luật giải oan.
Cổ nhân dạy, chín bỏ làm mười, vì thế, tôi không đặt vấn đề bồi thường nữa”! Tôi nắm tay ông, lòng cảm phục. Thông thường người đời bị oan ức thì căm giận kẻ làm oan, nhưng ông Đề lại có cách nhìn vị tha. Đây là lời nói thật của một người sắp từ giã cõi đời mà vẫn thể hiện tâm đức lớn lao, nhân hậu, khoan dung.
Trước đây, Tạ Đình Đề đã dang rộng cánh tay cưu mang, che chở, rèn luyện những con người “cơ nhỡ” trở thành những nhà viết kịch lừng danh như Lưu Quang Vũ hay nhạc sĩ tài hoa Phan Lạc Hoa... thì giờ đây trái tim ông vẫn chan chứa vị tha, không giận hờn, không oán trách, lấy tình yêu thương để thay thù hận.
Lời trối trăng và ánh mắt dịu dàng cho tôi thấy, dường như Tạ Đình Đề muốn mọi chuyện trên đời này dịu xuống một cách bình yên để tâm hồn được thanh thản, để hóa giải hận thù thành tình yêu thương bất tử. Giây phút lâm chung, Tạ Đình Đề vẫn nguyên vẹn bản chất anh Bộ đội Cụ Hồ, vẹn nguyên người Cộng sản chân chính”.
Lịch sử rất đỗi công bằng, thời gian muôn đời là nhân chứng. Với sự nhìn nhận đánh giá mới, ngày 11/5/2007 Chủ tịch nước đã quyết định tặng Tạ Đình Đề Huân chương Độc lập hạng Ba, khẳng định ông là người có công với cách mạng!
Giọng chắc đinh, lời chí cốt, Biểu nói như thể nhắc chúng tôi phải ghi nhớ: Kiểm sát là nghề của những người nắm quyền năng pháp lý, cầm cân nảy mực, công tác Kiểm sát luôn luôn gắn với việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Nên, không ai khác, hơn ai hết chính chúng tôi, phải có đạo đức trong sáng, có phẩm chất chính trị vững vàng, nghiệp vụ tinh thông để đi đến tận cùng lẽ phải. Đối với tội phạm phải kiên quyết đấu tranh, nhưng đối với những trường hợp oan sai cũng phải kiên quyết tranh đấu bảo vệ họ.
Dù ở góc nhìn nào, đồng chí hay bị cáo, bị cáo bị tử hình cũng như người bị làm oan, đều phải hướng vào họ với một trái tim biết rung động, cảm thông, chia sẻ và cả những nuối tiếc, xót xa với thân phận, số kiếp con người... Như thế mới xứng là chiến sĩ chống “giặc nội xâm”!
Duyên nghề nghiệp, tôi có cơ thấm hiểu chuyện đời, chuyện nghề của Dương Thanh Biểu. Ông sinh ra ở làng Ngũ Phúc, xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn bên bờ sông Lam thơ mộng. Là con trai duy nhất trong gia đình nông dân nghèo, học giỏi, phía trước có nhiều ưu đãi nhưng Biểu vẫn nhất mực xin nhập ngũ.
Xa ba, xa chị em, xa mối tình đầu chớm nở với bạn gái cùng lớp... lên đường xung trận. Ông sống mái với Mỹ - Ngụy suốt những năm cuối (1969 tới 1973) khó khăn, gian khổ, ác liệt nhất của chiến trường Quảng Trị và Tây Nguyên. Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 28, Sư 10, Quân đoàn 3 của Dương Thanh Biểu tham chiến tại đây suốt những mùa mưa, mùa khô; suốt chiến dịch nối sang chiến dịch; thắng lợi và hy sinh, vui, buồn, được, mất đan xen từng ngày, từng giờ.
Biểu tham gia hết thảy những trận đánh lớn; quyết liệt như ở Khe Sanh (Quảng Trị), Chư Đô, Plei Cần, Đắc Siêng, điểm cao 601 của Tây Nguyên. Mưu trí, dũng mãnh, quyết liệt, tài thao lược đã sớm đưa Dương Thanh Biểu trở thành Đại đội trưởng Đại đội 1 thuộc Tiểu đoàn 1.
Biểu được kết nạp Đảng ngay trên chiến hào còn khét lẹt mùi đạn bom... Trong trận quyết chiến ở Bắc Định, Kon Tum được coi là “Đêm trước Hiệp định Paris về Việt Nam” tháng 2/1973, Biểu bị thương nặng nên phải ra Bắc điều trị.
Trớ trêu, khi trở về thì nỗi đau ập đến: Cha đã chết vì bom Mỹ; chị cả Liên tiều tụy vì bệnh tật, các em đều đi ở đợ; nhà cửa xơ xác, tiêu điều... và Thoa - mối tình đầu - đẹp như mơ cũng chết vì bom Mỹ trên đường đi học về... Tất cả như sụp sập. Như ngã quỵ. Như sạch trơn. Trắng tay... Nhưng, ý chí cách mạng của người chiến sĩ Cộng sản, của người lính Cụ Hồ thành nguồn lực kỳ diệu thôi thúc Biểu đứng dậy, đi tiếp.
Ý chí ấy cũng là nguồn sức mạnh giúp ông không ngừng học tập, rèn giũa, hết sức, hết lòng với công việc ở Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, ngay từ khi là cán bộ (tháng 12/1974) đến khi “quyền to, chức lớn” mà ông gọi đó là “Trận tuyến chống giặc nội xâm”!
Hơn 45 năm dạn dày, kiên định đánh giặc ngoại xâm và “nội xâm”, khi nghỉ hưu, TS Dương Thanh Biểu lại như con tằm nhả tơ, lần lượt cho ra đời tới chục đầu sách quý. Ông viết cho nghề Kiểm sát tới 6 đầu sách; viết dưới dạng văn học, hồi ký, tiểu thuyết; ký nhân vật với 5 tập.
Tập nào cũng đầy đặn, hấp dẫn, bổ ích khiến tôi nhận rõ, thì ra suốt cuộc đời không khi nào ông ngừng xung trận. Viết cho nghề là những cuốn chuyên khảo thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp.
Sách không chỉ luận giải bản chất, mục đích của công tác kiểm sát, các trình tự, thủ tục pháp lý trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp mà còn nêu lên nhiều kinh nghiệm nghiệp vụ bổ ích cho các kiểm sát viên và những người có chức danh trong hoạt động tư pháp như điều tra viên, thẩm phán và luật sư...”.
Tôi đăm đắm nhìn ông. Tóc đã lém đém bạc, bước đi chậm chạp, quầng mắt chớm thâm sâu. Những khi trái gió, trở giời vết thương thời trận mạc và bệnh tật luôn hành hạ... Tôi gạn hỏi: “Sao ông lại đam mê viết sách”?
Giọng nồng ấm, ông bảo: “Chỉ với ước mong nhỏ nhoi mỗi chúng ta nên gắng đồng hành với cái thiện, tránh xa cái ác, sống đẹp hơn, nhân ái hơn. Mong sao, mỗi chúng ta đều thiết lập được một tòa án lương tâm, tự mình phán xét, tự mình thanh lọc để sống tốt, sống đẹp”!...
Vậy là, thời gian trôi càng khắc đậm chân dung “TS Dương Thanh Biểu - Suốt cuộc đời miên man trận mạc”!