Nhà văn Võ Thu Hương: Tác phẩm in SGK là món quà ý nghĩa

GD&TĐ - Nhà văn Võ Thu Hương (hội viên Hội Nhà văn Việt Nam) cho biết chị có ba tác phẩm được in trong sách Tiếng Việt 2, Ngữ văn 6 và một truyện ngắn trong sách Bài tập Ngữ văn 6 của bộ sách Chân trời sáng tạo...

Nhà văn Võ Thu Hương cùng con gái - trong dịp ra mắt sách “Cảm ơn một khúc bình yên”.
Nhà văn Võ Thu Hương cùng con gái - trong dịp ra mắt sách “Cảm ơn một khúc bình yên”.

Bộ sách giáo khoa (NXB Giáo dục Việt Nam, 2021) này được sử dụng kể từ năm học 2021 - 2022. 

- Sau 10 năm gắn bó với nghề báo, chị chuyển hướng sang viết văn. Lý do của sự chuyển đổi này?

Tôi vốn không phải là học sinh giỏi văn. Tuy vậy, có may mắn khi học lớp 8, tôi và vài bạn thích làm thơ trong lớp được cô giáo dạy Sinh học giới thiệu cho một người bạn của cô, là nhà thơ, nhà báo Vũ Toàn làm báo Nghệ An. Tòa soạn báo nằm kề bên trường cấp hai nên qua gửi bài cộng tác rất tiện.

Chú Vũ Toàn là người đầu tiên chỉ cho tôi cách viết văn. Chú rất ý tứ khi ban đầu tôi đến gửi bài, là một tập thơ mà lọc mãi mới có thể chọn ra vài dòng ngắn ngủn để đăng báo; có lẽ vì muốn động viên con bé nhiệt tình viết lách hơn là vì chất lượng. Và chú gợi ý tôi viết văn xuôi thay vì tiếp tục làm thơ.

May sao, khi viết văn xuôi, viết truyện, tôi được chú khen, động viên viết tiếp.

Vào đại học, tôi chọn chuyên ngành báo chí nhưng vẫn tiếp tục viết văn. Ngay từ năm nhất, tôi có cơ hội gặp nhà văn Đoàn Thạch Biền, Trần Quốc Toàn, nhà thơ Cao Xuân Sơn… Các chú phụ trách biên tập truyện ngắn trên các báo nên bên cạnh việc đọc bài đã chỉ dạy cho tôi cách viết sao “cho ra văn”, anh Cao Xuân Sơn có tủ sách ‘Tuổi mới lớn”, là nơi tôi được in tập sách đầu tiên… 

Sau 10 năm làm báo, tôi quay lại gắn bó với những trang văn, bởi nhận ra tính mình phù hợp với những công việc đòi hỏi sự đằm hơn là cuồng nhiệt. Kết quả, tôi cũng thu hoạch được vài giải thưởng “be bé”: Giải B cuộc vận động sáng tác Làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh (giai đoạn 2010 - 2015), giải B truyện ngắn Thế kỷ mới – sáng tác mới Báo Mực Tím…  

Ảnh chụp 2 tác phẩm: “Góc nhỏ yêu thương” và “Quê mình đẹp lắm” của Võ Thu Hương trong sách “Tiếng Việt 2” của bộ sách Chân trời sáng tạo (NXB Giáo dục Việt Nam, 2021).
Ảnh chụp 2 tác phẩm: “Góc nhỏ yêu thương” và “Quê mình đẹp lắm” của Võ Thu Hương trong sách “Tiếng Việt 2” của bộ sách Chân trời sáng tạo (NXB Giáo dục Việt Nam, 2021).

- Có tác phẩm được chọn in trong sách Tiếng Việt lớp 2 và Ngữ văn 6 của bộ sách Chân trời sáng tạo (NXB Giáo dục Việt Nam, 2021), cảm giác của chị thế nào?

Những tác phẩm trong sách lớp 2 (gồm 1 đoạn văn ngắn Góc nhỏ yêu thương, 1 truyện ngắn Quê mình đẹp nhất trong SGK và 1 đoạn văn ngắn trong sách bài tập) do cô chủ biên liên hệ qua sự giới thiệu của Kim Hòa – một bạn viết mà tôi quý mến. 

Yêu cầu của nhóm biên soạn nghe có vẻ đơn giản: Súc tích, ngắn gọn, dễ hiểu, mang tính giáo dục, hướng trẻ đến với tình yêu con người, cuộc sống, yêu văn chương, ngôn ngữ Tiếng Việt… Ban đầu, những yêu cầu ấy khiến tôi và vài người bạn cùng tham gia cảm thấy: “Ồ, dễ mà, văn mình viết cho thiếu nhi bình thường cũng đã thế”. Nhưng khi viết theo yêu cầu của người biên soạn SGK mới biết khá “trần ai”.

Chỉ một đoạn văn nhưng sửa tới cả chục lần. Một truyện ngắn phải đủ tính hấp dẫn, cao trào, thắt nút mở nút nhưng chỉ giới hạn 200 chữ chẳng khác gì đánh đố. Nhưng lúc ấy, phần vì nể cách làm việc kiên nhẫn, đầy tâm huyết của nhóm biên soạn, phần vì nghĩ đến việc câu chữ của mình có cơ hội được trẻ con đọc nhiều hơn nên luôn nhủ lòng cố gắng. 

Còn tác phẩm “Con muốn làm một cái cây” (sách Ngữ văn 6) và “Chỉ là em gấu đi lạc” (Bài tập Ngữ văn 6) là do chị Nguyễn Thị Minh Ngọc (thành viên nhóm biên soạn) chủ động rút ra từ tập truyện ngắn Góc nhỏ yêu thương (NXB Kim Đồng). Để phù hợp với chương trình giảng dạy, hai chị em đã cùng bàn nhau thay đổi một vài chi tiết so với tác phẩm gốc.

Chị Ngọc kĩ lưỡng tới mức chỉ biên tập một hai từ, một câu ngắn cũng trao đổi với tác giả. Ví dụ như chi tiết trong truyện gốc: Em bé thương em gấu đi lạc (một em gấu bông bạn nhỏ nào đó đã đánh rơi ngoài đường) nên hai chị em rủ nhau ra đường lúc trời mưa để cứu em gấu về nhà. Vào SGK phải thay đổi lại là: Hai chị em phải nhờ mẹ cứu em gấu về vì để bảo đảm an toàn giao thông đối với trẻ nhỏ…

Với nhiều nhà văn việc có tác phẩm in trong SGK là món quà ý nghĩa trong nghề. Tác phẩm của mình có hàng vạn học sinh đọc mỗi năm. Nếu tôi tính cả hai lớp 2, 6  có đến hàng triệu bản. 

Chúng tôi vẫn đùa với nhau rằng, có cơ hội in sách vạn bản. Cá nhân tôi, là mẹ của một bé học lớp 3. Ở tuổi đó bọn trẻ con thường thuộc lòng cả văn lẫn thơ. Chỉ nghĩ tới việc nhiều đứa trẻ thuộc lòng truyện của mình, câu chữ của mình được bọn trẻ con học cũng đã là một niềm vui ý nghĩa. 

Nhà văn Võ Thu Hương.
Nhà văn Võ Thu Hương.

- Tác phẩm của chị hướng đến thiếu nhi, phụ nữ, gia đình. Phải chăng có điều gì khiến chị nặng lòng?

Tôi viết nhiều về mảng đề tài thiếu nhi, phụ nữ, gia đình – là những điều gần gũi nhất với cuộc sống của mình. Đối với tôi, sẻ chia những buồn vui của mình trên trang viết, tìm được sự đồng cảm cũng là hạnh phúc. Vì thế, tôi chọn cách “sống thật” trên trang viết của mình để được gần với hạnh phúc ấy hơn.

Tôi thường tranh thủ viết khi con đi học nếu không bận viết bài cho vài tờ báo vẫn cộng tác lâu nay hoặc lúc con đã ngủ. Đó là những khoảng thời gian tự do tối đa của tôi.

- Chị thường bắt đầu một tác phẩm mới như thế nào?

Tôi luôn nghĩ, nếu có những trải nghiệm sâu sắc sẽ có những trang văn hay. Trải nghiệm của mình, của người, của những nơi đi và đến, những người đã gặp, thân quen và cả chỉ một lần… nếu mình thực sự xúc động sẽ có thể khiến độc giả của mình xúc động.

Tôi chỉ là người sẻ chia bằng câu chữ. Vì thế, tôi tận dụng rất nhiều trải nghiệm đưa lên trang viết. Tôi không quá vất vả trong việc tìm cảm hứng sáng tác – có lẽ vì viết cũng đã khá lâu, lại có cả chục năm làm báo thường xuyên viết theo deadline… Nhưng tôi vẫn thích bắt đầu viết khi vui hoặc khi buồn, đó là những lúc trải lòng mình dễ nhất.

- Xin cảm ơn nhà văn!

Nữ nhà văn Võ Thu Hương có mặt ở cả sách Tiếng Việt 2 và Ngữ văn 6 của bộ sách Chân trời sáng tạo (NXB Giáo dục Việt Nam, 2021). Trong đó, các bài tập đọc Góc nhỏ yêu thương, Quê mình đẹp nhất (Tiếng Việt 2); truyện ngắn Con muốn làm một cái cây (Ngữ văn 6) và truyện ngắn Chỉ là em gấu đi lạc (Bài tập Ngữ văn 6 ) thuộc bộ sách này.
Ngày 9/2/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo có Quyết định số 709/QĐ-BGDĐT và Quyết định số 718/QĐ-BGDĐT phê duyệt 3 bộ SGK lớp 2, lớp 6 để đưa vào sử dụng từ năm học 2021 - 2022, trong đó, NXBGDVN có 2 bộ là “Kết nối tri thức với cuộc sống” và “Chân trời sáng tạo”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.