Từng đọc và biết đến Nhà văn Nguyên Hồng một thời vang tiếng văn đàn, nhưng khi về thăm tư gia của ông, được nghe người dân nơi đây kể mới biết, để có được tác phẩm nổi tiếng, nhà văn đã trải qua những năm tháng lao động nghệ thuật đầy gian khổ.
Lao động nghệ thuật đến kham khổ
Được các anh trong Hội Văn học nghệ thuật Bắc Giang giới thiệu và dẫn tới thăm tư gia của nhà văn Nguyên Hồng ở thôn Cầu Đen xã Quang Tiến, huyện Tân Yên. Nơi đây, trong kháng chiến chống Pháp là chốn đi về của các nhà văn Ngô Tất Tố, Kim Lân, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, nhạc sĩ Ðỗ Nhuận, các họa sĩ Trần Văn Cẩn, Tạ Thúc Bình... Và có thời, nơi đây được vinh danh là “Đồi văn hóa”.
Tất cả không như những gì chúng tôi nghĩ về gia sản của một tác giả với những tác phẩm mà một thời gây tiếng vang trên văn đàn như: “Bỉ vỏ”, “Những ngày thơ ấu” “Linh Hồn” “Cửa biển”, “Núi rừng Yên Thế”… lại đơn sơ đến vậy.
Đó là một ngôi nhà ngói 3 gian cũ kỹ dựng trong khuôn viên hơn một nghìn mét vuông trên quả đồi cạnh chân rừng vùng Yên Thế. Ngôi nhà hiện không có ai ở, nhưng được con cháu ông giữ nguyên trạng.
Nhìn những kỷ vật là đồ dùng hàng ngày có giá trị mà ông để lại được con cháu ông lưu giữ cho tới ngày nay khiến chúng tôi vô cùng xúc động, từ cái mũ lá rách, cái be rượu cho đến cái bàn, mà nghe kể đã đồng hành cùng nhà văn từ năm 1947 khi gia đình ông chuyển về đây sinh sống. Chiếc bàn này chỉ cao chừng hơn gang tay, nên ông thường phải ngồi xệp xuống chiếu mới viết được.
Anh Châu Giang - Hội viên Hội Văn học nghệ thuật Bắc Giang cho biết, câu chuyện về cuộc sống của Nhà văn Nguyên Hồng dường như bất cứ người dân nào ở đây cũng đều biết qua những câu chuyện được truyền lại giống như một giai thoại đẹp.
Thay vì người ta tưởng tượng về một nhà văn thường thấy, thì mọi người nhận ra ông chính là một lão nông tri điền. Cuộc sống khó khăn, ông vừa viết, vừa làm, đánh gộc rừng bó củi, quẩy nước từ suối lên, quần quật cả ngày. Lúc rảnh rỗi, ông xắn tay đắp cho vợ cái chuồng gà, khi thì dọn vườn, xới đất, chăm cây như một lão nông thực thụ.
Ðêm ở đồi rừng, ông lấy tiếng gà gáy sang canh làm đồng hồ báo thức để dậy đọc sách, rồi ào ra sân chào ngày mới đang bắt đầu bằng những bài tập thể dục để lấy sức rồi viết tiếp. .. Vậy mà tại đây, ông đã hoàn thành bộ Cửa biển (4 tập), mô tả cuộc sống và con người Việt Nam những năm 1939 - 1945.
Biết ơn mảnh đất đã nuôi dưỡng tâm hồn và tạo cảm hứng trong sáng tác, vào những năm cuối đời, ông viết tiểu thuyết lịch sử Núi rừng Yên Thế (3 tập), nói về cuộc nổi dậy của người anh hùng Đề Thám.
Trở thành nhà giáo trong lòng dân
Dẫn chúng tôi từ nhà riêng của ông đến Trường THCS Nguyên Hồng chỉ khoảng vài trăm mét, các hội viên Hội Văn học nghệ thuật Bắc Giang cho biết: Đây là ngôi trường xưa kia mang tên Trường THCS Quang Tiến được đổi thành Trường THCS Nguyên Hồng vào năm 1988, nhân kỷ niệm lần thứ 70 ngày sinh của nhà văn Nguyên Hồng.
Lý do đổi tên vì trong những năm tháng sống ở vùng này, nhà văn Nguyên Hồng có rất nhiều “duyên nợ” với trường, với thầy và trò nơi đây... Vốn nhà ông ở ngay cạnh trường, nên ông thường xuyên sang trường thăm thày trò, khi thì có ấm trà ngon sang mời thầy, khi xuống phố về có gói kẹo sang chia cho lũ học trò. Hay khi có tác phẩm mới được in, xuất bản ông đều gửi tặng nhà trường với lời đề tặng giản dị mà thân thiết.
Nhất là ông thường xuyên sang trao đổi với các thầy cô về cách dạy HS tiếp cận tác phẩm văn học, cách đánh giá chấm điểm bài tập làm văn của học trò… Nhiều khi ông còn giúp các học trò nhỏ sửa câu văn, chính tả… như tình cảm ông dạy cháu… Cứ như vậy, ông với thầy trò nhà trường gắn bó như thể ngôi trường là gia đình ông vậy.
Nghe người dân nơi đây kể, xưa kia ngôi trường Quang Tiến chỉ có mấy ngôi nhà tuềnh toàng xây bằng gạch đá ong, mái lợp rạ. Biết nhà trường có ý định “ngói hóa” phần mái các phòng học, ông đã bày tỏ nguyện vọng muốn được dành toàn bộ số tiền nhuận bút vừa lĩnh để ủng hộ nhà trường để mua ngói lợp phòng học.
Biết gia đình ông rất túng bấn, nhà trường không dám nhận, nhưng thấy ông nói không nhận thì sẽ không lui tới trường nữa, thế là ban giám hiệu phải hội ý để thống nhất nhận thể theo nguyện vọng của ông.
Sau đó, ba gian phòng học lợp ngói đầu tiên của trường Quang Tiến trên một quả đồi ở miền trung du nghèo hiện ra trong sự phấn khởi đến cảm động của thầy trò.
Chính vì thế sau khi ông qua đời, theo nguyện vọng của bao thế hệ thầy - trò Trường THCS Quang Tiến, cùng với sáng kiến đề nghị của Hội Văn nghệ tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang đã ra quyết định cho phép Trường THCS Quang Tiến mang tên nhà văn Nguyên Hồng.
Được biết, hằng tháng thầy và trò trong trường vẫn thay nhau đến khu mộ nhà văn dọn cỏ, thắp hương. Lãnh đạo địa phương cũng có kế hoạch thực hiện dự án cải tạo, tu bổ khu nhà Nguyên Hồng và phần mộ ông thành khu lưu niệm, là điểm du lịch văn hóa.
Và đặc biệt hơn, đối với người dân nơi đây mỗi khi nhắc ông, thay vì nói về “là nhà văn của mọi kiếp người”, mọi người còn nhắc đến ông trong sự kính nể, khâm phục về một nhà giáo dù ông chưa một ngày đứng bục giảng.