Vợ chồng đại gia đất Cảng ly hôn vì mâm cơm thiếu... nước mắm

Mâm cơm chỉ thiếu bát nước mắm mà chồng tôi bực dọc, hất đổ xuống sàn nhà. Tôi gạt nước mắt rời đi, để lại lá đơn ly hôn. 

Tôi và chồng lấy nhau được 5 năm và chuẩn bị kết thúc hôn nhân vì những lý do vụn vặt.

Chúng tôi vốn là bạn thời phổ thông. Sau này học đại học, đi làm mới gặp lại nhau và nảy sinh tình cảm.

Chồng tôi về Hải Phòng lập nghiệp và tạo dựng được cơ ngơi hoành tráng.

 

Ngày xưa, chồng tôi vẫn bị bạn bè trêu là “ông cụ”, vì khó tính và hay cằn nhằn. Ở lớp anh ít tụ tập hay đi chơi với mọi người. Phần lớn thời gian anh dành cho việc học.

Khi chúng tôi mới yêu, anh còn bộc lộ tính gia trưởng. Tuy vậy, tình yêu làm tôi mờ mắt nên mọi khuyết điểm cũng được xí xóa. Lúc đó tôi chỉ thấy ở anh sự chững chạc, hiểu biết và biết làm ăn.

Thế nhưng cuộc sống đời thường thay cho những mơ mộng màu hồng đã khiến tôi hụt hẫng.

Chồng tôi không chỉ khó tính, gia trưởng mà còn ích kỷ và độc đoán. Anh luôn cầu toàn và đòi hỏi mọi việc phải chỉn chu một cách hoàn hảo.

Tôi thừa nhận, anh giỏi giang, kiếm ra tiền. Ba mươi tuổi, anh có biệt thự, xe sang. 

Có lẽ vì kiếm ra tiền, thành công đến sớm nên anh ngạo nghễ, luôn cho rằng mình đúng. Bất cứ việc gì, từ lớn đến bé anh chưa bao giờ biết nhận sai.

Anh cho rằng việc nuôi dạy con hoàn toàn do phụ nữ. Con hư là do mẹ chưa dạy đến nơi đến chốn. Con ngoan và học giỏi là nhờ thừa hưởng trí thông minh từ anh.

Mặc dù thấy khó chịu với tính cách của chồng nhưng vì yêu và muốn vun vén gia đình nên tôi cố gắng dung hòa mọi thứ.

Tôi biết chồng thích vợ nấu ăn ngon nên tham gia một khóa nấu nướng, đáp ứng mọi sở thích của anh ấy.

Mỗi bữa, anh luôn yêu cầu có từ 3 món ăn trở lên, đồ ăn thức uống nấu theo mùa. Hôm nào tôi nấu chưa đúng ý hay nấu mà thiếu gia vị… anh bực dọc, quát um lên rồi bỏ ăn. Lâu dần, tôi bị ám ảnh khi nghĩ đến nấu nướng.

Nhiều lần, anh cả tuần không hỏi han vợ chỉ vì luộc rau bắp cải quên đập gừng cho vào.

Tôi ngỏ ý muốn thuê giúp việc nhưng anh phản đối. Chồng nói, không yên tâm để người khác sống trong nhà. Phương án thuê giúp việc theo giờ cũng không ổn.

Anh phân tích đủ lý do và cuối cùng chốt lại với câu: “Việc chăm sóc nhà cửa, chồng con là của phụ nữ. Em lười biếng mới thuê giúp việc”.

Nhiều lần tôi nhân lúc chồng vui vẻ, góp ý nhưng chồng bảo thủ, giữ nguyên quan điểm. Anh không biết lắng nghe và tiếp thu để tình cảm vợ chồng tốt đẹp hơn.

Tôi  mệt mỏi, tâm sự với bố mẹ, bày tỏ ý định ly hôn. Tuy nhiên, mẹ bảo tôi sướng quá hóa rồ. Theo mẹ tôi, việc chồng đưa ra yêu sách về bữa cơm như vậy cũng chẳng có gì quá đáng.

Ngoài tính nết khó chịu ra, anh còn chi li về tiền bạc. Tài chính anh tự quản lý và nắm giữ.

Kết hôn 5 năm, sinh 2 mặt con cho anh, tôi vẫn không biết anh có bao nhiêu tiền, tài sản có những gì. Hàng tháng anh đưa tôi duy nhất khoản tiền 30 triệu để chi tiêu gia đình.

Một lần, chồng đi công tác xa về, tôi cũng muốn nấu bữa cơm ngon, để chồng con thưởng thức, vợ chồng thêm gắn kết.

Tôi bày biện mâm cơm rồi mời chồng vào bàn. Trên mâm thiếu bát nước mắm, tôi lúc đó lại lúi húi lấy cơm cho hai đứa nhỏ ăn nên chưa kịp bổ sung.

Chồng tôi ngồi vào bàn bưng bát định ăn nhưng rồi lại buông đũa đứng dậy, mặt hằm hằm tức tối.

Tôi không hiểu chuyện gì, quay ra hỏi lý do anh bỏ ăn. Anh nói: “Dọn bữa cơm cũng không nên hồn, thiếu cả nước mắm. Cô vụng về cũng vừa thôi. Ở nhà bố mẹ chiều nên lấy chồng không làm gì ra hồn”.

Tôi nghẹn ứ cổ, tức tối đáp: “Thiếu có mỗi bát nước mắm, anh đứng dậy lấy có gì nặng nhọc đâu. Việc gì cũng phải đợi vợ phục vụ tận răng. Em nào có rảnh rỗi, một nách hai đứa con, rồi phục vụ chồng. Anh vô lý vừa thôi”.

Chồng tôi thoáng chút ngỡ ngàng vì bị vợ phản ứng nhưng sau đó anh bực dọc, hất đổ mâm cơm xuống sàn nhà.

Trước những hành xử của chồng, tôi gạt nước mắt rời đi, để lại lá đơn ly hôn.

Mâm cơm thiếu nước mắm chỉ là giọt nước tràn ly, đẩy cuộc hôn nhân vốn rệu rã của chúng tôi tan vỡ.

Tôi quyết định ly hôn liệu có vội vàng? Xin hãy cho tôi lời khuyên!

Theo vietnamnet.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

GD&TĐ - Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã vạch kế hoạch chuẩn bị lực lượng gìn giữ hòa bình để cứu chính phủ Ukraine hiện nay.