2 kịch bản cho Vnindex trong thời gian tới
Ngày 17/5 đánh dấu mốc hồi phục kỹ thuật của chỉ số Vnindex khi sau khoảng 2 tháng suy thoái và chạm ngưỡng 1.155 điểm. Đến tuần giao dịch từ 30/5 đến 3/6 chứng kiến Vnindex chinh phục thất bại ngưỡng 1.300 điểm và lui về mức 1.287.
Giới đầu tư đưa ra 2 kịch bản phát triển cho thị trường chứng khoán thời gian sắp tới. Kịch bản thứ nhất là Vnindex chỉ tăng trưởng ngắn hạn trong một chu kỳ giảm giá trung hạn.
Tức là sau khi chinh phục thất bại ngưỡng 1.300 điểm, Vnindex sẽ giảm qua mức hỗ trợ 1.155 điểm. Kịch bản hai là Vnindex sẽ giảm về mức 1.250 điểm và tăng trở lại.
Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (CSI), đánh giá: Thị trường chứng khoán có thể diễn biến theo kịch bản thứ hai, căn cứ vào các phiên giao dịch gần đây.
Cụ thể: Phiên giao dịch ngày 1/6, Vnindex đạt 1.299 điểm – không vượt được vùng kháng cự 1.300. Đến phiên giao dịch ngày 2 và 3/6 Vnindex không giảm giá mạnh mà vẫn có sự giằng co quanh ngưỡng 1.287 – 1.290 với thanh khoản ở mức thấp. Diễn biến trong phiên có sự giằng co quyết liệt giữa bên mua và bên bán. Bên bán chiếm ưu thế nhưng không mạnh.
Ông Đỗ Bảo Ngọc lý giải: Áp lực chốt lời trên thị trường ở mức 1.300 điểm là tất yếu khi nhiều nhà đầu tư bắt đáy cổ phiếu khi Vnindex ở mốc 1.155 hiện đã có lãi trên 10%. Tuy nhiên, lực cầu vẫn tương đối tốt khiến cho chỉ số
Vnindex không giảm mạnh. Đây là căn cứ để tin rằng, Vnindex sẽ diễn biến theo kịch bản thứ 2. Nếu Vnindex giảm mạnh, thủng mốc 1.155 thì đó là dấu hiệu thị trường sẽ diễn biến theo kịch bản giảm giá trung hạn.
Diễn biến 4 phiên giao dịch đầu tháng 6 cho thấy, thanh khoản thị trường đạt từ 15 – 18 nghìn tỷ đồng.
Phiên giao dịch ngày 6/6 mặc dù Vnindex tăng nhẹ ở 1.290 điểm, nhưng lực kéo chủ yếu ở nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn. Còn lại rất nhiều cổ phiếu giảm mạnh, thậm chí cổ phiếu bất động sản như DXG, DIG, FLC… giảm hết biên độ. Giới đầu tư gọi đây là hiện tượng “xanh vỏ đỏ lòng”, chứa đựng rủi ro trong ngắn hạn.
Các mã cổ phiếu được nước ngoài bán ròng nhiều nhất là HPG, STB, DXG, GMD, SSI, VNM, REE… Trong khi mua ròng DPM, DCM, MSN, VHM, Quỹ FUEVFVND, CTG…
Vnindex có thể vượt 1.300 điểm sau tháng 6
Ngày 6/6 chứng khoán Việt Nam có phiên tăng điểm trong bối cảnh thị trường châu Âu và châu Á có sự hồi phục mạnh mẽ.
Chỉ số FTSE100 và GDAXI – Dax Performance – Index của châu Âu tăng lần lượt 98.94 và 126.05 điểm. Trong khi đó, chỉ số Nikkei225 tăng 154.32 điểm, Hang Seng Index cũng tăng tới 539.34 điểm.
Căn cứ diễn biến hiện tại, ông Đỗ Bảo Ngọc cho rằng, Vnindex có thể vượt mốc 1.300 điểm sau tháng 6. Điều này là có căn cứ khi FED tiếp tục có những động thái kiềm chế lạm phát, tình hình chứng khoán thế giới có sự tăng trưởng tích cực, việc giải ngân đầu tư công trong nước được đẩy nhanh…
Một chuyên gia của VinaCapital tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam ngày 5/6 đánh giá: Thị trường chứng khoán Việt Nam đang giảm mạnh, nhưng đó chỉ là ngắn hạn. Về lâu dài thị trường sẽ ổn định trở lại. Nhà đầu tư cần bình tĩnh trong các quyết định giao dịch ở thời điểm này.
Đánh giá trên dựa vào một số căn cứ như: Giai đoạn 2016 – 2021, quy mô tăng trưởng thị trường vốn đạt 28,5%, đạt 134,5% GDP của năm 2021. Quy mô thị trường cổ phiếu đạt 93,8% GDP và quy mô thị trường trái phiếu đạt 39,7% GDP.
Ngoài ra, các vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán đang được cơ quan chức năng xử lý nhằm làm trong sạch thị trường, giúp môi trường đầu tư ổn định hơn.
Ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho biết: Bộ Tài chính đang hướng đến giải pháp xây dựng một sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, mục tiêu là giám sát tiền từ phát hành trái phiếu một cách chặt chẽ.
Trên các diễn đàn chứng khoán, nhiều nhà đầu tư cũng cho rằng, sau thời gian giảm giá mạnh, chứng khoán Việt Nam đang ở mức hấp dẫn nhà đầu tư. Tuy nhiên, dòng tiền chưa thể quay lại một cách mạnh mẽ do việc thanh lọc lớp nhà đầu tư mới và tâm lý của nhà đầu tư vẫn chưa thực sự ổn định trở lại.