Dấu hiệu VNINDEX tạo mặt bằng giá mới

GD&TĐ - Sau một tuần hồi phục, VNINDEX quay đầu giảm 2 phiên liên tiếp. Nhiều chuyên gia hi vọng, nhận định, VNI có dấu hiệu của việc tạo lập mặt bằng giá mới chuẩn bị cho chu kỳ up trend.

Diễn biến giá của VNI ngày 5/5.
Diễn biến giá của VNI ngày 5/5.

Tâm lý chốt lời

Từ ngày 7/4 - 26/4 có thể coi là thời điểm “kinh hoàng” với nhà đầu tư khi chỉ số VNINDEX (VNI) down trend (xu hướng giảm giá) giảm tới 17,58%. Có phiên giao dịch, chỉ số VNI bốc hơi tới 80 điểm – kỷ lục vô tiền khoáng hậu trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam. Hàng tỷ USD rút ra thị trường chứng khoán, thanh khoản toàn thị trường ở mức thấp…

Phiên giao dịch ngày 26/4 VNI cho tín hiệu đảo chiều khi tăng 4 phiên liên tiếp – lấy lại 8,44%. Nhiều chuyên gia cho rằng, phiên giao dịch ngày 26/4 khả năng cao sẽ đưa chỉ số VNI đến đà tăng trung hạn. Tuy nhiên, trên con đường đi lên ấy, VNI sẽ có những nhịp điều chỉnh để tạo sức bật mạnh hơn.

Đúng như dự đoán, sau kỳ nghỉ lễ 30/4, VNI có 2 phiên giảm điểm là ngày 4/5 giảm 18 điểm, ngày 5/5 tăng nhẹ, ở mức 0,89% so với giá mở cửa. Nhiều khả năng phiên giao dịch 6/5 VNI sẽ tiếp tục giảm điểm.

Theo một nhà môi giới của Công ty Cổ phần Chứng khoán VPS, chỉ số VNI giảm do tâm lý chốt lời ngắn hạn (T+) của nhà đầu tư nhỏ lẻ. Đây là điều tất yếu trong mỗi chu kỳ tăng giá.

Giới đầu tư cho rằng, có 2 kịch bản cho VNI. Kịch bản tồi tệ nhất là VNI rơi khỏi vùng hỗ trợ 1.261. Nếu thủng vùng hỗ trợ này, VNI còn vùng hỗ trợ liền sau là 1.225 – vùng này được tạo từ tháng 7/2021. Kịch bản khả quan là VNI điều chỉnh và sẽ tạo đáy thứ hai cao hơn đáy 1 (đáy 1 được thiết lập ngày 26/4) trong tuần giao dịch từ 9 - 13/5 sau đó sẽ phá đỉnh cũ để chính thức khẳng định giai đoạn up trend (xu hướng tăng giá).

Nhìn tổng quan thị trường thời gian tới, nhiều người cho rằng có nhiều yếu tố tiêu cực, ảnh hưởng đến cục diện chung. Đó là chiến tranh Nga – Ukaraine. Xung đột kinh tế, cấm vận giữa Nga với Mỹ - phương Tây ngày càng căng thẳng dẫn đến chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy hay FED liên tục tăng lãi suất...

Tuy nhiên, những tin xấu đó đã được phản ánh vào thị trường ở giai đoạn down trend trước đó. Ngoài ra, bối cảnh trong nước vẫn có nhiều yếu tố tích cực, hỗ trợ thị trường. Đó là việc Chính phủ đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, nhiều lĩnh vực trong nước được hưởng lợi do xung đột quốc tế như phân bón, thép, xuất khẩu… Tiếp nữa là nguồn đầu tư FDI vào Việt Nam liên tục tăng. 

Nhiều yếu tố để hình thành mặt bằng giá mới

Hết phiên giao dịch ngày 5/5, VNI có sự giằng co quyết liệt giữa bên mua và bên bán. Phiên sáng bên bán chiếm ưu thế, có lúc đẩy VNI giảm tới 17 điểm. Tuy nhiên, sang phiên chiều, lực cầu trở lại khiến VNI tăng 12 điểm so với phiên 4/4. Thanh khoản thị trường tiếp tục ở mức thấp với trên 15.240 tỷ đồng.

Toàn thị trường có 160 mã cổ phiếu tăng điểm, trong khi 272 mã giảm điểm và 48 cổ phiếu giá không đổi so với phiên giao dịch trước.

Đáng chú ý, nhóm trụ VN30 hút nguồn tiền lớn với 22/30 mã tăng điểm, 7 mã giảm điểm và chỉ có 1 mã đạt mức giá tham chiếu.

Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (tên viết tắt: CSI) cho rằng: Có nhiều yếu tố cho thấy thị trường thiết lập mặt bằng giá mới để bước vào giai đoạn up trend tiếp theo. Bởi ở giai đoạn giảm giá trước đó, VNI tạo một đáy khá thấp ở vùng 1.260 và hồi trở lại. Sau khi tiến sát mốc 1.400 thị trường có sự điều chỉnh trở lại là chuyện bình thường.

Ở nhịp điều chỉnh này, thanh khoản thị trường rất thấp. Bản chất, áp lực cung ngắn hạn là có. Vì nguồn cung T+ ở thời gian qua hầu hết là có lãi. Khi chu kỳ T+ về sẽ gây áp lực cung cho thị trường. Tuy nhiên, áp lực này không quá lớn vì thanh khoản không cao. Ví dụ ngày 5/5 có thời điểm VNI giảm đến 17 điểm, nhưng cuối phiên tăng trở lại.

Với diễn biến như trên, ông Đỗ Bảo Ngọc cho rằng, trong ngắn hạn, VNI có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh từ phên giao dịch ngày 6/5 cho đến đầu tuần giao dịch 9 – 13/5. Sau đó, thị trường tạo đáy 2 cao hơn đáy 1 thì đó là tín hiệu tích cực. Hiện tại, chưa nhìn thấy những yếu tố xấu để VNI có thể thủng mức hỗ trợ 1.260 điểm.

Về tình hình phân hóa thị trường, ông Ngọc cho rằng, hiện chưa có một nhóm ngành nào đóng vai trò dẫn dắt thị trường mà dòng tiền vẫn luân chuyển qua lại giữa các ngành khác nhau. Trong bối cảnh giằng co như vậy thì các cổ phiếu chủ yếu tăng, giảm trong biên độ hẹp chứ không thể hiện rõ xu hướng.

Bối cảnh hiện tại, VNI được hỗ trợ thông tin từ tình hình trong nước và quốc tế. Chẳng hạn căng thẳng quốc tế, FED tăng lãi suất đã phản ánh vào việc giá chứng khoán lao dốc thời gian trước. Đến hiện tại, tình hình chung là các sàn chứng khoán quốc tế tăng điểm. Trong nước, tâm lý nhà đầu tư dần ổn định trở lại, thị trường điều chỉnh với thanh khoản thấp trong biên độ hẹp là những tín hiệu khả quan trong thời gian tới.

Theo nhà đầu tư Nguyễn Văn Thái, việc chứng khoán bị bán tháo giai đoạn trước 26/4 khiến cho nhiều cổ phiếu chất lượng bị giảm quá đà, thấp hơn giá trị thực của doanh nghiệp. Đây là lý do hàng loạt cổ phiếu có sự tăng trưởng trở lại với nhiều phiên CE như BCG, ITA, HBC…

Kinh nghiệm tồn tại lâu năm trên thị trường chứng khoán, nhà đầu tư Nguyễn Văn Thái cho rằng: Việc một cổ phiếu chất lượng nhưng bị chiết khấu quá mức trong thị trường giảm thì lực bật tăng sau đó cũng rất mạnh mẽ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.