Cổ phiếu dầu khí phá kỷ lục
Hàng loạt cổ phiếu ngành dầu khí như BSR, PVS, PVD, PET, PVB, GAS, OIL, PVT... tăng liên tục thời gian gần đây.
Cá biệt, mã BSR - Lọc hoá dầu Bình Sơn (UPcom) đánh dấu mốc tăng trưởng cao nhất trong vòng 1 năm trở lại đây với gần 13 triệu đơn vị cổ phiếu được giao dịch. Giá trị cao nhất trong ngày 14/2 lên 28.10 nghìn đồng/cp. Đây là mốc xuyên phá đỉnh giá cũ ngày 11/11/2021 với 25.93 nghìn đồng/cp. Giá trị giao dịch ngày 14/2 đạt trên 341 tỷ đồng.
Mã cổ phiếu PET - Công ty Cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (sàn Hose) cũng có khối lượng cổ phiếu PET giao dịch ngày 14/2 đạt gần 3 triệu đơn vị với giá trị trên 113 tỷ đồng.
Đáng chú ý, giá cổ phiếu PET đạt 41.70 nghìn đồng/cp không chỉ phá đỉnh cũ trước đó mà còn đánh dấu chuỗi thời gian tăng trưởng liên tục trong vòng 5 năm. Sự tăng trưởng rất đều, không nhiều cổ phiếu có được.
Các mã cổ phiếu ngành dầu khí khác cũng có thời gian tăng trưởng liên tục trong vòng 1 tháng trở lại đây và có thể vượt kháng cự trước đó.
Ngoài dầu khí, nhóm ngành thuỷ sản có sự tăng trưởng nhẹ như ACL, ANV, IDI, VHC... do kỳ vọng về xuất khẩu trong năm 2022 được khơi thông trở lại sau đại dịch Covid-19.
Các ngành còn lại như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, nông nghiệp, dệt may... giảm giá và có sự phân hoá cao.
Nhóm ngân hàng có giá trị vốn hoá trên thị trường chứng khoán cao nhất có phiên giảm, kéo theo chỉ số Vnindex giảm về mốc 1.471 điểm tương đương 1,98% giá trị.
Nhóm ngành BĐS có sự phân hoá lớn. Nhóm hàng đầu cơ như CEO, DIG, CII, LDG, có sự tăng trưởng trở lại.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, nhóm cổ phiếu này đã tăng mạnh trong thời gian qua và giảm điểm do cộng hưởng sự cố Tân Hoàng Minh bỏ cọc đất Thủ Thiêm và vụ tỷ phú Trịnh Văn Quyết bán chui hàng triệu cổ phiếu. Hiện tại, nhóm cổ phiếu đầu cơ và Penny vẫn ẩn chứa nhiều rủi ro cho nhà đầu tư.
Nhóm BĐS khu công nghiệp sau hơn 1 tuần tăng trưởng liên tục, đến ngày 14/2 xuất hiện lực bán chốt lời. Nhóm này chỉ có ITA, KSB, PHR và một số ít mã khác tăng giá nhẹ.
Với nhóm thép, sau một tuần tăng trưởng liên tục, nay cũng xuất hiện lực bán lớn, đặc biệt là một số mã có vốn hoá lớn như HPG, HSG... cùng với nhóm ngân hàng đã góp phần kéo điểm số Vnindex tụt giảm mạnh.
Giá dầu phụ thuộc tình hình quốc tế
Kết phiên giao dịch ngày 14/2, toàn thị trường chứng khoán chỉ có 132 mã tăng giá trong khi có đến 322 mã giảm và 36 mã tham chiếu. Giá trị giao dịch đạt trên 25.920 tỷ đồng. Nhóm trụ VN30 chỉ có 6/30 mã tăng giá.
Đáng chú ý, nhóm ngân hàng bị bán tháo ở thời điểm cuối phiên khiến Vnindex mất 30 điểm. Trong đó, đáng chú ý là nhóm VCB, STB, LPB, SHB, TPB... giảm mạnh, thậm chí có mã giảm gần hết biên độ.
Theo một chuyên gia của Công ty Chứng khoán VPS, nhóm dầu khí tăng là căng thẳng giữa Mỹ, phương tây với Nga xoay quanh tình hình Ukraine.
Ngay từ giai đoạn leo thang căng thẳng giữa phương tây với Nga nổ ra khiến những lo ngại về nguồn cung dầu mỏ bị gián đoạn gia tăng trực tiếp tác động đến giá dầu mỏ.
Nếu những căng thẳng quốc tế không được tháo gỡ thì giá dầu có nguy cơ tăng phi mã, đẩy áp lực lên nhiều ngành sản xuất, vận tải.
Giá dầu tăng khiến cho doanh thu và lợi nhuận của các công ty dầu mỏ tăng theo, đặc biệt là những công ty có khối lượng tồn kho ở thời điểm trước lớn, mức giá đầu vào thấp... Vì vậy, đầu tư vào nhóm ngành dầu khí được kỳ vọng sẽ đem lại lợi nhuận lớn cho nhà đầu tư giai đoạn này.
Theo đánh giá của SSI, giá cổ phiếu dầu khí có độ nhạy cảm lớn với giá dầu khí. Ví dụ, giá dầu khí tăng 10% thì giá cổ phiếu ngành dầu khí cũng tăng 8 - 9,5%. Đây là điểm khác biệt lớn giữa dầu khí so với các ngành còn lại.