VNEN là mô hình tôi rất tâm đắc!
“Rất tâm đắc” - đó là lời khẳng định của cô Trần Minh Hiên khi nói về mô hình VNEN sau một năm tìm tòi, áp dụng vào thực tiễn dạy học. Khi phân tích những ưu điểm của mô hình này, cô Hiên cho rằng, đây thực sự là mô hình nhà trường tiên tiến, hiện đại, phù hợp với mục tiêu phát triển và đặc điểm của giáo dục Việt Nam.
Cô giáo trẻ chia sẻ: Minh Thuận là một xã nằm cách xa trung tâm huyện, tình hình kinh tế của địa phương còn khó khăn, phụ huynh chủ yếu đi làm xa nhà, học sinh phần đông ở với ông bà, nên phụ huynh ít có điều kiện quan tâm đến việc học của các em. Học sinh đến trường là phụ huynh phó thác cho giáo viên “trăm sự nhờ cô”.
Nhưng vì ở nhà, không được quản lí chặt chẽ nên đa số học sinh không có ý thức tự giác trong học tập, nhút nhát, khép mình, chưa tự tin trong giao tiếp, chính vì thế lực học của các em ngày càng giảm sút.
Lớp 5B do tôi chủ nhiệm có 20 học sinh, mỗi em có một tính cách khác nhau nhưng đặc thù chung là nhút nhát, ngại giao tiếp, tỉ lệ học sinh cần rèn luyện thêm còn cao, trong giờ học các em chưa có tính tự giác tích cực học tập. Khi cô giáo giao nhiệm vụ học tập, các em còn lúng túng, thụ động, chưa biết cách tự phân tích đề bài và tìm ra lời giải đúng.
Nhưng, sau một năm thực hiện dạy học theo dự án VNEN, dù thời gian chưa nhiều, song cảm nhận ban đầu, tôi nhận thấy bước đầu có những kết quả khả quan:
Học sinh được phát huy tối đa tính tích cực, chủ động, tinh thần hợp tác, chia sẻ trong nhóm; được rèn luyện cách học, cách tư duy; được tự học, hoạt động, trải nghiệm, hợp tác, từ đó có được năng lực mới.
Giáo viên chỉ tư vấn, hỗ trợ, tổ chức quá trình tự học của học sinh. Cách dạy học này tạo điều kiện đẩy mạnh đổi mới phương pháp và các hình thức dạy học trên cơ sở tổ chức các hoạt động phát huy tính tích cực chủ động, khả năng tự học của học sinh; tăng khả năng thực hành, vận dụng; chú ý tính tích hợp với hoạt động phát triển ngôn ngữ của học sinh thông qua các hoạt động học tập; chú trọng khai thác và sử dụng những kinh nghiệm của học sinh trong đời sống hàng ngày...
Các môn học được tích hợp và giúp nhau hỗ trợ nhau trong giáo dục học sinh. Việc các môn học được chuyển thành hoạt động giáo dục đã làm giảm bớt gánh nặng trong học tập cho các em. Hoạt động giáo dục được giáo viên chủ động chọn nội dung cho phù hợp với đối tượng, chọn hình thức lên lớp nhẹ nhàng mà học sinh vui và thích, không đánh giá nặng nề…
Giáo viên soạn bài, ghi nhận xét đánh giá học sinh nên nắm bắt được năng lực tính cách của từng em. Các thầy cô cũng cần nhiều thời gian hơn để chuẩn bị đồ dùng và chọn nội dung lên lớp. Thiết kế của tài liệu của hướng dẫn học rất tiện cho giáo viên và học sinh trong hoạt động dạy và học. Đa số kênh hình và kênh chữ rõ ràng giúp học sinh dễ hiểu, tiếp cận bài dễ dàng.
Các phòng học dạy theo mô hình VNEN được bố trí giống như phòng học bộ môn, thư viện linh động với đồ dùng dạy và học sẵn có để học sinh tham khảo, cùng với các góc đồ dùng học tập, góc cộng đồng, góc trưng bày sản phẩm... Học sinh được học trong môi trường học tập thân thiện, thoải mái, không bị gò bó, luôn được gần gũi với bạn bè, với thầy cô, được sự giúp đỡ của bạn học trong lớp, trong nhóm và thầy cô, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi các em.
Lớp học do học sinh tự quản và được tổ chức theo các hình thức như: Làm việc theo cặp, làm việc cá nhân và làm việc theo nhóm, trong đó hình thức học theo nhóm là chủ yếu.
Từ đó, học sinh khá giỏi được phát huy, học sinh còn hạn chế, chưa mạnh dạn tự tin trong học tập, giao tiếp được học sinh của nhóm và giáo viên giúp đỡ kịp thời ngay tại lớp.
Cô Hiên đặc biệt tâm huyết với quản lý lớp học là Hội đồng tự quản học sinh, do các em trực tiếp bầu ra và đảm nhiệm, đây là một biện pháp giúp học sinh được phát huy quyền làm chủ quá trình học tập.
Học sinh còn có điều kiện hiểu rõ quyền và trách nhiệm trong môi trường giáo dục, được rèn luyện các kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng tham gia, kỹ năng hợp tác trong các hoạt động.
“Thực hiện chương trình VNEN mở ra cơ hội để sự phối hợp nhà trường với các đoàn thể, giữa giáo viên với phụ huynh và cộng đồng xã hội chặt chẽ hơn. Phụ huynh trực tiếp tham gia giáo dục, đánh giá con em mình.
Có thể nói, học tập theo mô hình VNEN giúp học sinh phát huy tích cực tính tự học, sáng tạo, tính tự giác, tự quản, sự tự tin, hứng thú trong học tập, phát huy tốt các kỹ năng giao tiếp, hợp tác, kỹ năng tự đánh giá lẫn nhau. Phương pháp, hình thức, cách thức tổ chức lớp học của VNEN cũng rất phù hợp với cách đánh giá học sinh theo thông tư 30” – cô Trần Minh Hiên chia sẻ.
Học sinh Trường tiểu học B Minh Thuận tự học tại Góc thư viện của lớp |
Để thành công, giáo viên cần thay đổi về tư duy
Từ kinh nghiệm của mình, cô Trần Minh Hiên cho rằng, để mô hình VNEN đạt hiệu quả cao, yêu cầu giáo viên cần có sự thay đổi tư duy về dạy học trên cơ sở bảo đảm chuẩn kiến thức và kỹ năng của chương trình.
Giáo viên thiết kế bài dạy, tổ chức dạy học phù hợp nhận thức và nhu cầu của từng đối tượng học sinh ở từng khối lớp; phải đặc biệt chú trọng phát huy sáng tạo trong dạy học, vận dụng các hình thức dạy học linh hoạt trong các tiết học, áp dụng các mô hình mới như dạy học theo góc, theo dự án để kích thích học sinh tích cực học tập thông qua các hoạt động và tăng cường sự tham gia, nâng cao hứng thú ở học sinh.
Ngoài ra, để học sinh phát huy được tính sáng tạo, giáo viên chủ nhiệm luôn đề cao vai trò của Hội đồng tự quản trong việc tổ chức các hoạt động học tập, tạo cơ hội để nhiều học sinh trong lớp được thể hiện vai trò của mình.
Để triển khai tốt mô hình VNEN, theo cô Trần Minh Hiên, giáo viên cần phải thực hiện tốt việc xây dựng mô hình tự quản của lớp; hướng dẫn học sinh nắm vững 10 bước học tập; trang trí mô hình lớp học kiểu mới; tổ chức sắp xếp bàn ghế sao cho thuận lợi trong việc hoạt động nhóm.
Bên cạnh việc nắm rõ quy trình 5 bước dạy học theo mô hình VNEN, giáo viên cũng cần chuẩn bị chu đáo đồ dùng, tài liệu dạy học. Đồng thời, tìm hiểu, so sánh cấu trúc giữa chương trình hiện hành và chương trình VNEN; đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học; thực hiện nội dung dạy học theo quy trình từ trải nghiệm, học cái mới đến thực hành cái mới và cuối cùng là vận dụng cái mới vào thực tế.
“Trong quá trình áp dụng mô hình VNEN vào dạy học, tôi luôn tìm hiểu và nắm rõ: Mô hình trường tiểu học mới VNEN được xây dựng dựa trên 5yêu cầu cơ bản.
Đó là lấy học sinh làm trung tâm; nội dung học tập gắn bó chặt chẽ với đời sống hằng ngày của học sinh; linh hoạt về nhịp độ học tập tùy theo đối tượng học sinh; phụ huynh và cộng đồng phối hợp chặt chẽ với giáo viên giúp đỡ học sinh một cách thiết thực trong các hoạt động giáo dục, tham gia giám sát việc học tập của con em mình; giúp phần hình thành nhân cách, ý thức tập thể cho học sinh” – cô Trần Minh Hiên chia sẻ thêm.