Hấp dẫn với tài liệu tự học “3 trong 1” của VNEN

GD&TĐ - "Thành công bước đầu của mô hình VNEN đã khẳng định tính đúng đắn, tính thực tế và khả năng thúc đẩy việc học tập tích cực, hợp tác của học sinh, thúc đẩy quá trình đổi mới về chương trình, đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và khả năng nhân rộng của mô hình này trong tương lai".

Một lớp học VNEN của Trường tiểu học Tả Phìn (Sa Pa, Lào Cai)
Một lớp học VNEN của Trường tiểu học Tả Phìn (Sa Pa, Lào Cai)

Đó là nhận xét của bà Phương An - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.

Tài liệu tự học "3 trong 1"

Theo bà An, tài liệu hướng dẫn học VNEN là một loại hình tài liệu kiểu mới, đóng góp có ý nghĩa cho việc thực hiện đổi mới phương pháp dạy học. Tài liệu hướng dẫn học được thiết kế để thực hiện cả 3 chức năng (3 trong 1) của sách sách khoa, vở bài tập và sách hướng dẫn của giáo viên.

Đối với học sinh, đây là tài liệu có tính tương tác cao, thuận tiện cho việc tự học của cá nhân cũng như học theo nhóm. Tài liệu được thiết kế bao gồm một chuỗi các hoạt động nhằm giúp học sinh tự học, phù hợp với đặc điểm, trình độ của từng đối tượng.

Đối với giáo viên, tài liệu thuận lợi cho giáo viên trong quá trình tổ chức hoạt động dạy học trên lớp, không mất nhiều thời gian soạn giáo án. Dựa vào tài liệu, giáo viên có thể soạn bài bổ sung cho phù hợp với từng đối tượng học sinh trong lớp mình, có quyền điều chỉnh nội dung dạy học sát với đặc điểm cụ thể ở địa phương.

Với phụ huynh học sinh, tài liệu có chú trọng đến các hoạt động học tập được thực hiện ở nhà của học sinh, tạo điều kiện thuận lợi cho cha mẹ học sinh và cộng đồng tham gia vào quá trình học tập của các em thông qua việc giúp đỡ, hướng dẫn học sinh học tập, bổ sung các kiến thức, kỹ năng cần thiết đáp ứng yêu cầu học tập của cá nhân.

"Người thầy thứ hai"

Có thể nói, VNEN rất chú trọng đến phát triển khả năng ngôn ngữ cho học sinh. Điều này là cần thiết vì học sinh tự học chủ yếu qua Tài liệu hướng dẫn học nên cần có kỹ năng vững vàng về đọc hiểu. Tài liệu hướng dẫn học có thể ví như "người thầy thứ hai" của người học. Tài liệu được sử dụng nhiều lần, đáp ứng yêu cầu tiết kiệm chi phí.

Mỗi bài học trong tài liệu hướng dẫn học thường có các phần như:

Hoạt động khởi động nhằm kích thích sự tò mò, khơi dậy hứng thú của học sinh về chủ đề sắp học. Hoạt động này rất đa dạng, có thể là một ví dụ, một bức tranh minh họa, một câu hỏi, câu chuyện hoặc là một tình huống.

Các hoạt động cơ bản gồm: Hoạt động trải nghiệm, khám phá và trao đổi kiến thức, thông tin ở trong nhóm. Hoạt động này thường bắt đầu với những kiến thức học sinh đã biết hoặc bắt đầu từ kinh nghiệm của bản thân học sinh. Học sinh trải nghiệm, chia sẻ kiến thức hoặc kinh nghiệm liên quan đến chủ đề đặt ra.

Phần xây dựng kiến thức: Đây là bước trung tâm, bao gồm một loạt hoạt động được thiết kế giúp học sinh xây dựng kiến thức mới thông qua quan sát, phân tích thảo luận, tiếp xúc với các văn bản, qua trao đổi với các học sinh khác và với giáo viên. Phần củng cố trực tiếp có thể được thực hiện thông qua một ví dụ, một câu chuyện hoặc trò chơi.

Các hoạt động thực hành: Được thiết kế nhằm củng cố kết quả học tập của học sinh. Các bài tập có yêu cầu kết hợp giữa lý thuyết và thực hành giúp học sinh luyện tập củng cố kiến thức, kỹ năng mới thu nhận. Sau phần thực hành, học sinh trình bày để giáo viên đánh giá, nhận xét.

Các hoạt động ứng dụng: Nhằm giúp học sinh có thể áp dụng kiến thức, kỹ năng đã học vào các tình huống cụ thể hàng ngày trong đời sống gia đình và trong cộng đồng.

Điều này đem lại ý nghĩa của giáo dục đối với gia đình và cộng đồng. Các hoạt động ứng dụng và mở rộng đã khuyến khích học sinh tích lũy kiến thức thông qua các nguồn khác nhau như: thư viện, hàng xóm, gia đình nhằm giải quyết các vấn đề, các tình huống khó khăn của chính bản thân các em.

Chẳng hạn như: Xây dựng các bài tập dưới dạng các dự án đơn giản nhằm khám phá môi trường, những nghiên cứu quy mô nhỏm phỏng vấn đối thoại...

Có thể hình dung tài liệu Hướng dẫn học giống như một "bản thiết kế" chỉ dẫn cho học sinh các hoạt động tự học và gợi ý giáo viên triển khai các hoạt động dạy.

Mỗi bản thiết kế như vậy bao gồm một số yếu tố như: Tên bài học; mục tiêu, khởi động; trải nghiệm, khám phá; phân tích rút ra kiến thức mới, củng cố trực tiếp, tự đánh giá, thực hành, luyện tập; ứng dụng; giáo viên nhận xét và ghi nhận kết quả học tập của học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ