Đó là nhận xét của bà Phương An - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam – một người đã có những tìm hiểu và nghiên cứu về Mô hình này.
Mới - hiện đại – tất cả vì học sinh
Theo bà Phương An, hình thức dạy học tại các lớp VNEN chủ yếu là dạy học theo nhóm, theo cặp. Học sinh trong từng nhóm cùng nhau trao đổi, thảo luận, bàn bạc để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Giáo viên chỉ tập trung học sinh khi cần nhận xét, đánh giá chung hoặc hướng dẫn hoạt động cho toàn lớp,
“Vì vậy giáo viên cần giao nhiệm vụ cho mỗi cá nhân học sinh theo mục tiêu học tập cụ thể. Em nào hoàn thành sẽ được giáo viên tiếp tục hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ học tập tiếp theo. Chính vì thế, các em có thể tự điều chỉnh thời gian học tập và hoạt động của chính mình, giúp cho việc dạy học phù hợp với nhịp độ tiếp thu của học sinh” – bà Phương An trao đổi.
Trong mô hình VNEN, giáo viên lưu ý: Cần tiến hành đánh giá theo nguyên tắc: Đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh, coi việc tự đánh giá của học, không so sánh học sinh này với học sinh khác, không tạo áp lực cho học sinh, giáo viên và cha mẹ học sinh;
Đánh giá những biểu hiện phẩm chất và năng lực của học sinh dựa trên kết quả về kiến thức, kỹ năng, thái độ/hành vi và kết quả hoàn thành nhiệm vụ của học sinh.
Kết hợp đánh giá của giáo viên, các đoàn thể, tổ chức trong và ngoài nhà trường, và cha mẹ học sinh. Đánh giá thường xuyên, đánh giá định kỳ và đánh giá tổng hợp quá trình học tập, rèn luyện của học sinh trên lớp học, trong quá trình tham gia các hoạt động giáo dục ở nhà trường và trong cuộc sống hàng ngày của học sinh ở gia đình;
Kết quả đánh giá học sinh là căn cứ để xây dựng, điều chỉnh kịp thời kế hoạch, nội dung, phương pháp giáo dục của giáo viên và học sinh; để xét tuyên dương, khen thưởng về kết quả học tập các môn học, hoạt động giáo dục và xét hoàn thành chương trình lớp học, cấp học.
Hiệu quả hơn nhờ các điều kiện hỗ trợ dạy – học
Bà Phương An cho biết: VNEN rất quan tâm đến các điều kiện hỗ trợ tích cực cho hoạt động dạy học hiệu quả. Chẳng hạn như: Mỗi lớp học của VNEN đều có một thư viện với nhiều tài liệu tham khảo cho học sinh như: Tài liệu, sách báo tham khảo đặc biệt là tài liệu dành cho chương trình địa phương, sách truyện dành cho trẻ em. Thư viện nhằm bổ sung cho tài liệu hướng dẫn học, góp phần xây dựng phong cách học tập tích cực và tinh thần tự học của học sinh.
Hội đồng tự quản của lớp cử ra một tổ quản lý thư viện, điều hành việc cho học sinh mượn sách, tài liệu. Các trường lớp tổ chức nhiều hoạt động trong suốt năm học để thư viện của lớp trở thành một “trung tâm văn hóa”.
Người dân có thể đến thư viện trường học để tham khảo tài liệu, tự nguyện bổ sung cho thư viện các tài liệu, vật phẩm, đồ dùng mang bản sắc địa phương. Chính hoạt động này đã góp phần gắn kết cộng đồng với nhà trường trong việc chăm lo giáo dục cho học sinh trở thành những người có ích cho xã hội.
“Ngoài ra, mỗi lớp học đều có các góc học tập, chủ yếu là góc học tập các bộ môn. Góc học tập gồm các đồ dùng, vật liệu cho học sinh và cộng đồng tự quả làm hoặc sưu tập. Ở một số trường hợp có thêm góc “bảo tàng mini” trưng bày các vật dụng xưa cũ, mang nét văn hóa truyền thống của địa phương…
Những đồ dùng, vật liệu ở góc học tập giúp học sinh thao tác, sử dụng theo hướng dẫn của tài liệu học, giúp học sinh mở rộng kiến thức và có cảm nhận đúng về văn hóa cộng đồng nơi các em đang sống”- bà Phương An chia sẻ.
Hay như việc thành lập hộp thư trong lớp học cũng là một hình thức nhằm xây dựng môi trường dân chủ trong trường học, tăng cường sự chủ động của học sinh trong sinh hoạt, học tập. Qua đó thể hiện rõ đặc trưng của mô hình VNEN.
Theo bà Phương An có nhiều loại hộp thư như: “Hộp thư chung”: Học sinh nêu những kiến nghị, đề xuất những thông tin phản hồi để nhà trường, giáo viên biết. Qua đó giúp đỡ học sinh trong sinh hoạt, học tập, có những cải tiến để hoạt động nhà trường, lớp học nói chung và hoạt động dạy học nói riêng ngày càng tốt hơn
Hộp thư cá nhân: để học sinh trao đổi thông tin, liên lạc với nhau, thắt chặt mối quan hệ thân thiện để cùng vươn lên trong học tập và rèn luyện.
Sự tham gia của phụ huynh và cộng đồng
VNEN chỉ thành công nếu có sự phối hợp, gắn kết chặt chẽ giữa giáo viên, phụ huynh và cộng đồng, nhất là ở những nơi còn khó khăn.
VNEN giúp học sinh áp dụng kiến thức từ lớp học, từ nhà trường vào đời sống cộng đồng địa phương. Đồng thời giới thiệu bản sắc văn hóa địa phương trong các hoạt động dạy học của nhà trường và tạo cơ hội để các thành viên trong cộng đồng có những đóng góp ở nhà trường.
Học sinh được khuyến khích tìm hiểu đời sống xã hội và cộng đồng thông qua sự tham gia các hoạt động tự quản hoặc các hoạt động văn hóa, xã hội chung của cộng đồng.