VNEN tác động mạnh đến GD tiểu học và GD phổ thông

GD&TĐ - Sáng nay (14/3), Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển dự và phát biểu tại Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện thí điểm mô hình trường học mới (VNEN).

VNEN tác động mạnh đến GD tiểu học và GD phổ thông

Làm thay đổi căn bản nhà trường tiểu học

 Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển phát biểu tại Hội nghị

Dự án mô hình trường học mới chính thức có hiệu lực từ 1/2013. Đến nay, mô hình đã khẳng định được tính khả thi, tiên tiến với xã hội. Các chuyên gia, các nhà khoa học, giáo viên và cha mẹ học sinh đã có niềm tin về mô hình nhà trường, về hướng đi cũng như cách làm của VNEN cho đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, Mô hình VNEN tập trung vào các nội dung cơ bản như: Đổi mới phương pháp dạy và học, đổi mới đánh giá học sinh, đổi mới sinh hoạt tổ chuyên môn, đổi mới tổ chức, quản lý lớp học và sự tham gia của cộng đồng vào giáo dục.

Dự án đã tạo ra sự thay đổi căn bản nhà trường tiểu học, không khí học tập nhà trường dân chủ, hợp tác, học sinh chủ động tích cực với các hoạt động ở lớp, ở gia đình, cộng đồng.

Các em đã biết cách tự học dưới sự hướng dẫn hỗ trợ của giáo viên. Học sinh học theo VNEN đảm bảo chuẩn kiến thức và kỹ năng; đồng thời mạnh dạn tự tin linh hoạt trong giao tiếp, hợp tác với bạn bè, thích đến trường và ham mê hứng thú học tập. Đặc biệt sự hợp tác giữa nhà trường với cộng đồng có bước phát triển mới.

Còn theo ông Phạm Ngọc Định – Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT), mô hình VNEN đã dần đi vào chất lượng dạy học, chất lượng giáo dục và được tất cả các địa phương đánh giá là mô hình nhà trường phù hợp hiện nay của giáo dục.

Đặc biệt mô hình VNEN đã có sức hấp dẫn và khả thi, được nhiều trường chấp nhận và tự nguyện áp dụng. Qua thực tế triển khai, các Sở Giáo dục và Đào tạo khẳng định giá trị bền vững của Mô hình trường học mới trong giáo dục tiểu học.

Với việc triển khai các thành phần của Dự án, Ban quản lí dự án đã hướng dẫn các địa phương nhân rộng mô hình trường học mới trên tinh thần tự nguyện, theo hai phương thức: Nhân rộng toàn phần mô hình trường học mới ở những trường có đủ điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất và nhân rộng từng phần về tổ chức, quản lí và trang trí lớp học ở những trường chưa đủ điều kiện.

Các đại biểu tham dự Hội Nghị
 Các đại biểu tham dự Hội Nghị

Vẫn còn những khó khăn 

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng cũng chỉ ra những hạn chế ở các trường, các địa phương trong quá trình thực hiện mô hình. 

Đơn cử như: Một số Sở GĐ&ĐT (chủ yếu ở một số tỉnh thuộc nhóm ưu tiên 3, và nhóm ưu tiên 2) chưa nhận thức rõ mục đích của Dự án trên địa bàn, chưa thấy được ý nghĩa của mô hình VNEN trong đổi mới giáo dục, chưa quan tâm chỉ đạo trường “hạt giống” thực hiện chức năng thử nghiệm để nhân rộng mô hình ra các trường khác của tỉnh.

Mặt khác, thời gian triển khai Dự án chưa dài nên một số cán bộ, giáo viên chưa thật sự hiểu bản chất và ý nghĩa của mô hình. Vì vậy việc thực hiện còn mang tính hình thức, chưa linh hoạt.

Bên cạnh đó, ở nhiều trường việc huy động nguồn lực từ ngân sách địa phương và từ cộng đồng còn hạn chế, vẫn còn tâm lý chờ đợi sự hỗ trợ của Dự án, tạo ra sự trở ngại cho việc áp dụng và nhân rộng mô hình.

Trong thời gian tới, Dự án Mô hình VNEN tiếp tục triển khai một số hoạt động chủ yếu như: Chỉnh sửa tài liệu HDH lớp 2,3,4,5; Hoàn thành 5 sổ tay (Sổ tay Phương pháp dạy học, Sổ tay đánh giá học sinh, Sổ tay sinh hoạt chuyên môn, Sổ tay quản lý nhà trường và Sổ tay tổ chức quản lý lớp học) dùng làm tài liệu hướng dẫn thực hiện mô hình VNEN cho giáo viên và CBQL giáo dục tiểu học;

Tổ chức hiệu quả tập huấn hè 2015 về nâng cao năng lực cho cán bộ và giáo viên theo nội dung 5 sổ tay của Dự án; Hoàn thiện tài liệu cho các trường Sư phạm, in và tổ chức tập huấn cho các trường Đại học và Cao đẳng sư phạm tham gia dạy thí điểm tài liệu Sư phạm;

Đồng thời, hỗ trợ kỹ thuật cho các địa phương. Nâng cao hơn nữa chất lượng tập huấn theo hướng tập trung vào tổ chức học tập cho học sinh và đánh giá học sinh; Chỉ đạo phát triển hệ thống các trường điểm VNEN, đủ khả năng trở thành trung tâm bồi dưỡng của các địa phương;

Từ việc thực hiện có hiệu quả mô hình và nhận thất tính ưu việt của mô hình VNEN, năm học 204 -2015 đã có 1.039 trường trên cả nước nằm ngoài dự án tự nguyện áp dụng mô hình VNEN, nâng tổng số trường tham gia mô hình là 2.508 trường. Hiện nay, Dự án cũng đã hỗ trợ bước đầu cho việc triển khai ở lớp 6 cấp THCS. Trong quá trình thực hiện dự án đã xuất hiện nhiều trường tiểu học trở thành điển hình tốt về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ