Sắp xếp mạng lưới trường lớp
Năm học 2019-2020, Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc cùng UBND các huyện, thành phố tiếp tục tiến hành sắp xếp lại mạng lưới các trường học theo Đề án số 01-ĐA/TU ngày 30/11/2016 về việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan đơn vị tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2021. Kết quả, đã tổ chức lại 4 trường THPT thành 2 trường (giảm 2 trường); các trường học trực thuộc UBND cấp huyện giảm 07 trường (MN giảm 03 trường; TH giảm 4 trường).
Hiện nay, toàn tỉnh có 507 trường học và cơ sở giáo dục, với trên 326.530 học sinh. Trong đó, giáo dục Mầm non có 177 trường; Tiểu học 145 trường; Liên cấp TH&THCS 16 trường; THCS 131 trường; THPT 30 trường; Giáo dục thường xuyên 8 đơn vị.
Nhằm đảm bảo và nâng cao chất lượng giáo dục, ngành giáo dục đã chủ động tham mưu với các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương quan tâm đầu tư CSVC, tiếp tục thực hiện chương trình kiên cố hóa trường lớp theo hướng chuẩn hóa và từng bước hiện đại. Đến nay, CSVC các nhà trường cơ bản đáp ứng yêu cầu cho việc dạy và học, tỷ lệ phòng học kiên cố được nâng lên so với năm học trước.
Tỷ lệ phòng học kiên cố ở bậc học Mầm non năm học 2019-2020 đạt 89,5% (năm học 2016-2017 là 79.0%); Bậc Tiểu học đạt 97,5% (2016-2017 là 95.4%); THCS đạt 98% (2016-2017 là 97.8%); THPT đạt 100%. Tỷ lệ trường học có công trình nước sạch của tỉnh là 494/507 trường, chiếm tỷ lệ 97,2%.
Giáo dục mũi nhọn đạt thành tích xuất sắc
Chất lượng dạy và học ở các bậc học tại Vĩnh Phúc tiếp tục được nâng lên. Tổng kết kỳ thi tốt nghiệp THPT 2019-2020, Vĩnh Phúc là địa phương xếp thứ 5 toàn quốc, tăng 1 bậc so với top 6 của năm 2018-2019, với mức điểm thi trung bình là 6,652.
Chất lượng giáo dục mũi nhọn có nhiều thành tích xuất sắc, nổi bật. Tại các kỳ thi, cuộc thi cấp tỉnh, thi HSG lớp 12 chương trình THPT chuyên: Có 260/336 học sinh dự thi đạt giải, đạt tỉ lệ 77,4% (trong đó: Nhất 26, Nhì 65, Ba 98, Khuyến khích 71). Trong đó, có 78 học sinh của các trường THPT không chuyên đăng ký dự thi.
Thi HSG lớp 12 chương trình THPT, có 848/1797 học sinh dự thi đạt giải, đạt tỉ lệ 47,2% (trong đó: Nhất 29, Nhì 185, Ba 275, Khuyến khích 359).
Năm học 2019-2020, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên không tổ chức thi HSG lớp 10, 11 trên địa bàn tỉnh.
Tại các kỳ thi, cuộc thi cấp quốc gia, trong năm 2020, tỉnh Vĩnh Phúc có 81/90 học sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn HSG quốc gia các môn văn hóa (đạt tỷ lệ 90% - tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay và cao nhất cả nước).
Vĩnh Phúc có 12 học sinh được chọn tham dự vòng thi chọn đội tuyển QG dự thi Olympic quốc tế. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên chỉ còn 4 môn được tổ chức thi là Toán, Hóa học, Sinh học và Tin học. Kết quả có 02 học sinh được vào đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế và khu vực ở môn Toán và Tin học. Đáng chú ý, em Chu Thị Thanh, học sinh Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc là thí sinh nữ duy nhất của Việt Nam tham dự và đạt Huy chương Đồng kỳ thi Olympic Toán quốc tế năm 2020.
Triển khai nhiệm vụ năm học mới
Năm học 2020–2021, ngành GD Vĩnh Phúc, trong đó tập trung làm tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như:
Sắp xếp, quy hoạch lại mạng lưới các trường đảm bảo hoạt động đào tạo trên địa bàn đạt hiệu quả cao, tránh chồng chéo, lãng phí. Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học cơ sở; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất cho học sinh, sinh viên, bảo đảm an toàn trường học.
Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục. Đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo. Xây dựng chương trình hợp tác, giao lưu, trao đổi giáo viên, học sinh với nước ngoài.
Triển khai công tác đánh giá ngoài các trường mầm non, phổ thông, đảm bảo theo kế hoạch đã đề ra; Chuẩn bị tốt các điều kiện đảm bảo tổ chức kỳ thi TN THPT năm 2021 an toàn, hiệu quả. Đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, xét, bình chọn thi đua một cách thực chất, công bằng nhằm khuyến khích động viên CBQL, GV. Tiếp tục tăng cường cơ sở vật chất bảo đảm chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo.