Vĩnh Phúc linh hoạt, sáng tạo trong triển khai nhiệm vụ năm học

GD&TĐ - Sáng 28/8, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị trực tuyến Tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022. Dự điểm cầu tại Vĩnh Phúc có ông Vũ Việt Văn – PCT Thường trực UBND tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Việt Văn phát biểu tại hội nghị
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Việt Văn phát biểu tại hội nghị

Cùng dự hội nghị tại điểm cầu Vĩnh Phúc còn có ông Nguyễn Văn Huyến – Giám đốc Sở GD&ĐT, cùng lãnh đạo một số Sở, ngành và đại diện UBND các huyện trên địa bàn tỉnh.

Báo cáo của Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc cho thấy, hiện toàn tỉnh có 508 trường học và 221 cơ sở mầm non độc lập tư thục, với tổng số học sinh các cấp học là 330.096; toàn ngành có 17.022 cán bộ quản lý, giáo viên, trong đó trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn.

Năm học 2020-2021, ngành GD&ĐT Vĩnh Phúc đã vượt qua khó khăn, triển khai và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ năm học, tạo được bước chuyển biến rõ nét về chất lượng và hiệu quả GDĐT.

Trong năm học, tỉnh tiếp tục dành nguồn kinh phí lớn thực hiện kiên cố hóa trường lớp và trang bị thiết bị dạy học. Ngân sách đầu tư cho thiết bị dạy học cho các trường học từ mầm non đến THPT là 296,2 tỷ đồng.

Để triển khai tốt Chương trình GDPT mới, tỉnh đã tuyển dụng bổ sung 512 giáo viên văn hóa; 145 giáo viên các môn đặc thù cho các trường tiểu học. Ưu tiên bố trí đội ngũ giáo viên kinh nghiệm, nhiệt tình, tâm huyết giảng dạy lớp 1… So với năm học trước tỷ lệ học sinh lớp 1 đạt hoàn thành tốt vượt trội ở cả vùng thành thị và nông thôn.

Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19, ngành GD&ĐT Vĩnh Phúc đã linh hoạt chuyển đổi các hình thức dạy học trực tiếp và trực tuyến; rà soát, tinh giản nội dung các bài học đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng và phát huy được phẩm chất, năng lực của học sinh, thực hiện kiểm tra, đánh giá học sinh theo hình thức trực tuyến bảo đảm chính xác, công bằng, khách quan, kịp thời.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2020-2021, Vĩnh Phúc tiếp tục giữ vững vị trí thứ 5 toàn quốc về điểm trung bình các môn thi, với số điểm là 6,83 (tăng 0,23 điểm so với năm 2020).

Chất lượng giáo dục mũi nhọn tiến bộ vượt trội, năm học 2020-2021, tỉnh Vĩnh Phúc đạt thành tích ấn tượng trong kỳ thi chọn HSG quốc gia với 11 giải Nhất (số lượng cao nhất từ trước đến nay) và có 82/92 thí sinh đạt giải, đạt tỉ lệ 89,13%, đứng đầu cả nước.

12 học sinh được tham dự vòng 2 chọn các đội tuyển dự Olympic khu vực và quốc tế. Trong đó, 2 học sinh được chọn dự thi Olympic quốc tế môn Toán và Sinh học.

Công tác khuyến học, khuyến tài của tỉnh đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm, chỉ đạo. Các hoạt động của Phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đi của tỉnh đã vào thực chất với hiệu quả cao.

Năm học 2021-2022, ngành GD&ĐT Vĩnh Phúc phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ năm học theo khung thời gian đã định. Tiếp tục giữ vững và có bước phát triển về chất lượng giáo dục ở tất cả các cấp học. Tổ chức triển khai tốt chương trình, SGK cho lớp 1, lớp 2 và lớp 6, đồng thời chuẩn bị cho triển khai lớp 3, lớp 7, lớp 10 trong năm học 2022-2023. Tuyệt đối không để lạm thu trong trường học. Tăng cường giáo dục đạo đức lý tưởng, giáo dục lối sống, kỹ năng sống cho học sinh.

Phát biểu chỉ đạo đối với ngành giáo dục Vĩnh Phúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Việt Văn yêu cầu các địa phương rà soát số lượng giáo viên còn thiếu, có kế hoạch tuyển dụng cho năm học mới. Đối với giáo viên dôi dư ở các huyện cần có hướng đào tạo bổ sung chuyên ngành để phục vụ tại chỗ hoặc luôn chuyển đến các huyện còn thiếu.

Rà soát cơ sở vật chất để đầu tư đối với những trường học đã xuống cấp. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà vệ sinh, đặc biệt chú ý đến chất lượng, kỹ thuật nếu không đảm bảo thì yêu cầu phải làm lại, tuyệt đối không ký nghiệm thu đối với các công trình không đảm bảo.

Bên cạnh đó, Ngành GD&ĐT cần nghiên cứu, đề xuất về chính sách miễn học phí đối với học sinh từ mầm non đến THPT.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Cách cảm thụ một câu thơ hay

GD&TĐ - Nhà thơ sáng tạo nên câu thơ hay bằng cách nào? Người đọc cảm thụ câu thơ hay cần chú ý những phương diện sáng tạo nghệ thuật nào của nhà thơ?
Nhiều nhà tuyển dụng e ngại làm việc với “gen Z” vì sự khác biệt thế hệ.

'Gen Z' và 'mác' lười biếng

GD&TĐ - Trên một số diễn đàn, hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm làm việc, nhiều nhà tuyển dụng, quản lý cho biết cảm thấy khá e ngại khi làm việc với thế hệ trẻ...